ADCC báo cáo phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHK Quảng Trị tại buổi làm việc chiều 9/4
Từ miền gió cát, đất kiên cường...
Cụ thể, từ 4 trụ cột chính là: “Mảnh đất linh thiêng - anh hùng”, “Ý chí và nghị lực”, “Hội nhập và phát triển”, “Giữ gìn bản sắc – văn hóa”, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI đã nghiên cứu xây dựng 2 phương án kiến trúc nhà ga Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị là “Miền gió cát” và “Đất kiên cường”.
Theo TEDI, “Miền gió cát”- với cảm hứng chủ đạo từ 2 yếu tố đặc trưng tự nhiên của mảnh đất Quảng Trị. Đây cũng là những đặc điểm đại diện cho tự nhiên đa dạng nhưng cũng đầy thách thức của Quảng Trị, nơi khí hậu có phần khắc nghiệt luôn kiểm chứng sức sống của vùng đất này.
Với ý tưởng “Miền gió cát”, tư vấn sử dụng ngôn ngữ kiến trúc là những đường nét mềm mại, thanh mảnh và muốn tìm kiếm sự biến đổi linh hoạt, tạo cảm giác mềm mại khi quan sát nhà ga từ nhiều góc độ khác nhau.
“Gió và cát là những yếu tố vô định hình, không có hình hài cụ thể nhưng lại luôn luôn biến đổi, nó cũng mang ý nghĩa là sự linh hoạt, thích ứng- đó cũng là tinh thần mà tư vấn thiết kế muốn gửi gắm vào phương án”, TEDI chia sẻ.
Phương án kiến trúc này là hệ mái cong dùng màu vàng ánh nhạt gợi đến màu sắc của cát dưới ánh mặt trời. Hệ mái bố trí phần kính lấy sáng và thông gió ở giữa, đồng thời tạo điểm nhấn thẩm mỹ kiến trúc cho công trình. Phần sảnh đi và đến có hệ mái cong trổ kính lấy sáng, tạo bóng đổ mềm mại như những vệt sóng trải dài trên cát.
Phương án này đảm bảo góc nhìn đẹp toàn thể công trình cho hành khách ngay khi bắt đầu đến nhà ga. Mặt bên công trình được tô điểm bằng những mảng nan ngang/dọc… rất có ý nghĩa với tác dụng chống nắng nóng cho công trình.
Phối cảnh nhà ga hành khách CHK Quảng Trị "Miền gió cát" nhìn từ hướng Đông
Đáng chú ý, nếu phương án 1 lấy cảm hứng từ thiên nhiên thì phương án 2 “Đất kiên cường” TEDI lấy cảm hứng từ yếu tố con người và ngôn ngữ thiết kế cũng khác.
“Đặc điểm tự nhiên và những biến động lịch sử đã tôi rèn con người Quảng Trị như những người kiên cường bậc nhất của đất nước, thể hiện sức sống mãnh liệt qua bao khó khăn và thách thức. Tư vấn thiết kế cũng muốn chọn lựa ngôn ngữ kiến trúc mạnh mẽ, hiện đại, tương phản với phương án 1 để làm rõ tinh thần trên”, TEDI cho hay.
Đường nét chủ đạo sử dụng cho phương án 2 do đó là những nét thẳng, mạnh, với những mảng miếng thanh mảnh nhưng không kém phần gai góc. Hình khối chính phương án này thể hiện ở hệ mái thông qua nhịp điệu thăng trầm của cao độ, với phần kết thúc là điểm cao nhất về phía đường băng- một cách ẩn dụ về sự phát triển có hậu của Quảng Trị sau bao thăng trầm của lịch sử.
“Tính đa nghĩa trong ngôn ngữ tạo hình cũng cho phép ẩn dụ những hình ảnh khác nhau, có gtheer là hình ảnh cánh diều, cánh chim hoặc hình ảnh máy bay cất cánh… Nhưng tựu chung lại là tinh thần vươn lên mạnh mẽ như ý chí con người Quảng Trị, gửi gắm hy vọng vào tương lai phát triển của mảnh đất này. Màu sắc chính của hệ mái là màu xanh dương- màu xanh của hòa bình và hy vọng- được lựa chọn để nhấn mạnh cho tinh thần trên” , TEDI cho biết thêm.
Đến kết hợp hình tượng cầu Hiền Lương - vòm cổng Thành cổ…
Phương án kiến trúc này, Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC thể hiện, phần kết cấu khung nhịp lấy hình tượng cây cầu Hiền Lương lịch sử, là cây cầu kết nối giữa hai miền Nam - Bắc khi đất nước đang bị chia cắt, là biểu tượng của khát vọng thống nhất dân tộc.
Phối cảnh nhà ga hành khách CHK Quảng Trị "Miền gió cát" và "Đất kiên cường" của TEDI
Kết cấu vỏ bọc của công trình về mái trong phương án kiến trúc này lấy ý tưởng từ vòm cổng của Thành cổ Quảng Trị với mái âm dương.
“Phần dương là phần còn tồn tại, phần âm thể hiện phần đã mất đi do bom đạn, chiến tranh. Phần âm, dương kết nối lại thành những ngọn sóng và thể hiện sức sống trường tồn và ý chí của con người Quảng Trị”, ADCC chia sẻ.
Bên cạnh đó, không gian nội thất nhà ga lấy ý tưởng sử dụng hình ảnh con đò đang đợi khách bên dòng sông, với hệ thống ánh sáng hắt từ dưới lên để tạo hiệu ứng ánh sáng trong bóng nước. Từ đó dẫn dắt hành khách du lịch đến những câu chuyện hào hùng của vùng đất Quảng Trị.
Ngoài ra, ADCC đề xuất một phương án khác (phương án B) với ý tưởng phần mái công trình lấy hình tượng từ đồi cát vàng tại vùng đất Quảng Trị làm ý tưởng thiết kế, với những hình khối uốn cong mềm mại là đặc thù của khu vực Quảng Bình, Quảng Trị- gợi nên hình ảnh về một vùng đất đầy nắng gió đang có sự chuyển mình giữa dòng chảy của thời đại.
ADCC cũng cho biết, do đặc thù của công trình, mái là bộ phận được thể hiện nhiều nhất của công trình nhà ga hành khách. Với hình thức uốn lượn đầy tính nghệ thuật xen lẫn các đường nét hiện đại sẽ giúp cho nhà ga hành khách Quảng Trị trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong khu vực. Hệ mắt kính màu xanh biển giúp làm dịu mắt, kết hợp hệ mái vàng uốn lượn sẽ tạo hiệu ứng thị giác như một vùng biển xanh đầy cát vàng.
Trong khi đó, NIPPON KOEI VIET NAM & HASKELL đưa ra 2 phương án kiến trúc. Ý tưởng chủ đạo trong phương án kiến trúc 01 là hình ảnh những dòng sông quê hương và những con sóng biển hiền hòa. Nhà ga hành khách được thiết kế với những dải mái có chiều cao uốn lượn khác nhau được ngăn cách liên kết là các dải mái kính lấy sáng cho nhà ga phía dưới.
Ý tưởng chủ đạo trong phương án kiến trúc 02 lấy ý tưởng chủ đạo với hình ảnh biển Cửa Tùng, Cửa Việt với những con thuyền cá nằm trên dải biển cát trắng. Nhà ga hành khách được thiết kế với những dải mái nhấp nhô, được ngăn cách liên kết là các dải mái kính lấy sáng cho nhà ga phía dưới. Tổng thể nhà ga được thiết kế theo hình khối vuông.
Chọn phương án nào?
Phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHK Quảng Trị các đơn vị tư vấn trên đưa đều là nhà ga 2 cao trình (2 tầng).
Tại buổi làm việc chiều 9/4, các ý kiến phía tỉnh Quảng Trị đều cơ bản đánh giá cao phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHK Quảng Trị của các đơn vị tư vấn trình bày, đây là những ý tưởng rất đẹp, rất hay nhưng cần chỉnh sửa thiết kế theo tinh thần tiết kiệm và hiệu quả nhất. Cũng có ý kiến gợi ý ý tưởng kiến trúc cần nêu bật biểu tượng khát vọng hòa bình, khát vọng thống nhất và sự đoàn tụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận