Từ vụ án Vũ “nhôm”, đến thời điểm này đã có 16 quan chức, cựu lãnh đạo tại Đà Nẵng và TP HCM vướng vòng lao lý - Ảnh: Quốc Chiến |
Cũng trong năm qua, có 8 cựu quan chức cấp cao đã bị khởi tố, kết án tù. Những con số kỷ lục này đã cho thấy quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Nghỉ hưu không có nghĩa “hạ cánh an toàn”
Trong số các Ủy viên T.Ư Đảng bị kỷ luật có ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Tại Hội nghị T.Ư 9 diễn ra cuối tháng 12, ông Cang bị BCH T.Ư kỷ luật cách chức Ủy viên T.Ư Đảng, cách chức Phó bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông Cang được xác định, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Người tiếp theo là Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường. Ông Cường bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Trưởng ban Chỉ đạo dự án Đại Kim - Bộ Công an. Hiện, ông Cường vẫn đang là Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
"T.Ư đang có những bước đi đúng trong tiến hành chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Ngoài xử lý cán bộ vi phạm, T.Ư còn ban hành nhiều quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ đảng viên, điển hình như Quy định nêu gương của cán bộ cấp cao." Ông Vũ Quốc Hùng |
Người thứ ba là nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do có những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian giữ cương vị Thứ trưởng Bộ TT&TT, ký quyết định phê duyệt dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu - AVG và một số văn bản có liên quan trái quy định. Cuối tháng 10, ông Tuấn bị Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ TT&TT. Hiện, ông Tuấn vẫn đang là Phó ban Tuyên giáo T.Ư.
Cũng liên quan đến vụ Mobifone mua AVG, hàng loạt quan chức, cựu quan chức khác cũng bị kỷ luật, khởi tố. Cụ thể, ông Nguyễn Bắc Son bị BCH T.Ư kỷ luật cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI và Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011 - 2016, sau đó bị xóa tư cách Bộ trưởng Bộ TT&TT. Nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu và nguyên Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà bị kỷ luật khiển trách, còn ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp bị cảnh cáo...
“Ngã ngựa” vì dính đến Vũ “nhôm”
Có 3 trường hợp khác bị khai trừ Đảng là ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV. Ông Hà được xác định vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Cuối tháng 11, ông Hà bị khởi tố cùng với 3 người khác gồm: Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc BIDV; Kiểu Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh và Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.
Trường hợp thứ ba là ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ông Minh bị khai trừ Đảng sau khi bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố cùng với một cựu Chủ tịch Đà Nẵng khác là ông Văn Hữu Chiến, khi vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) được điều tra mở rộng. Có 7 người cùng bị khởi tố với hai ông này.
Cũng bị khởi tố do liên quan đến Vũ “nhôm” còn có hai cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài và hàng loạt quan chức dưới quyền.
Tính đến thời điểm này đã có 16 quan chức, cựu lãnh đạo tại Đà Nẵng và TP HCM vướng vòng lao lý do liên quan đến Vũ “nhôm”.
Nhiều tướng lĩnh công an, quân đội dính chàm
Tổng cộng, Vũ “nhôm” liên quan tới 5 vụ án khác nhau. Vì thế, ngoài những người kể trên, có không ít tướng lĩnh, cán bộ cấp cao ngành Công an bị khởi tố, kết án tù. Đầu tiên phải kể tới là Phan Hữu Tuấn (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cán bộ Bộ Công an). Hai người này đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ “nhôm” sử dụng Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Tại phiên xét xử mới đây, tòa tuyên ông Tuấn 7 năm tù, ông Bách 7 năm tù, Vũ “nhôm” 8 năm tù cùng về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
Gần đây nhất, hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng đã bị khởi tố do liên quan tới Vũ “nhôm”. Bộ Chính trị sau đó đã kỷ luật ông Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; cách chức Ủy viên BCH Đảng bộ Công an T.Ư nhiệm kỳ 2011 - 2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã cách chức Thứ trưởng Bộ Công an đối với ông Thành và xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2011 - 2016 với ông Tân.
Đặc biệt, liên quan tới vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ, hai cựu tướng Công an đã phải nhận án tù là cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh (9 năm) và Nguyễn Thanh Hóa (10 năm). Liên quan vụ án này, có 2 Trung tướng, 3 Thiếu tướng Công an bị kỷ luật cảnh cáo, trong đó có Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba, đều nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát...
Phía quân đội, trong năm qua cũng có rất nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật. Cụ thể, Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ bị Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo. Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chính ủy Quân chủng PK-KQ bị kỷ luật cảnh cáo. Thiếu tướng Phan Tấn Tài, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7 bị khiển trách. Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh bị cảnh cáo, vì trong thời gian giữ chức vụ Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế (từ tháng 4/2005 - 1/2012) đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm...
Kỷ luật một người để cứu muôn người
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, chưa có giai đoạn nào T.Ư lại thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ như giai đoạn hiện nay. Con số kỷ lục chưa từng có về số cán bộ bị kỷ luật là minh chứng rõ nhất: Tính riêng trong năm 2018 đã có 39 cán bộ, còn từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 60 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý bị thi hành kỷ luật. “Thời tôi còn công tác cũng làm quyết liệt, nhưng quả thật không thể bằng được như hiện nay”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, con số trên có thể khiến nhiều người đau lòng, bởi không ai muốn đồng chí của mình bị kỷ luật. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: “Kỷ luật một người là để cứu muôn người”, xử lý kỷ luật không phải để đẩy ai đó đến đường cùng mà là giúp họ và những người khác nhìn lại những sai lầm để phấn đấu tốt hơn. Bên cạnh đó, nó cũng là bài học và lời cảnh tỉnh nghiêm khắc, làm thức tỉnh nhiều cán bộ khác, khiến nhiều người biết sợ mà không dám đi vào vết xe đổ.
Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn gặp khó Theo Bộ Tư Pháp, trong năm 2018, các đơn vị thi hành án dân sự thụ lý gần 930 nghìn vụ việc, tăng 44.500 việc so với năm 2017, đã thi hành xong hơn 570 vụ việc, đạt khoảng 80%. Về tiền, tổng số thụ lý là trên 196 nghìn tỷ đồng, tăng trên 23 nghìn tỷ (13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178 nghìn tỷ, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 90.000, hiện đã thi hành xong trên 34,5 nghìn tỷ đồng, đạt 38%. Bộ Tư pháp cho biết, điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán; tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng... Ngày 18/12, Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của Mobifone tại AVG. Nhà mạng đã thu hồi lại toàn bộ số tiền và hoàn trả 95% cổ phần, chấm dứt dự án này. Tổng số tiền Mobifone đã thu lại là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà Mobifone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ đồng và các chi phí khác. Mobifone cũng đã trả lại 344,66 triệu cổ phần cho các cổ đông của AVG. Trước đó, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Mobifone, TT&TT và các đơn vị có liên quan. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận