TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang |
Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra công tác tổ chức, quản lý và thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 theo Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ trướng Chính phủ (133 đường ngang), do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm chủ đầu tư.
Kết luận do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ, dự án có những tồn tại như: công tác khảo sát phần kiến trúc, thông tin, tín hiệu không tận dụng được số liệu của đơn vị duy tu, khai thác; không có sổ ghi chi tiết công tác khảo sát; khảo sát thiếu chính xác khoảng cách từ đường dây thông tin hiện có tới đường sắt dẫn tới thiết kế các cột bê tông điện lực số lượng quá mức cần thiết.
Đối với đường ngang do Công ty TNHH KSTK Công trình giao thông thiết kế, kết luận cũng nêu rõ số liệu đo cao độ đường đen hạng mục đường sắt trong hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát không đúng so với cao độ đường đen trong hồ sơ bản vẽ thiết kế. Số liệu trong sổ đo khảo sát sai khác so với số liệu trong hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát và bản vẽ thiết kế...
Đối với đường ngang do Công ty CP Tư vấn và Thương mại Việt Hưng thiết kế, kết luận cũng chỉ ra nhiều sai sót, như đo vẽ trắc dọc đường sắt đường ngang Km 22 + 423 khối lượng thanh toán là 500m; khối lượng theo sổ đo chi tiết là 400m...
Một số hạng mục các đường ngang đã bị khảo sát sai như đường ngang Km 735 + 300, đường ngang 598 + 050. Các hạng mục này do Công ty CP Tư vấn và xây dựng đường sắt phụ trách. Tổng chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật của 2 đường ngang trên trị giá gần 154 triệu đồng. Công ty TNHH Khảo sát thiết kế công trình giao thông khảo sát đường ngang Km 7 + 528 nằm ngoài phạm vi của dự án gây lãng phí không cần thiết. Chi phí cho việc khảo sát này là gần 226 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kết luận cũng chỉ ra những tồn tại, sai sót của chủ đầu tư trong dự toán lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt sai đơn gián, định mức xăng, dầu, điện, nước, đất, thép... nhiều hạng mục đường ngang khác. Về công tác đấu thầu, chỉ định thầu, thương thảo ký kết hợp đồng, công tác thực hiện hợp đồng và tiến độ thực hiện hợp đồng cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý, làm tăng chi phí xây dựng đầu tư dự án.
Kết luận cũng chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, sai sót thuộc về VNR và các Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Ban Kế hoạch kinh doanh, Ban Tài chính kế toán; các đơn vị Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Tư vấn thẩm tra, các đơn vị thi công...
Về các biện pháp xử lý, Bộ GTVT yêu cầu VNR chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế khắc phục tồn tại, sai sót, hư hỏng; Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ đường ngang về khối lượng theo hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công, khối lượng bổ sung, phát sinh; Đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công và lưu giữ hồ sơ, phê duyệt quyết toán công trình đúng quy định. VNR cũng phải rà soát, giảm trừ nhiều khoản tính chưa chính xác, tính sai chi phí; thu hồi nộp ngân sách nhiều khoản chi phí khác.
Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang do VNR làm chủ đầu tư, nhằm nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hạng mục nhằm hạn chế và xử lý đảm bảo quy định của Thông tư đường ngang; cải tạo trắc dọc đường bộ, sửa chữa mặt đường ngang, mặt đường bộ; sửa chữa và thay thế mới hệ thống biển báo hiệu đường sắt và đường bộ; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, dàn chắn đối với những đường ngang có gác; lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động với những đường ngang nâng cấp từ biển báo lên cảnh báo tự động. Tổng mức đầu tư dự án hơn 170 tỷ đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận