Xã hội

Nhiều vi phạm hành chính dân cung cấp sẽ được tiếp nhận, xử lý

23/09/2021, 14:00

Nếu có cơ chế người cung cấp bằng chứng sẽ được thưởng số % nhất định từ tiền phạt hành vi vi phạm được phát hiện nhờ bằng chứng đã cung cấp...

Thay vì chỉ tiếp nhận và xử lý thông tin, hình ảnh vi phạm về giao thông và môi trường như hiện nay, lực lượng công an sẽ tiếp nhận và xử lý vi phạm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ dữ liệu do người dân cung cấp.

img

Lực lượng công an sử dụng dữ liệu người dân cung cấp để xử lý vi phạm hành chính

Phát huy tác dụng của công nghệ

Rạng sáng 25/8, trên QL18, thuộc địa phận khu dân cư Lôi Động, phường Cộng Hòa (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) xảy ra vụ TNGT khiến người đi xe máy tử vong.

Thời điểm xảy ra tai nạn không có nhân chứng nhưng căn cứ trên dấu hiệu hiện trường, lực lượng công an xác định phương tiện gây tai nạn đối với xe máy trên là 1 chiếc ô tô tải.

Lực lượng công an đã kêu gọi người dân cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ tai nạn, đồng thời trích xuất camera an ninh của người dân dọc tuyến đường, cuối cùng đã tìm ra lái xe gây tai nạn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã tiếp nhận hàng trăm thông tin, hình ảnh, clip về các trường hợp vi phạm giao thông do người dân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội.

Các thông tin đều được lực lượng CSGT tiến hành xác minh, đủ căn cứ đã xử lý.

Rất nhiều vụ án, vụ tai nạn hoặc hành vi vi phạm giao thông, vi phạm hành chính khác đã được làm rõ, xử lý nghiêm nhờ thông tin, dữ liệu ghi lại qua các thiết bị của người dân và được người dân cung cấp cho cơ quan chức năng.

Để phát huy hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính từ thông tin người dân cung cấp, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính. Dự thảo sẽ thay thế Nghị định số 165/2013 đang áp dụng hiện nay.

Theo cơ quan soạn thảo, Nghị định số 165/2013 mới chỉ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm về trật tự ATGT và bảo vệ môi trường.

Vì thế, dự thảo Nghị định mới sẽ bổ sung việc sử dụng dữ liệu người dân cung cấp cho cả lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phòng, chống ma túy; phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật người dân được dùng để ghi lại thông tin, dữ liệu vi phạm gửi cơ quan chức năng.

Đây là những thiết bị mới, nhưng hiện chưa có cơ sở pháp lý được sử dụng như phương tiện đo khoảng cách bằng tia laser, phương tiện đo tốc độ tàu hỏa, một số phương tiện đo về bảo vệ môi trường...

“Những quy định mới bổ sung nhằm tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và huy động mọi nguồn lực xã hội vào phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính thông qua thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp”, đại diện Ban soạn thảo cho hay.

Nên có cơ chế khuyến khích, khen thưởng

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để tạo cơ chế pháp lý thuận lợi, nên có cơ chế khuyến khích người dân cung cấp thông tin vi phạm. Đây cũng là một cách để huy động người dân cùng tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự.

“Để khuyến khích người dân tích cực cung cấp hình ảnh, dữ liệu vi phạm cho cơ quan chức năng, có thể nghiên cứu các hình thức động viên, khen thưởng, chẳng hạn như tổ chức các đợt trao thưởng, tặng tiền. Như gần đây huyện An Dương đã thưởng 1 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho người dân tố giác những vụ vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19...”, luật sư Cường đề xuất.

Đồng tình với việc nên có phần thưởng xứng đáng cho những người cung cấp bằng chứng, thông tin vi phạm, luật sư Bùi Văn Điệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đó là động lực cho người dân tham gia vào việc phòng chống vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

“Nếu có cơ chế người cung cấp bằng chứng sẽ được thưởng số % nhất định từ tiền phạt hành vi vi phạm được phát hiện nhờ bằng chứng đã cung cấp, thì vấn đề kinh phí để thực hiện việc này không phải là trở ngại lớn”, luật sư Điệp cho hay.

Đảm bảo bí mật cho người cung cấp thông tin

Dự thảo Nghị định quy định, người cung cấp thông tin, dữ liệu vi phạm sẽ được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.

Tuy nhiên, người cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của dữ liệu đã cung cấp và phải hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng sẽ không tiếp nhận thông tin, dữ liệu mà người cung cấp thông tin không rõ danh tính.

Các thông tin được cơ quan chức năng xem xét phải không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; phản ánh khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.