Ngày 1/8/2020 là dấu mốc 25 năm Cục Đăng kiểm VN được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy để quản lý toàn bộ công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Nhân dịp này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN có bài viết về chặng đường 25 năm (1995-2020) của lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ.
Những “viên gạch” đặt nền móng
Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, trước yêu cầu thực tế khách quan của công tác quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật tàu thuyền, nồi hơi, bình chịu áp lực và thiết bị kỹ thuật GTVT, ngày 25/4/1964 Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm, là sự khởi đầu quan trọng để tạo dựng hệ thống đăng kiểm của đất nước. Khi mà cả nước đang phải gồng mình chống lại bao vây cấm vận, bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, tháng 7/1979, Chính phủ quyết định chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt Nam để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm và tên gọi này được giữ đến ngày nay.
Hơn chục năm sau, để đáp ứng nhu cầu quản lý của đất nước trong giai đoạn mới, Cục Đăng kiểm VN được Bộ GTVT giao thêm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kiểm tra giám sát hoạt động của các Trạm Đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 1/8/1995, là dấu mốc khởi đầu sự hình thành, phát triển của hệ thống các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới toàn quốc hiện nay. Đây chính là việc cụ thể hóa nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ GTVT tại Nghị định số 36 ngày 29/5/1995 về bảo đảm ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị.
Trong nghị định đầu tiên của Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT, Bộ GTVT có nhiệm vụ quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng kỹ thuật các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo định kỳ; quy định điều kiện, tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động cho các cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Những người làm công tác đăng kiểm trong giai đoạn trên hẳn còn nhớ, để sẵn sàng cho thời điểm 1/8/1995, chỉ hơn một tháng trước đó, Bộ GTVT ban hành tiêu chuẩn về kiểm tra chất lượng kỹ thuật các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng vào mục đích dân sự, từ xe ô tô chở người, chở hàng hóa, ô tô chuyên dùng, xe thi công đến các loại mô tô 2-3 bánh, xe lam, xích lô máy. Đồng thời, chuẩn hóa điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của trung tâm đăng kiểm bằng tiêu chuẩn ngành về trạm đăng kiểm. Các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực làm công tác đăng kiểm đều được quy định chi tiết, trong đó yêu cầu về trình độ chuyên môn đầu vào khá cao so với một số ngành nghề khác. Đối với chức vụ trạm trưởng, nếu là kỹ sư cơ khí hoặc vận tải ô tô thì phải qua 5 năm công tác chuyên ngành; nếu là trình độ trung cấp thì phải là trung cấp cơ khí hoặc vận tải ô tô đã qua 7 năm công tác chuyên ngành.
Đối với đăng kiểm viên, nếu là kỹ sư cơ khí hoặc vận tải ô tô thì phải qua 3 năm công tác chuyên ngành, nếu là trung cấp cơ khí hoặc vận tải ô tô thì phải qua 5 năm công tác chuyên ngành. Và để từng bước siết chặt tiêu chuẩn đăng kiểm viên, từ năm 2008, 100% đăng kiểm viên là các kỹ sư cơ khí ô tô. Trạm trưởng, đăng kiểm viên và tất cả cán bộ, nhân viên công tác tại trạm đăng kiểm đều phải trải qua khóa bồi dưỡng về lý thuyết và thực hành nghiệp vụ chuyên ngành về kiểm tra kỹ thuật xe cơ giới.
Hiện đại hóa quản lý, cung cấp dịch vụ
Giai đoạn khởi đầu của hệ thống các trung tâm đăng kiểm ngày nay, trạm đăng kiểm gồm có Trung tâm đăng kiểm và Trạm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trạm đăng kiểm trực thuộc các Sở GTVT, Sở Giao thông công chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có 3-5 đơn vị đăng kiểm, tại các địa phương khác hầu hết chỉ có một trung tâm để thực hiện nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới và phục vụ quản lý nhà nước về GTVT.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tin tưởng, với truyền thống 25 năm quý báu trong xây dựng và phát triển, cùng với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức mới do nhu cầu phát triển GTVT, công tác đăng kiểm xe cơ giới đường bộ sẽ có sự bứt phá, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành GTVT và đất nước.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN
Cũng ngay từ đầu, trung tâm đăng kiểm được xác định là đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công theo quy định của pháp luật, là “hàng rào” kiểm soát về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phục vụ quản lý nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, vì vậy không được phép buôn bán phương tiện, phụ tùng, vật tư kỹ thuật, cũng như cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
Sau 25 năm thành lập, đến nay hệ thống các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới toàn quốc đã có 220 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm và phần lớn được xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm định.
Có thể thấy, từ giai đoạn khởi đầu đến nay, với sự quản lý của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, lĩnh vực đăng kiểm luôn thực hiện tốt vai trò “gác cửa” kỹ thuật của mình trong công tác quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phục vụ tốt xã hội, doanh nghiệp, người dân. Hệ thống ngày càng được chuẩn hóa bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện, về trung tâm đăng kiểm và nhân lực… tương ứng với mặt bằng quốc tế.
Hệ thống trung tâm đăng kiểm ngày càng khang trang, dây chuyền thiết bị kiểm định phương tiện được lựa chọn từ các nước tiên tiến, được quản lý tập trung bằng phần mềm, hệ thống giám sát camera lưu trữ tại mỗi trung tâm đăng kiểm và trực tuyến từ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Công tác đăng kiểm xe cơ giới đã hội nhập sâu rộng với quốc tế, được Tổ chức kiểm định ô tô quốc tế CITA đánh giá cao, Cục Đăng kiểm Việt Nam được bầu chọn giữ vai trò đồng chủ tịch (cùng với Hàn Quốc) của phân ban Á-Úc.
Tích cực hỗ trợ các ngành, địa phương
25 năm qua, lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đã góp phần tích cực trong việc duy trì và nâng cao chất lượng xe cơ giới, nhất là xe ô tô các loại, ngăn chặn xe không đạt tiêu chuẩn, xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, chủ động phát hiện xe gian lận, giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Từ cơ quan đăng kiểm, nhiều trường hợp xe sang bị lật tẩy về nguồn gốc không hợp pháp, “đội lốt” hồ sơ giấy tờ xe khác hòng tham gia giao thông; hỗ trợ các cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án, CSGT… phát hiện, xử lý các trường hợp xe ô tô liên quan đến vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông.
Hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm ở địa phương đã chủ động cung cấp thông tin, danh sách từng xe đã hết niên hạn sử dụng cho cơ quan Công an, Sở GTVT các địa phương để họ thực thi nhiệm vụ của mình là thu hồi biển số, giám sát hoạt động của phương tiện. Chương trình phần mềm kiểm định tự động “khóa” toàn quốc đối với xe hết niên hạn sử dụng để không lọt qua cửa đăng kiểm đối với xe hết niên hạn sử dụng.
Đăng kiểm có ý nghĩa, vai trò tiền kiểm, phòng ngừa những rủi ro kỹ thuật đối với phương tiện, thiết bị GTVT có thể gây ra tai nạn, sự cố, ô nhiễm môi trường. Sau 25 năm, hệ thống đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm qua các thời kỳ thực sự có những đóng góp to lớn cho công tác quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và người dân, góp phần phòng ngừa, kéo giảm TNGT đường bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận