Gia tăng trẻ nôn, tiêu chảy
Theo BS. Đào Trường Giang, chuyên khoa Nhi, BV SaintPaul Hà Nội, thời gian gần đây gia tăng trẻ có dấu hiệu nôn và đi ngoài tới thăm khám tại bệnh viện.
Gần đây, gia tăng trẻ nôn và tiêu chảy (ảnh minh họa)
Tình trạng cũng tương tự tại khoa Nhi, BV Quân y 103, theo chia sẻ của 1 bác sĩ chuyên nhi khoa, “có trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước, mệt lả, môi nhợt, tay chân lạnh, gọi hỏi không đáp ứng”.
Chị Cao Minh Huệ (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, “cách chừng 4 hôm trước, cô giáo gọi báo con trai mình bị đi ngoài phân lỏng và kêu đau bụng, mẹ đến đón cháu về. Minh xin phép cho cháu nghỉ học 2 ngày ở nhà để theo dõi vì thấy xung quanh có mấy nhà bị tình trạng trẻ nôn và tiêu chảy. Bé nhà mình sau khi uống men tiêu hóa, thay đổi chế độ ăn, tạm dừng những món quà vặt và bữa nhỏ như sữa tươi, váng sữa hay sữa chua của con, thay bằng việc cho ăn cơm, chia làm nhiều bữa nhỏ với thịt lợn rang, thịt bò xào… giờ cháu đã ổn định, không còn thấy đi ngoài hay kêu đau bụng nữa”.
Cùng cảnh ngộ con bị tiêu chảy và nôn ói, chị Nguyễn Ngọc Ánh (Đống Đa, Hà Nội) than phiền về cậu con trai 1 tuổi “cứ ăn vào là nôn, uống nước cũng nôn, mà khỏi nôn rồi là đi ngoài rồi biếng ăn đã 2 ngày nay. Sớm nay, đành phải đưa con đi khám bác sĩ”.
Những lưu ý khi chăm trẻ tiêu chảy
Trước tình hình nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện nôn và tiêu chảy, rất nhiều mẹ bỉm sữa bày tỏ lo lắng "liệu có liên quan gì đến bệnh viêm gan “bí ẩn” đang được cảnh báo bởi có cùng dấu hiệu". Theo BS. Giang, “hiện chưa có nhiều thông tin về virus gây viêm gan ở trẻ, nên vẫn nghĩ do virus gây rối loạn tiêu hóa thông thường. Tình trạng này năm nào cũng có, tuy nhiên, năm nay có ghi nhận nhiều hơn một chút”.
Nhiều trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy (ảnh minh họa)
Còn BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết: “Tình trạng tiêu chảy và nôn ở trẻ hiện nay là do virus Rotavirus gây nên, không liên quan đến bệnh viêm gan đang cảnh báo hiện nay. Có thể lý giải sự gia tăng là sau một thời gian khá dài của dịch Covid-19, trẻ được chăm sóc kỹ ở nhà, đến nay trẻ bắt đầu được hòa nhập, tới lớp nên việc giữ gìn vệ sinh bớt hơn khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Cha mẹ không nên lo lắng thái quá, cần lưu tâm chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế”.
Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa Nhi, khi trẻ bị tiêu chảy quan trọng nhất là cho bé uống bù Oresol với liều lượng theo đúng hướng dẫn, ăn uống đồ loãng, dễ tiêu. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống các loại thuốc cầm nôn, hoặc cầm tiêu chảy bừa bãi.
Cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế, trong các trường hợp sau: Nôn nhiều 4 lần /1 giờ hoặc 6 lần trong 4 giờ; Trẻ không uống được, uống vào là nôn; Trẻ đi ngoài nhiều lần không cầm, hoặc phân có nhầy máu, mùi tanh khẳm; Trẻ sơ sinh sờ thóp lõm, không bú hoặc bú kém; Trẻ khóc không ra nước mắt, mắt trũng, không uống được, trẻ gọi hỏi không đáp ứng…
Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, hướng dẫn hoặc giúp trẻ thường xuyên rửa tay nhanh trước khi ăn; Có sát khuẩn tay nhanh trong cặp khi trẻ tới trường; Không ăn đồ lạ (hoặc món tính hàn); Không dùng chung đồ: bát đũa, cốc chén, hạn chế trẻ ngậm đồ chơi, mút tay…
Cha mẹ, thầy cô thường xuyên vệ sinh tay nắm cửa nhà vệ sinh, đồ học đồ chơi của con. Bên cạnh đó, luôn lưu ý, cho trẻ ăn đồ chín, hạn chế đồ sống hoặc để tủ lạnh quá lâu; Sữa của con bảo quản lạnh; Các loại tăng đề kháng xem hạn sử dụng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận