Tác phẩm “Underwater nude” của Ed Freeman (Mỹ) bán giá 1.580 USD - Bức số 1 trong seri 9 ảnh giới hạn số lượng |
Thị trường buôn bán ảnh nude là một trong những mắt xích quan trọng, thúc đẩy nhiếp ảnh gia sáng tạo tác phẩm, nhận thù lao tương xứng, giúp nhiếp ảnh gia duy trì cuộc sống. Nhưng thực tế lại không được như họ mong muốn.
Thị trường kinh doanh trên tinh thần “anh em”
Điểm qua thị trường ảnh nude nghệ thuật tại Việt Nam, hầu hết các thương vụ mua bán đều thông qua hình thức trao tặng. Một số tác phẩm bán được nhưng lại trên tinh thần anh em quý nhau mua ủng hộ, còn số khác là từ đơn đặt hàng của các khách sạn, resort và spa... Nhiều họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh sở hữu hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm ảnh nude nghệ thuật nhưng lại chưa từng bán tác phẩm nào của mình.
Bức ảnh nude được bán với giá cao nhất từ trước đến nay là tác phẩm Bước thời gian số 2 của nhiếp ảnh gia Thái Phiên với mức giá 40 triệu đồng tại một phiên đấu giá từ thiện. Gần đây, một số ảnh nude của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định và Ngô Xuân Phú bán tại triển lãm Ảnh nude nghệ thuật vừa tổ chức tại Hà Nội nhưng giá không cao.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho biết, giá phụ thuộc tuỳ tác phẩm và kích thước, đồng thời xuất phát từ quan điểm “giá cho nghệ thuật là vô biên”. Do đó, ông đã bán cho một khách hàng cùng lúc 3 bức với giá 50 triệu đồng. Với mức giá này chỉ cao hơn chi phí in ảnh “một chút”. Trong khi đó, nghệ sĩ nước ngoài bán tranh, ảnh nude giá vài nghìn đến vài chục nghìn USD một bức, thậm chí còn cao hơn.
Than thở về vấn đề này, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho biết: “Ảnh nude vốn là loại hình khá táo bạo, nên không phải khách hàng nào cũng có thể mua về trưng bày tại gia đình. Hoặc nếu có, đa phần sẽ trưng bày ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tại các gia đình, với nhiều thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái), không phải ai cũng hiểu hết giá trị nghệ thuật của những bức ảnh và tìm được sự đồng cảm trong cảm nhận nghệ thuật”.
“Trước đây và bây giờ cũng vậy, ảnh nude luôn gặp khó khăn khi đưa ra thị trường, hầu hết bạn bè tôi mang rượu đến và xin rước ảnh về treo. Tuy nhiên, vẫn có những người mua, nhưng số lượng không nhiều”, Thái Phiên chia sẻ.
Khó khăn là thế, nên chưa có bất kỳ nhiếp ảnh gia nào dám tự tin “vỗ ngực” khẳng định mình sống được nhờ chụp ảnh nude nghệ thuật. Người nghệ sĩ coi nghề ảnh nude nghệ thuật như một đam mê, thú chơi. Giống như người ta bỏ tiền ra mua một chiếc thuyền để đi câu cá, số cá câu được không bao giờ bù lại cho chi phí để đi câu. “Ảnh nude nghệ thuật không phải là cái nghề mang lại cuộc sống, tôi đi dạy và làm nhiều việc khác. Tôi tin 10 năm nữa, nhiếp ảnh gia có thể sống được bằng nghề ảnh nude”, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho hay.
Đồng tình với đàn anh đi trước, nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú cũng không kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc của nghệ thuật ảnh nude trong tương lai. Còn nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thì cho rằng, thị hiếu của công chúng ở Việt Nam đối với thể loại này chưa rõ tiêu chuẩn, từ đó ảnh hưởng tới thị trường.
Tác phẩm “Tinh khiết” của Dương Quốc Định |
Nạn sao chép bản quyền tràn lan
Tuy rằng hiện ảnh nude đã nhen nhóm hình thành thị trường buôn bán, thế nhưng công tác quản lý vẫn còn khá lỏng lẻo. Vì vậy, hiện nay, từ Nam chí Bắc, nhiều cá nhân, tổ chức đã “chôm” hình của một số nhiếp ảnh gia có tên tuổi như Thái Phiên, Dương Quốc Định, Dzũng Art, Mai Thành Chương để kinh doanh. Một số phòng tranh chép cũng đang chép một cách thiếu ý thức, không hề xin phép các tác giả. Người mua “vô tư”, ít hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ, còn tác giả chẳng khác nào người “vô hình”, không được ghi tên, không thu được bất cứ lợi lộc gì, trong khi bản thân phải chịu rất nhiều sức ép.
“Sự tranh đoạt gần đây mà báo chí đã viết là những bức ảnh nude của vợ tôi đã bị một công ty sử dụng để kinh doanh. Các phòng tranh chép cũng đang chép một cách thiếu ý thức, không hề xin phép tôi. Họ tự lấy hình của tôi để bán thì chắc chắn là có thị trường. Nhưng thị trường này không được công nhận một cách chính thức mà chính những người nghệ sĩ đang phải chịu thiệt thòi khi chưa được pháp luật bảo vệ. Ngành chép ảnh, chép tranh của chúng ta thực sự đang xúc phạm quyền tác giả và tác phẩm. Nếu chúng tôi có 1.000 tác phẩm, với cơ chế và cách thức đăng ký bản quyền như hiện nay thì gần như là vô bổ”, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, nghệ sĩ Nam Thanh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM cho rằng: “Để bảo vệ bản quyền hình ảnh theo Công ước Berne quả thực rất khó, nhất là trong thời đại kỹ thuật số khi mà mỗi lần bấm máy có thể cho ra tới cả chục hình ảnh na ná nhau. Nghệ sĩ chụp hàng triệu tấm ảnh nên khó có thể đăng ký bảo hộ cho từng tấm. Do đó, để tránh tình trạng vi phạm bản quyền và sao chép tràn lan, bản thân nghệ sĩ nhiếp ảnh phải tự bảo vệ cho tác phẩm của mình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận