Xã hội

Nhiều quyết định lịch sử ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều nội dung quan trọng, mang tính lịch sử, như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tái khởi động dự án điện hạt nhân... đã được thông qua.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Sau 29,5 ngày làm việc, nhìn lại kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu chia sẻ đây là kỳ họp đầy cảm xúc khi Quốc hội quyết tâm, nỗ lực cao độ và cuối cùng đưa ra những quyết định quan trọng, mang tính lịch sử.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định khối lượng công tác của kỳ họp thứ 8 khoá XV rất nặng.

"Sau khi Quốc hội họp xong trên nghị trường, các đại biểu chuyên trách lại tiếp tục làm việc, có khi đến 21h để hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt với các luật bấm nút thông qua kỳ này", ông Huân chia sẻ.

Nhiều quyết định lịch sử ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).

Về hoạt động chất vấn, giám sát, Quốc hội đã dành 2 ngày chất vấn tại nghị trường và tiếp tục chất vấn các cơ quan của Chính phủ bằng văn bản với số lượng không hề nhỏ. Tuy thời gian chất vấn ngắn, rất nhiều vấn đề được tháo gỡ, nhiều ý kiến được giải đáp.

Trong quá trình đăng đàn chất vấn, Thống đốc ngân hàng Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đều trả lời rõ ràng, mạch lạc, không né tránh.

Trong đó, đại biểu đoàn Bình Dương nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế, tuy lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, đối mặt nhiều vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều như cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, nhưng đối mặt thẳng vấn đề, không né tránh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng trả lời rất rõ ràng những vấn đề còn rất mới như công nghệ kỹ thuật số.

Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ nêu bật những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), làm rõ bước đi để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới. Do đó, cử tri rất phấn khởi.

"Điều đáng nói, các vấn đề quan trọng của đất nước như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Luật Điện lực (sửa đổi) với chủ trương điện hạt nhân… đều là những vấn đề lớn, trước nay có nhiều tranh cãi và một thời gian dài phải tạm ngừng để xem xét thì nay đều được Quốc hội ủng hộ", đại biểu Huân chia sẻ.

Ông nhận định, những vấn đề này đã ngấm, chín và rất cấp bách. Đơn cử điện hạt nhân, nếu không làm, không chỉ có nguy cơ thiếu điện mà vấn đề giảm phát thải ròng sẽ khó khăn.

Quyết định lịch sử với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Với đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), đây không chỉ là kỳ họp kỷ lục về khối lượng nội dung mà còn là kỳ họp nhiều cảm xúc.

Ông nhìn nhận kỳ họp nằm trong bối cảnh có sự vận động chung của cả hệ thống chính trị khi chúng ta thay đổi rất nhiều phương pháp, chủ trương và mang khí thế như tinh thần Tổng Bí thư từng phát biểu là "vừa chạy vừa xếp hàng" và không đợi chờ thời điểm quá độ.

Bên cạnh đó, chủ trương, hành động và sản phẩm phải song hành.

Rất nhiều dự án luật được bổ sung mới vào kỳ họp và được thảo luận ngay, như Nghị quyết của Vietnam Airlines, một luật sửa 4 luật, một luật sửa 7 luật rồi các dự luật thông qua ngay tại một kỳ họp… Điều này thể hiện quyết tâm, quyết liệt, đồng thời tăng trách nhiệm hoạt động Quốc hội trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều quyết định lịch sử ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Bước quan trọng tiếp theo là đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống. Các luật được thông qua theo hướng quy định những gì đã chín, đã rõ, mang tính nguyên tắc còn quy định cụ thể sẽ do Chính phủ thực hiện.

Vì vậy, sau đây khối lượng công việc của Chính phủ rất lớn, cần nguồn lực và nhân lực khổng lồ.

"Trên cơ sở kỳ họp này, chúng ta phải ưu tiên cái gì làm trước, cái gì làm sau để thực sự hiệu quả", đại biểu An nói.

Chia sẻ về ấn tượng trong kỳ họp, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng đây là kỳ họp để lại dấu ấn rất lớn với nhiều vấn đề quan trọng. Đó là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Những nội dung này, khi được thông qua sẽ đi vào lịch sử của Việt Nam như là những quyết định mang tính thời đại và mang tầm vóc to lớn cả về quy mô tài chính, cơ chế, chính sách", đại biểu An bày tỏ.

Về chất vấn, giám sát, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, kỳ họp này khác so với những kỳ họp trước khi chỉ chọn 3 nhóm vấn đề: ngân hàng, y tế và thông tin truyền thông.

Dù giảm 1 nhóm vấn đề so với thường kỳ nhưng đó đều là những vấn đề nóng, có tác động lớn trong cuộc sống và phiên chất vấn không kém phần sôi động.

Kỳ họp thứ 8 này cũng như kỳ họp tiếp theo trong năm 2025 là hết sức quan trọng bởi đây là thời điểm bản lề cho việc triển khai Nghị quyết về kinh tế - xã hội cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thể xem như "hồn, cốt" của hoạt động Quốc hội. Đây là hình thức giám sát trực tiếp, được nhân dân và cử tri quan tâm, phản ánh không khí của nghị trường, đồng thời tác dụng của chất vấn mang đến hiệu quả tức thì.

Công tác chất vấn, theo đại biểu An, ngày càng hiệu quả khi chúng ta đã quy định rõ thời gian, thời lượng phải hoàn thành nhiệm vụ, ghi rõ mốc trong Nghị quyết, yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành phải triển khai.

Hoạt động chất vấn cũng thể hiện hiệu quả khi không còn tình trạng kể lể, nêu thành tích hay nêu chung chung.

Các tư lệnh ngành nắm, hiểu vấn đề rất tốt. Tất nhiên, nhiều vấn đề còn có sự liên quan và bị hạn chế, chồng chéo, song các Bộ trưởng đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm, xác định rõ trách nhiệm của mình.

Vấn đề khó nói thẳng, việc chưa làm được cũng thừa nhận. Những cam kết của các Bộ trưởng cũng mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng hơn. Đa phần các cam kết đề rõ về số liệu, nội dung, thời gian và cách truyền tải rất rõ ràng để đại biểu có thể yên tâm.

Những điều còn tiếc nuối

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), đây là kỳ họp dài, với trong đó có nhiều nội dung bổ sung đột xuất vì vậy công tác chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu rất vất vả.

Nhiều quyết định lịch sử ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

"Dẫu vậy, tôi cho đó là việc cần làm, bởi đó là thích ứng theo thực tiễn thay đổi. Với sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như đại biểu Quốc hội, kỳ họp đã hoàn thành đầy đủ nội dung trong chương trình đề ra và cả chương trình bổ sung", đại biểu Trí cho biết.

Đặc biệt, ông Trí lưu ý các lãnh đạo cao cấp dù bận rất nhiều công việc, bao gồm cả công tác nước ngoài nhưng các đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước vừa nhận nhiệm vụ cũng sắp xếp tham gia, cho ý kiến rất nhiều.

Sự có mặt của lãnh đạo cao cấp vừa là phương diện công việc vừa tạo không khí.

Nhìn lại các nội dung trong kỳ họp, đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ ấn tượng với những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục đào tạo và an sinh xã hội đã được mổ xẻ thảo luận thẳng thắn.

Ông nêu ví dụ trong vấn đề y tế có 2 luật rất cơ bản đó là Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) đụng chạm đến nhiều vấn đề hiện nay đang rất "nóng", rất bức xúc như chuyển tuyến, thuốc men… Những vấn đề này được thảo luận một cách sâu sắc và hiệu quả từ trong thảo luận tổ đến nghị trường rồi đến các phiên chất vấn…

Có điều, đại biểu bày tỏ tiếc nuối là thời gian thảo luận, nhất là với những vấn đề về kinh tế - xã hội hay những luật có liên quan đến an sinh xã hội còn hơi eo hẹp về thời gian, chưa đủ để các đại biểu Quốc hội trình bày hết ý kiến.

Như trong buổi thảo luận về Luật Bảo hiểm y tế, số người được trình bày chỉ khoảng 30% so với số đại biểu đăng ký phát biểu. Như vậy chứng tỏ còn rất nhiều vấn đề nữa mà cử tri gửi gắm các đại biểu Quốc hội nhưng chưa được thể hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.