Xã hội

Nhìn lại năm tháng chiến tranh Việt Nam qua ảnh của AP

13/06/2015, 14:48

Hơn 50 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam của AP được trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội).

ap21
Trong những giờ phút cuối cùng hỗn loạn của cuộc chiến tranh Việt Nam, lính hải quân Mỹ trên tàu SS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để lấy chỗ trống cho các chuyến bay di tản từ Sài Gòn ngày 29/4/1975.

Triển lãm “Việt Nam – Cuộc chiến tranh qua ảnh” của Hãng Thông tấn AP được khai mạc ngày 12/6. Đây là cuộc triển lãm tư liệu ảnh toàn diện về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Trong những năm chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, Hãng Thông tấn AP đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa tin về cuộc chiến vì AP có những hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến.

Các phóng viên và nhân viên của AP thường trú tại Việt Nam trong nhiều năm, đặc biệt một số phóng viên sống ở Việt Nam hơn 10 năm hoặc lâu hơn thế.

Trong số những bức ảnh nổi tiếng nhất có bức ảnh của Nick Út – bức ảnh được biết rộng rãi trên thế giới – “Cô bé Napalm”.

“Việt Nam – Cuộc chiến tranh qua ảnh” diễn ra từ ngày 12 – 26/6/2015 tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cùng nhìn lại chiến tranh Việt Nam qua ảnh của AP:

ap1
Đầu năm 1937, lính người Việt trong quân đội thực dân Pháp được huấn luyện tại một cánh đồng lúa.
ap2
Những người lính này nằm trong trong số các tù binh được trao trả sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết chính thức nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp. Tháng 8/1954, họ được trao trả tại Việt Trì và được đưa về Hà Nội bằng thuyền trên quãng đường dài 65 km dọc theo Sông Hồng sau khi được Việt Minh trả tự do.
ap3
Tháng 8/1962, lính Việt Nam Cộng hòa kiệt sức, ngủ mê mệt trên một chiếc xe của Hải quân Mỹ đưa họ trở lại thủ phủ của tỉnh Cà Mau. Trước đó, trong một chiến dịch kéo dài bốn ngày, đơn vị bộ binh này đã chống lại Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở vùng đầm lầy ở điểm cực Nam của Việt Nam.
ap4
Ngày 11/6/1963, tại một đường phố Sài Gòn, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bức ảnh này đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới và góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhìn bức ảnh này trong phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ John Kennedy nói với đại sứ của ông “Chúng ta sẽ phải làm gì đó với chính quyền này”.
ap5
Ngày 19/3/1964, một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Tấm ảnh này của Horst Faas nhận được giải Pulitzer cho ảnh năm 1965.
ap6
Thượng sỹ không quân Lyle Goodin vác thi thể của một phụ nữ lớn tuổi, người bán hàng rong ở góc phố gần đó, khi một trái bom nổ trong chiếc xe ô tô đỗ trên đường Hàm Nghi gần Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn ngày 30/3/1965.
ap7
Một người lính Mỹ đội mũ có khẩu hiệu viết bằng tay trên mũ (Chiến tranh là địa ngục) (tháng 6/1965) . Người lính này phục vụ trong Lữ đoàn Kỵ binh 173 bảo vệ sân bay Phước Vĩnh.
ap8
Lính Việt Nam Cộng hòa tự chăm sóc vết thương sau khi chiến đấu căng thẳng với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cheo Reo đầu tháng 7/1965.
ap9
Cố vấn Mỹ dùng bạt treo trên đòn gánh để đưa một người lính bị thương tới một máy bay trực thăng Mỹ để sơ tán về Sài Gòn tháng 9/1965.
ap10
Ngày 3/9/1965, một người lính Việt Nam Cộng hòa quỳ xuống gần dãy bao bố đựng xác đồng đội ở bờ ruộng tại đảo Tân Định ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai ngày tuần tra mà không tìm được địch, đơn vị này bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bao vây tấn công. Sau đó máy bay trực thăng Mỹ nhầm lính Việt Nam Cộng hòa là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nên đã xả súng vào đơn vị này. Những lính bị chết sau đó được máy bay trực thăng thu nhặt.
ap11
Một lính Việt Nam Cộng hòa phải đeo khẩu trang, tránh mùi hôi thối từ tử thi lính Mỹ và miền Nam Việt Nam chết trong giao tranh với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở đồn điền cao su Michelin ngày 27/11/1965. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh bại Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 quân đội Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt phần lớn Trung đoàn và vài cố vấn Mỹ. Đồn điền này nằm giữa Sài Gòn và biên giới Campuchia là nơi thường xảy ra chiến sự trong suốt cuộc chiến tranh.
ap12
Lính cứu thương Thomas Cole chỉ còn một mắt không bị băng tiếp tục chữa trị cho Thượng sỹ Harrison Pell trong một trận giao tranh ngày 30/1/1966. Bức ảnh này được đăng trang bìa tạp chí Life ngày 11/2/1966 và những bức ảnh của Henry Huet về trận đánh ở An Thi giành được giải Vàng Robert Capa từ Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài.
ap13
Xác của một lính dù Mỹ bị chết trong một trận đánh trong rừng gần biên giới Campuchia được kéo lên trực thăng trong chiến khu C ngày 14/5/1966 - khu vực bao gồm thành phố Tây Ninh và khu vực lân cận bắc Sài Gòn - là "đầu não" của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Nam Việt Nam.
ap14
Trung sỹ dù James R. Cone cầm một con chó con khi dò dẫm trong một hang tại một bờ sông tại tỉnh Lâm Đồng ngày 24/7/1966. Phía bên trái là binh nhất George R. Rosen. Lính của Lữ đoàn Không vận 173 khi đó đang tìm kiếm du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong các hang.
ap15
Một lính Thủy quân lục chiến Mỹ đang cố cứu sống một đồng đội bị thương nặng gần khu phi quân sự (DMZ) giữa tháng 9/1966. Một số Thủy quân lục chiến bị chết khi Đại đội Tiên phong Bravo, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 26 bị tấn công trên một quốc lộ cách khu phi quân sự khoảng 1,6 km về phía Nam. Người lính Thủy quân Lục chiến bị thương này sau đó đã chết.
ap16
Một lính Mỹ giúp một cụ già ốm yếu khi bà và những người hàng xóm phải di dời khỏi làng của họ tới ấp chiến lược ngày 5/1/1968. Phía xa xa, rặng núi bị  khói che mờ.
ap17
Khi những người lính khác đang trợ giúp đồng đội bị thương, một người lính dù của Đại đội A, Sư đoàn Không vận 101 chỉ dẫn một máy bay trực thăng cứu thương qua khu rừng để đón những lính bị thương trong cuộc tuần tra kéo dài 5 ngày gần Huế vào tháng 4/1968.
ap18
Tổng thống Lyndon Johnson tại phòng họp Nội các trong Nhà Trắng đang chuẩn bị bài diễn văn làm cho cả nước bất ngờ. Sau đó, ông tuyên bố: “Tôi sẽ không ra tranh cử và tôi sẽ không nhận đề cử làm ứng cử viên Tổng thống” ngày 30/3/1968. Trong diễn văn được đọc tối sau đó, Johnson cũng tuyên bố rằng Mỹ giảm ném bom miền Bắc Việt Nam với hy vọng thúc đẩy đàm phán hòa bình.
ap19
Bị bỏng nặng trong cuộc tấn công bằng bom Napalm, trẻ em gào thét kêu cứu dọc đường 1 gần Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa ngày 8/6/1972. Cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, (ở giữa) phải cởi quần áo bị cháy trong khi chạy trốn. Những trẻ em khác (từ trái) là anh của cô Phan Thanh Tâm, người bị mất một mắt và Phan Thanh Phước và anh em họ Hồ Văn Bốn và Hồ Thị Ting. Bức ảnh này của Nick Ut đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973.
ap20
Trung tá Robert L. Stirm được gia đình chào đón tại căn cứ không quân Travis ở Fairfield, bang California khi ông trở về nhà ngày 17/3/1973 sau 5,5 năm bị bắt làm tù binh. Người đi đầu là con gái của Stirm Lori, 15 tuổi, sau là con trai Robert, 14 tuổi, con gái Cynthia, 11 tuổi, vợ Loretta và con trai Roger, 12 tuổi. (Mặc dù bức ảnh ghi lại cảnh phấn chấn của nước Mỹ với việc các tù binh được thả, nhưng câu chuyện của gia đình này thì không vui vẻ chút nào. Stirm đã biết rằng vợ ông đã đệ đơn ly hôn và cuộc hôn nhân của họ đã kết thúc trong cay đắng năm sau đó). Bức ảnh này của Sal Veder giành giả Pulitzer cho ảnh phóng sự năm 1974.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.