Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII được xem là kỳ họp thông qua số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất |
Thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất tại kỳ họp thứ 10
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII diễn ra từ ngày 20/10/2015- 27/11/2015, Quốc hội đã xem xét, thông qua 16 dự án luật, 15 Nghị quyết; cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Đây được xem là một trong những kỳ họp đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất từ trước tới nay, trong đó có nhiều đạo luật được ban hành nằm nâng cao quyền cơ bản của công dân, của con người theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 như: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật trưng cầu ý dân... Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội và đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Lần đầu tiên chất vấn theo hình thức mới
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII vừa kết thúc cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên đổi mới hình thức chất vấn, theo đó không lựa chọn trước nhóm vấn đề cùng như Bộ trưởng trả lời chất vấn mà tại phiên chất vấn vừa qua, ĐBQH có thể chất vấn bất cứ lĩnh vực nào, tất cả các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời chất vấn. ĐBQH cũng có thể đặt câu hỏi chất vấn cho cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp đầu tiên tiến hành chất vấn theo hình thức mới. Trong ảnh là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đang trả lời chất vấn của ĐBQH |
Sự đổi mới này đã được đông đảo cử tri đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm của đồng bào cả nước. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn các thành viên Chính phủ về những vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống; về kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ; những bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách; những định hướng chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn về phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân…
Thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia
Thực hiện quy định tại Điều 117 của Hiến pháp và Điều 12 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, ngày 25/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bầu các Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng; 4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào 22/5/2016 sắp tới, Hội đồng bầu cử quốc gia có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, lãnh đạo cuộc bầu cử trong cả nước, kiểm tra đôn đốc việc thi hành các quy định pháp luật về bầu cử.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tham dự Hội nghị Thế giới các Chủ tịch QH
Từ ngày 29/8 đến ngày 3/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư. Đây là Hội nghị được tổ chức 5 năm 1 lần.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đã tham dự phiên khai mạc Hội nghị, có bài phát biểu quan trọng, khẳng định sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình thực hiện Các mục tiêu Phát triển bền vững. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã dự phiên thảo luận chung với chủ đề: “Dân chủ vì hòa bình và phát triển bền vững: Xây dựng một thế giới theo ý nguyện của nhân dân."
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn tham dự hội nghị; lãnh đạo Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ Phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; gặp gỡ Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới.
Tổ chức thành công Đại hội IPU - 32
Từ ngày 28/3 - 1/4/2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã thành công rực rỡ tại Hà Nội. Hội nghị IPU 32 đã khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”, IPU 32 đã thu hút sự tham gia của hơn 1600 đại biểu đến từ hơn 160 Nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 100 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội các nước. Đại hội đồng IPU- 132 đã ra Tuyên bố Hà Nội - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng cho đến năm 2030.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thăm Quốc hội Việt Nam
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong phiên làm việc ngày 23/5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tới thăm và có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón tiếp Tổng Thư ký Ban Ki-moon |
Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức thành công sự kiện Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132. Tổng Thư ký Ban Ki-moon tin tưởng mạnh mẽ vào đại biểu Quốc hội Việt Nam, những người đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của người dân trong việc biến những mục tiêu phát triển thành chủ trương chính sách và hành động cụ thể.
Tổng Thư ký cho rằng, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ, với nhiều kinh nghiệm phát triển, người dân tài năng, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Chính thức đưa Nhà Quốc hội vào sử dụng
Kể từ tháng 1/2015, Nhà Quốc hội đã chính thức được đưa vào phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vàd9iy các cơ quan của Quốc hội…
Được thiết kế như một khối tòa nhà 4 mặt vuông, cao 39m, gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với 35.000m2 diện tích xây dựng và trên 60.000m2 diện tích sàn với đường nét khoẻ khoắn, vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực tối cao, đến nay, Nhà Quốc hội đã đi vào vận hành ổn định, phục vụ 3 kỳ họp Quốc và hàng chục cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc họp, sự kiện lớn khác của Quốc hội. đặc biệt là Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).
Sau khi thử nghiệm, Nhà Quốc hội đã chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015 |
Nhà Quốc hội được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của dân tộc, đại diện cho một đất nước yêu chuộng hòa bình, rộng mở và phát triển.
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
Năm 2015, Quốc hội đã tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2016) như: Kỷ niệm 70 năm Quốc dân đại hội Tân Trào; vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; phát động “Giải thưởng báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng; xuất bản sách ảnh song ngữ “70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức sản xuất phim lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam; tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”.
Các hoạt động này đã góp phần cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân ôn lại lịch sử hình thành, phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.
Lần đầu tiên Quốc hội phê chuẩn Thẩm phán TANDTC
Sáng 26/6, với 440/447 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 89.07%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đây lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp, Tòa án được giao quyền tư pháp, một nhánh quyền rất quan trọng, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là cuộc bỏ phiếu phê chuẩn nhưng cũng thể hiện sự tín nhiệm, đồng thời thể hiện sự đòi hỏi của Quốc hội, của Nhân dân đối với các Thẩm phán.
Khai trương Kênh truyền hình và Cổng thông tin điện tử QH
Ngày 6/1/2015, Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam khai trương và chính thức phát sóng đúng dịp kỷ niệm 69 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946- 6/1/2015). Đây là kênh tin tức chuyên biệt về Quốc hội, không chỉ góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội mà còn đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của đông đảo cử tri và nhân dân về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng một cách chính thống, nhanh nhạy, kịp thời và hấp dẫn.
Cũng trong nỗ lực nâng cao hiệu quả của hoạt động thông tin về Quốc hội, sáng 6/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Có địa chỉ quochoi.vn, Cổng thông tin điện tử Quốc hội là kênh thông tin điện tử chính thống, duy nhất của Quốc hội Việt Nam trên môi trường internet.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận