Báo Tri thức trực tuyến dẫn lời bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết gần đây, nhiều trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBe Five và phải tới các cơ sở y tế trên địa bàn để được theo dõi, chăm sóc theo phác đồ.
Đây không phải thành phố đầu tiên ghi nhận những ca gặp phản ứng khi tiêm loại vắc xin do Ấn Độ sản xuất, mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế vắc xin Quinvaxem nhằm phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Thậm chí, ba trẻ đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBe Five.
Theo bà Xanh, huyện Kiến Thụy là địa phương có 31 trường hợp phải nhập viện theo dõi trong 2 ngày 25-26/1, nhiều hơn so với các quận, huyện khác.
Trong đó, 6/31 ca đó phản ứng nặng như sốt sau tiêm vắc xin ComBe Five, một ca xuất hiện co giật, tím tái và đã được chuyển lên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng điều trị và theo dõi.
Hiện tại, hầu hết trẻ đã xuất viện, chỉ còn một số ca đang được theo dõi ở Bệnh viện Trẻ em, nhưng tình trạng đã ổn định.
Trước thực trạng hàng loạt trẻ em phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin, Báo Một thế giới dẫn cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Phu, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã nắm được thông tin qua báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng. Các cháu ban đầu có biểu hiện sốt cao, có vài cháu bị co giật, tím tái mà gia đình chưa biết cách hạ nhiệt. Có nhiều bố mẹ quá lo sợ nên dù các cháu có phản ứng nhẹ phụ huynh cũng đưa con vào viện để theo dõi luôn.
Tuy nhiên, trong số các trường hợp nhập viện sau khi tiêm vắc xin ComBe Five, cũng có trường hợp phản ứng nặng, phản ứng giống như tiêm vắc xin Quinvaxem trước đây.
Bên cạnh đấy, ông Phu cũng khẳng định: "Các phụ huynh lo lắng cũng có lý do, tuy nhiên bố mẹ cũng nên bình tĩnh để xử lý từng trường hợp sốt cao của con, vì đa số các cháu đều có phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Điều đó chứng tỏ vắc xin có tác dụng chứ người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi dẫn đến việc bỏ tiêm vắc xin cho con ở thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh là điều không nên. Nếu phụ huynh bỏ tiêm, khi có dịch bệnh các cháu lại không có sức đề kháng, không có kháng khuẩn dễ dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh là điều đáng tiếc".
Trong tháng 10 và 11/2018, Bộ Y tế đã triển khai vắc xin ComBE Five tại 7 tỉnh, đã có 17.356 trẻ được tiêm chủng vắc xin này với phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%. Đến ngày 6/1/2019, vắc xin này đã được triển khai được 19 tỉnh trên phạm vi toàn quốc với 101.862 trẻ được tiêm vắc xin ComBe Five.
Theo báo cáo của các địa phương, tỉ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận