Chính trị

Nhiều sai phạm nhưng báo cáo chỉ... lướt qua!

03/12/2015, 08:07

Cho rằng những sai phạm trong quản lý tài sản công không những không được khắc phục mà ngày càng nghiêm trọng...

3
ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) phát biểu tại phiên họp sáng 2/12

Sáng 2/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục Phiên họp thứ 14 với nội dung thảo luận và thông qua một số nghị quyết quan trọng về quyết toán ngân sách năm 2014, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2016…

Vi phạm tài sản công ngày càng nghiêm trọng

Báo cáo về tình hình ngân sách năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 ước đạt 146.585 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán được HĐND giao. Theo đánh giá của UBND TP, ngân sách đã đảm bảo được cân đối, bố trí vốn đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, xây dựng hạ tầng giao thông và một số lĩnh vực dân sinh bức xúc. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, điển hình là việc nhiều khoản thu còn đạt thấp, không đạt dự toán.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, lâu nay nhiều người nói nhiều về đầu tư công và lo lắng nguồn lực đầu tư công ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, hạ tầng xã hội đòi hỏi lớn. Tuy nhiên, nội dung quản lý tài sản công chưa được bàn thấu đáo. “Báo cáo của UBND TP đã nêu ra những tồn tại hạn chế về vấn đề quản lý tài sản công nhưng chưa đầy đủ và chưa nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản Nhà nước, đặc biệt là nhà của Nhà nước”, ông Nam nhận định và dẫn chứng thêm, từ năm 2012-2013, HĐND TP đã giám sát về quản lý tài sản nhà của Nhà nước và chỉ ra một loạt bất cập, hạn chế yếu kém như sử dụng lãng phí, cho thuê lại lấy chênh lệch giá, thuê không thu được tiền…

“Sau 5 năm còn nhiều sai phạm nhưng báo cáo chỉ lướt qua và kiến nghị HĐND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát. Kiến nghị như vậy là chưa chính xác mà phải là xử lý sau kết luận giám sát, xử lý sau thanh tra những vi phạm trong quản lý tài sản công mới có hiệu quả và ngăn chặn được vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh và đề nghị bổ sung trong phần riêng của dự thảo nghị quyết về giải pháp quản lý chặt chẽ tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý tài sản công của TP và có đề án nghiên cứu khoán kinh phí sử dụng ô tô. 

Tranh cãi gay gắt về thẩm quyền thu thuế

Cũng trong phiên thảo luận, vấn đề cơ quan nào sẽ thu thuế các doanh nghiệp trên địa bàn đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều.

ĐB Nguyễn Hữu Thắng (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, nếu quy định cứng doanh nghiệp lớn do Cục Thuế quản lý, doanh nghiệp nhỏ do Chi cục Thuế quản là rất khó thực hiện bởi không dễ gì mà phân biệt được đâu là doanh nghiệp lớn, đâu là doanh nghiệp nhỏ.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Hồng Thăng (Hà Đông) cho biết, vấn đề thu ngân sách đang có nhiều bất cập. Hiện doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhưng quận, huyện không được thu thuế mà thuộc sự quản lý của Cục Thuế. “Hiện trình độ của cán bộ thuế ở địa phương đã được nâng cao, cũng thuộc ngành dọc cho nên đừng giữ khư khư quan điểm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có sự liên kết là do Cục Thuế quản mà nên phân cấp để địa phương có động lực thu”, ông Thăng đề xuất và cho rằng nên phân cấp, giao trách nhiệm cho địa phương thu thuế, còn Cục Thuế chỉ tái giám sát, kiểm tra việc thu nộp thuế.

Bày tỏ lo ngại nếu ủy quyền thu thuế cho địa phương thì Cục Thuế “hết việc”, ĐB Nguyễn Huy Việt (Gia Lâm) đề nghị phải phân bổ thu thế nào cho hợp lý, nên chốt vấn đề này để tránh tình trạng “khúc nạc” doanh nghiệp nhiều doanh thu thì giao cho Cục còn “khúc xương” doanh nghiệp chây ì, chậm nộp thuế, trốn thuế thì giao cho các chi cục. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.