Tăng giá rồi sale off
Black Friday được coi là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, được diễn ra vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11 hàng năm. Khảo sát tại các cửa hàng thời trang dọc tuyến phố Chùa Bộc, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng... cho thấy, các biển hiệu quảng cáo xuất hiện với đủ mức khuyến mãi, giảm giá khác nhau.
Quần áo, giày dép, mỹ phẩm vốn là các mặt hàng được quan tâm nhất. Vì vậy, nhiều cửa hàng sẵn sàng "chơi lớn" với những ưu đãi "đến 90%", "mua 1 tặng 1", "sale sốc", "sập sàn" 70%"... Tuy nhiên, lượng khách tại các khu vực này vẫn vắng vẻ, đìu hiu.
Vốn là "con nghiện" mua sắm nhưng chị Thu Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ không hứng thú với chương trình kích cầu dịp Black Friday.
Theo chị Huyền, lướt một vòng các cửa hàng thời trang trên đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, chị thấy nhiều sản phẩm có mức giảm giá sâu đều là mẫu mã cũ và giá có dấu hiệu được tăng lên trước khi sale off.
Anh Lê Huy Nam (Đống Đa, Hà Nội) cũng chung nhận xét khi cho rằng, nhiều cửa hàng tăng giá lên 60% rồi niêm yết giảm 60% nên bản chất giá vẫn y như cũ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một cửa bán đồ thời trang nữ trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, một chiếc váy dạ size M có giá 459.000 đồng/chiếc, áp dụng mức giảm giá 20%. Tuy nhiên, quan sát kỹ, PV nhận thấy, mức giá 459.000 đồng mới được dán đè lên lớp giá cũ 380.000 đồng bên dưới.
Còn tại cửa hàng bán vali, phụ kiện thời trang trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) một số mẫu vali kéo cũng được đổi giá hoặc tăng giá bán cao hơn mức bình thường rồi sale 40%. Ví dụ như Vali Larita Vonri MG0724 24 M Navy được cửa hàng này niêm yết giá 1.550.000 đồng/chiếc, kèm sale off 20% (giảm hơn 300.000 đồng/chiếc). Tuy nhiên, thực tế, trên các sàn TMĐT, mặt hàng này đang bán với giá hơn 1 triệu đồng/chiếc.
Tương tự nhiều mặt hàng khác cũng được thay đổi giá rồi sale off. Ngoài ra, mức giảm giá "cao ngất" chỉ áp dụng cho một số mẫu mã cũ, thiếu size, thiếu màu... Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cũng đã "bắt bài" được chiêu trò này nên không mấy mặn mà.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Thanh Bình, chủ một cửa hàng thời trang nam phố Đông Các (quận Đống Đa) cho biết đơn vị cũng đã duy trì giảm giá suốt cả năm nay song lượng khách cũng chỉ lác đác. Do vậy, dịp Back Friday năm nay, sức tiêu thụ cũng không có sự đột biến.
"Khách chỉ đến xem nhiều hơn là mua. Buôn bán ế ẩm, các cửa hàng không dám nhập thêm hàng mới. Mà không nhập thì toàn hàng cũ, lỗi thời, khách hàng không có hứng thú", chị Bình chia sẻ.
Lừa dối khách hàng bị xử lý ra sao?
Chia sẻ với Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Trừ các hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Do đó, giả sử sản phẩm thuộc trường hợp áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa 50% mà đem bán với mức khuyến mại cao hơn thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá có mức giảm giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ vượt quá mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại theo quy định.
Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm.
Bên cạnh đó, theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu cửa hàng có hành vi tăng giá rồi lại giảm giá mà nhằm mục đích lừa dối khách hàng thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.
Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa dối khách hàng, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 - 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận