Vietcombank và Vietinbank dưới sự dẫn dắt của ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ đã thay đổi ngoạn mục như thế nào?
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank và ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank vừa được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang và Bến Tre. "Di sản" mà hai lãnh đạo của hai ngân hàng này để lại sẽ là nền tảng tốt cho những người kế nhiệm.
Vietinbank bứt phá ngoạn mục
Các ngân hàng đang từng bước công bố lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông Lê Đức Thọ còn tại vị Chủ tịch HĐQT Vietinbank công bố tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngân hàng này lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietinbank đạt 13.000 tỷ đồng, cao hơn gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Đức Thọ
Lợi nhuận 6 tháng hiện nay của Vietinbank đã cao gần gấp đôi so với lợi nhuận cả năm 2018 (khoảng 6.834 tỷ đồng), thời điểm ông Thọ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT (tháng 12/2018).
Thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, Vietinbank sa sút ở nhiều mảng kinh doanh, phương án tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 mới được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ngày 27/11/2018; Phương án tăng vốn chưa được phê duyệt.
Tại phiên họp bất thường đầu tháng 12/2018, VietinBank buộc phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu cả năm, trong đó lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm 27%; Các chỉ tiêu tăng trưởng tài sản, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn cũng thấp hơn số liệu đã công bố đầu năm.
Đến nay, các mảng kinh doanh tăng trưởng đều; Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2021 khá thấp so với toàn ngành với 1,38%; Đặc biệt tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 110%. Dự kiến đến hết quý 4/2021, tỷ lệ nợ xấu tối đa sẽ chỉ khoảng 1-1,2% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 180%.
Một điểm không nhắc tới trong giai đoạn này việc tăng vốn. Thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, tăng vốn trở thành vấn đề cấp thiết với Vietinbank và nhiều lần được ngân hàng kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Hạn chế về vốn khiến ngân hàng này tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ rất thấp, có giai đoạn không tăng trưởng, nguồn lực hoạt động của VietinBank được đánh giá là "đã tới hạn".
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tăng vốn điều lệ của VietinBank đã được giải quyết. Ngày 8/7 tới. Vietinbank sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 29% để tăng vốn điều lệ lên hơn 48.000 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng toàn bộ yêu cầu và tiêu chuẩn của Basel II theo Thông tư 41.
Đến cuối quý 2/2021, tổng tài sản của VietinBank tăng lên hơn 1,343 triệu tỷ đồng, con số này hồi cuối năm 2018 là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Giá trị thị trường cổ phiếu CTG của liên tục tăng mạnh và hiện được giao dịch quanh 52.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn rất nhiều với mức giá quanh 20.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2018 đầu năm 2019.
Vietcombank độc tôn lợi nhuận
Cuối quý 1/2021, những tưởng sự bứt phá của Vietinbank sẽ giúp ngân hàng này soán ngôi đầu về lợi nhuận nhưng đến cuối cùng vị trí này vẫn ở trong tay Vietcombank với hơn 8.631 tỷ đồng. Quán quân lợi nhuận là vị trí Vietcombank độc chiếm nhiều năm và khoảng cách với vị trí thứ hai được Vietcombank nới rộng theo từng năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành
Kể từ khi ông Nghiêm Xuân Thành đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT năm 2014, Vietcombank đã chuyển mình, khẩu vị rủi ro được điều chỉnh với tỷ trọng tín dụng bán lẻ từ hơn 40% tăng lên tới hơn 54% hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tại đây lại được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp gần nhất hệ thống, tỷ lệ trích lập dự phòng cao, nợ xấu tạo VAMC được xử lý sạch sẽ từ năm 2017.
Một điểm không thể "che giấu" của Vietcombank khi ông Thành dẫn dắt là tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Vietcombank áp dụng hệ thống quản trị mới. Trong năm nay, lợi nhuận của Vietcombank chỉ nhích nhẹ so với 2013 lên gần 5.900 tỷ đồng; Năm 2015 nhích nhẹ lên 6.829 tỷ đồng. Nhưng các năm sau lợi nhuận của Vietcombank liên tục bứt phá, đến 2019 trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD lợi nhuận.
Năm 2020, con số 1 tỷ USD cũng được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ và ngân hàng phải kìm nén việc ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận. Cố gắng ghìm lợi nhuận thì tỷ lệ trích lập dự phòng của Vietcombank khi đó rất cao do nguồn lực dồi dào. Hầu hết các khoản cho vay có nghi ngờ đều được trích lập tối đa. Đã có thời điểm tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này trong năm 2020 có thời điểm lên tới 380%, một tỷ lệ kỷ lục chưa ngân hàng nào chạm tới được.
Nhiều dự đoán cho rằng, lợi nhuận năm nay của Vietcombank sẽ vượt xa con số 1 tỷ USD và mục tiêu 2 tỷ USD lợi nhuận đặt ra cho năm 2025 sẽ cán đích sớm hơn dự kiến rất nhiều, thậm chí ngay cuối năm 2021 này.
Dự đoán này hoàn toàn có khả năng bởi Vietcombank hiện có 30.000 tỷ đồng chưa hạch toán đồng nào vào lợi nhuận (quỹ dự phòng rủi ro hơn 21.000 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng đã thu về từ phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD Vietnam), Vietcombank cũng có một nguồn lực lớn khi đang sở hữu 4,5% cổ phần Eximbank, 4,3% cổ phần MBB với giá gốc. Chỉ cần chọn thời điểm thoái vốn là hoàn toàn có thể thu về lợi nhuận cao.
Hiện giá cổ phiếu của Vietcombank đã tăng lên hơn 110.000 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 5 lần so với cuối năm 2014.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận