Vị trí tối ưu ở miền Tây
Ngày 29/7, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sóc Trăng muốn lắng nghe các nhà đầu tư đề xuất cơ chế, vốn để đầu tư vào cảng nước sâu Trần Đề.
Hiện, Sóc Trăng đang tích cực khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án này”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vị trí dự kiến xây cảng vào ngày 30/4/2022.
Ông Lâu cho biết, đầu tư vào dự án cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Theo quy hoạch, diện tích khu cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km.
Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…”.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.
Quyết định trên nhấn mạnh giải pháp huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và nước ngoài để thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch.
Ông Lâu cho biết thêm: “Cảng biển nước sâu Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
Theo ông Lâu, từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng cảng nước sâu trung tâm vùng ĐBSCL.
Gần đây nhất, vào năm 2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng cảng biển nước sâu, trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong vùng ĐBSCL có một số vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu.
Mô hình cảng Trần Đề trong tương lai.
Tuy nhiên, tính theo điểm số về lợi thế so sánh, dựa trên các tiêu chí về khoảng cách vận tải, giải phóng mặt bằng, chi phí vận tải, duy tu bảo dưỡng, kết nối giao thông vận tải… thì Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng là vị trí có ưu thế nhất, chiếm số điểm cao nhất (62 điểm) về lợi thế so sánh.
Nhiều lợi thế
Ông Ngô Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết mục tiêu của Dự án xây dựng cảng biển Sóc Trăng là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển.
Theo ông Toàn, hiện gần như toàn bộ hàng hóa của khu vực ĐBSCL phải trung chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu với chi phí vận chuyển rất cao.
Ông Lâu cho biết, việc xây dựng cảng biển nước sâu tại vị trí Trần Đề còn có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khi cảng nước sâu Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp.
Ngoài ra, cảng Trần Đề còn có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công, từ đó phát huy toàn bộ hiệu quả đầu tư từ các tuyến đường này.
Theo đánh giá, cảng nước sâu Trần Đề sẽ đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng ĐBSCL.
Khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển.
Cảng Trần Đề hiện nay.
Khu này cũng sẽ đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực ĐBSCL; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông vào Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng nhu cầu sử dụng đất để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến 33.600ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 là 606.000ha.
Theo quyết định trên, khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng thuộc danh mục dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, khoảng 50.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận