Ghi nhận tại Sóc Trăng, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 9.946 học sinh khối 12. Trong đó, học sinh đồng bào dân tộc Khmer 1.896 em, chiếm trên 20% tổng số học sinh khối 12 toàn tỉnh.
“Đến nay, các trường đã tổ chức ôn thi khá nghiêm túc, học sinh cơ bản nắm vững kiến thức, kỹ năng và quy chế của kỳ thi. Đồng thời, Sở GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi thử cho các em học sinh khối 12, giúp các em làm quen với không khí, cách làm bài thi”, ông Hồng cho hay.
Các em học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang tích cực ôn luyện sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 27 điểm thi và 430 phòng thi. Hiện tại, các bước chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trên địa bàn cơ bản hoàn thành theo tiến độ.
Những ngày qua, thầy và trò Trường THPT Phú Tâm (huyện Châu Thành) tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, với mong muốn có được kết quả cao nhất.
Theo thầy Trần Công Lý, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Tâm, năm học 2022-2023, toàn trường có 211 học sinh khối 12; trong đó, có gần 160 em là học sinh đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 76%).
“Chúng tôi tạo điều kiện cho các em học sinh đồng bào dân tộc nắm vững kiến thức. Cụ thể, kiểm tra đánh giá năng lực từng học sinh và phân công giáo viên bộ môn tăng cường ôn luyện cho học sinh yếu kém. Ngoài ra, phân công đảng viên (là giáo viên) đỡ đầu cho các em học sinh đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn để các em tự tin tham gia kỳ thi”, thầy Lý chia sẻ thêm.
Em Kim Thị Cẩm Thu (học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Tâm) bày tỏ: “Nhờ thầy cô quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện về vật chất và ủng hộ tinh thần, nên bản thân thấy rất vui và biết ơn thầy cô. Em sẽ cố gắng thi đạt điểm cao để không phụ lòng thầy cô và gia đình”.
Còn tại Trường THPT Văn Ngọc Chính (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên), ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh khối lớp 12.
Cô Diệp Thị Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Ngọc Chính cho biết, năm học 2022-2023, toàn trường có 248 em học sinh lớp 12 (trong đó, có 86 em học sinh là đồng bào dân tộc Khmer).
“Thường các em học sinh đồng bào dân tộc Khmer chưa chủ động hỏi giáo viên về kiến thức trong quá trình ôn tập. Do đó, Ban giám hiệu, cũng chỉ đạo giáo viên giảng dạy quan tâm các em nhiều hơn, tránh tình trạng một số em chưa hiểu bài, hay còn thắc mắc về các kiến thức mà không dám trình bày trước lớp. Từ đó, giúp các em tự tin tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay”, cô Thanh thông tin thêm.
Nhiều trường đã chủ động ôn luyện, củng cố kiến thức cơ bản giúp các em học sinh tự tin làm bài
Tại Bạc Liêu, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh có 6.382 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 5.699 thí sinh giáo dục THPT, 285 thí sinh Giáo dục thường xuyên và 398 thí sinh tự do), được chia thành 277 phòng thi.
Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bạc Liêu bố trí 16 điểm thi đặt tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát.
“Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phối hợp tốt với ngành giáo dục triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT”, ông Duy cho hay.
Tại Cà Mau, theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản vẫn giữ ổn định về hình thức tổ chức, bài thi, hình thức thi giống như năm vừa qua. Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023.
Tỉnh Cà Mau có 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì, với 17 điểm thi chính thức, đặt tại các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh (huyện Ngọc Hiển không bố trí điểm thi). Ngoài ra, có 2 điểm thi dự phòng và 1 điểm được đặt làm Ban chấm thi, Ban phúc khảo bài thi và nơi lưu giữ bài thi từ các điểm thi gửi về tại Trung tâm GDTX tỉnh.
Toàn tỉnh có hơn 9.800 thí sinh đăng ký dự thi, với 413 phòng thi. Trong đó, hệ GDPT có hơn 9.700 thí sinh, hệ GDTX có 49. Hội đồng thi tỉnh Cà Mau huy động hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Cà Mau yêu cầu, các thành viên trong Ban chỉ đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện các công việc của kỳ thi đúng quy định, đảm bảo tiến độ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tổ chức ôn tập, thi thử phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm bổ sung kiến thức cho học sinh; phối hợp chuẩn bị đầy đủ nhân sự, cơ sở vật chất tại các điểm thi.
“Đặc biệt, huy động tối đa các lực lượng xã hội hỗ trợ cho thí sinh tham gia tốt kỳ thi, nhất là học sinh hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia kỳ thi. Không để thí sinh nào phải bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt không để cán bộ làm thi, thí sinh nào tham gia kỳ thi vi phạm quy chế thi”, ông Luân lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận