Trong một tuần cách ly, khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai đã đón 5 em bé chào đời trong thời khắc đặc biệt này. Trong đó, 2 trường hợp sản phụ là nhân viên của bệnh viện, 3 sản phụ là bệnh nhân đang điều trị tại BV Bạch Mai do kèm theo bệnh lý nền.
Theo PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng Khoa Sản, hiện tại, khoa còn gần 10 thai phụ đang chờ sinh. Ngoài ra nhiều nhân viên y tế của bệnh viện đang mang bầu trong khu cách ly chuẩn bị đến ngày sinh cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và con.
Đáng lưu ý, là ca sản phụ 35 tuổi, mổ đẻ 1 lần, sảy thai 1 lần. Trong lần mang thai này, sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ, viêm tụy cấp một lần ở tuần thai 28. Ngày 26/3 thai phụ đến BV Bạch Mai khám lại ở tuần thai 36, có nguy cơ viêm tụy cấp lại, được cho nhập viện cấp cứu.
Đến chiều ngày 28/3, sản phụ được chuyển khoa sản mổ cấp cứu do tim thai dao động kém. Kết quả bé gái nặng 2,6 kg chào đời khỏe mạnh, cháu đã được về với mẹ vào ngày 31/3.
Ngoài ra, còn có sản phụ 40 tuổi, có 1 con mổ đẻ năm 2004, bỏ thai 2 lần. Từ ngày 27/3 thấy mệt, khát nước, uống nhiều, phù chân. Bệnh nhân đi khám tại BV Bạch Mai ngày 20/3 (tuần thai 33), qua kết quả xét nghiệm đường máu buộc phải nhập viện cấp cứu với chẩn đoán Đái tháo đường, nhiễm toan ceton/Thai 33 tuần, tiền sản giật.
Bệnh nhân được điều trị cấp cứu, đến ngày 24/3 thì chuyển được insulin từ truyền tĩnh mạch sang tiêm dưới da 38 đơn vị/ngày. Đến chiều ngày 3/4 được chuyển khoa Sản mổ đẻ do thai to, đa ối, nứt vết mổ cũ. Kết quả bé gái nặng 3,8kg chào đời khỏe mạnh.
TS. Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết, đái tháo đường chúc mừng hai công dân mới, sau này lớn lên chắc sẽ được bố mẹ kể cho nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi sinh ra.
Còn tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai hiện cũng đang chăm sóc cho 1 bé đặc biệt. Khi mới 27 tuần tuổi, mẹ cháu bị tiền sản giật/theo dõi hội chứng hellp, phải mổ cấp cứu để cứu cả mẹ lẫn con. Tình trạng của cháu khi ra khỏi bụng mẹ khá nặng, gần như không thở, tim đập rời rạc, toàn thân tím tái, cân nặng chỉ đạt 900g. Các bác sĩ nhi đã tiến hành hồi sức tim phổi sơ sinh cấp cứu ngay tại phòng mổ, sau đó được chuyển về phòng sơ sinh khoa Nhi để tiếp tục hồi sức trong lồng ấp: Thở máy, truyền dịch, theo dõi 24/24. Sau 25 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã ổn định và được ra khỏi lồng ấp ngày 31/3.
Các điều dưỡng, bác sĩ phải thay mẹ cháu, chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo, bế và áp sát các bé vào lồng ngực trong nhiều giờ mỗi ngày. Phương pháp Kangaroo da liền da giúp các bé sinh non giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp thở, nhịp tim, tiêu hóa tốt hơn, ít có nguy cơ nhiễm trùng và phát triển tinh thần, thể chất, giúp bé ngủ ngon, giảm kích thích.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam - Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, hiện Khoa đang điều trị cho 22 cháu bé, trong đó có 10 bé sinh non, phải nằm lồng ấp. "Bình thường chúng tôi có 73 cán bộ nhân viên nhưng hiện nay chỉ còn 25 người. Dù cường độ làm việc tăng lên do nhân lực giảm đi vì bị cách ly nhưng tinh thần của mọi người đều lạc quan", BS Nam nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận