Tại Đại hội đồng cổ đông cách đây tròn một năm, các cổ đông của Masan đi từ ngạc nhiên đến thích thú với thông điệp, sứ mệnh “kết nối vạn nhu cầu”.
Tới nay, tập đoàn này không ngừng hiện thực hóa mục tiêu thông qua loạt thương vụ M&A (mua bán sáp nhập) “bom tấn”.
“Bom tấn” Phúc Long
Thương vụ “bom tấn” mua lại Phúc Long Coffee & Tea đã mang lại cho Masan 38 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 (Ảnh: Khách xếp hàng chờ đến lượt lên đơn tại Phúc Long Coffee & Tea). Ảnh: Hồng Hạnh
Nguyễn Thu Oanh, sinh viên đại học sư phạm Hà Nội cho biết, gần đây, Phúc Long Coffee & Tea (PLH) nằm trong Trung tâm Thương mại Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành địa chỉ “check-in” quen thuộc của Oanh và nhóm bạn.
“Bên cạnh thức uống “gây nghiện” là trà sữa với đủ vị và đủ loại toping như trái cây, trân châu, hạt đác… Phúc Long cũng có nhiều loại cà phê mà giới trẻ ưa chuộng như capuchino, latte… cho đến các loại bánh ăn kèm. Thực đơn phong phú, ngon mắt, giá cả hợp lý, từ 30 - 55 nghìn đồng/ly trà và 25 - 55 nghìn/ly cà phê…”, Thu Oanh chia sẻ lý do lựa chọn thương hiệu trà và cà phê này.
Có mặt tại Phúc Long Coffee & Tea tại Indochia Plaza vào chiều một ngày giữa tháng 3, PV Báo Giao thông phải xếp hàng tầm 10 phút mới đến lượt gọi đồ.
Nhân viên cửa hàng tên Trương cho biết, đây chưa phải giờ cao điểm. Mỗi ngày điểm bán này đạt doanh thu trung bình 30 triệu đồng, ngày đông khách có thể vọt tới 60 triệu đồng, thậm chí cao hơn vào mùa Hè.
Phúc Long Coffee & Tea tại Indochina Plaza chỉ là một trong 860 điểm bán của thương hiệu này, bao gồm các hàng flagship (cửa hàng lớn) và kiosk bên trong cửa hàng của hệ thống WinMart + và WIN.
Sự bứt phá vượt bậc của Phúc Long sau khi “về chung một nhà” với Masan đã cho thấy sự “mát tay” của tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ này, nhất là trong bối cảnh không ít thương hiệu trà và cà phê gia nhập thị trường rầm rộ rồi lại biến mất “không kèn không trống” hoặc chật vật tìm đường.
Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày mua lại (tháng 5/2021) đến cuối năm 2022, PLH đã đóng góp 1.579 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lợi nhuận thuần vào kết quả kinh doanh của Masan, vươn lên vị trí thứ 2 về doanh thu và đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận trong ngành trà và cà phê của Việt Nam.
Sự “mát tay” của PLH không chỉ thể hiện qua các con số tăng trưởng liên tục về quy mô, lợi nhuận, mà còn bằng cả những quyết định cắt lỗ kịp thời. Tính đến cuối năm 2022, PLH có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại. Song cũng trong thời gian đó, hàng loạt kiosk kém hiệu quả đã được đóng lại, dù cho quyết định này đã “ngốn” của PLH 42 tỷ đồng chi phí.
Tổng giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le, tự tin chia sẻ về thương vụ M&A “bom tấn” với tổng trị giá lên tới 280 triệu USD để sở hữu 85% cổ phần PLH: “PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng trưởng vững chắc từ 58 - 90% so với năm 2022”.
Ông Danny Le cũng hé lộ kế hoạch đổi mới thực đơn để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn; đồng thời cũng là để chuẩn bị cho việc “tấn công” ra thị trường quốc tế trong năm 2024 - 2025.
Những mảnh ghép hoàn chỉnh hệ sinh thái
Phúc Long Coffee & Tea chỉ là một trong hơn 10 thương vụ đầu tư và M&A được Masan thực hiện trong năm 2021 - 2022. Theo thống kê của KPMG Việt Nam, Masan là tập đoàn có hoạt động rất tích cực trong hoạt động M&A với nhiều thương vụ đình đám, giá trị hàng trăm triệu USD. Những mảnh ghép này đã giúp Masan từng bước hoàn chỉnh hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ.
Năm 2022, Masan đạt doanh thu 76.189 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt gần 3.570 tỷ đồng. Năm 2023, tập đoàn này ước tính sẽ đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với năm trước. Trong đó The CrownX (vận hành Winmart, Winmart+, hàng tiêu dùng Masan...) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% tổng doanh thu.
“Mở ra một chương mới” cho Masan phải kể đến thương vụ mua lại VinCommerce (nay đổi tên là WinCommerce - WCM) trước đó. Dù giá trị cụ thể thương vụ không được tiết lộ, song giới phân tích chắc chắn đó phải là một con số “khủng”.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang từng chia sẻ: “Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách”.
Nhưng ngay sau quyết định táo bạo đó, Masan cũng phải đối mặt với hàng loạt thử thách khi hệ thống bán lẻ này đã lỗ khoảng 20.000 tỷ đồng trong 5 năm trước đó.
Để xoay chuyển cục diện, ngay khi “về tay”, Masan đã triển khai hàng loạt các sáng kiến như: Cải thiện hiệu quả của hệ thống logistics, đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thay đổi cách thức trưng bày hàng hóa, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số… Tính đến giữa năm ngoái, WinMart và WinMart + đã mang về cho tập đoàn này 3.238 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp gần 40% doanh thu và 32% tổng lãi gộp.
Sau thành công bước đầu đó, một “phiên bản nâng cấp” - WIN đã ra đời với 60 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, giúp gia tăng 20% doanh thu/m2 trong giai đoạn thí điểm vừa qua.
Điều gì ở WIN thu hút khách hàng? Đó là một bước của mục tiêu “kết nối vạn nhu cầu” tại một điểm đến, bao gồm WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr.WIN (chăm sóc sức khỏe) và WINtel (dịch vụ viễn thông).
Trong các mảnh ghép tạo nên cửa hàng WIN này, ngoài Phúc Long, WINtel cũng được hoàn thiện thông qua hoạt động M&A vào tháng 9/2021, khi Masan quyết định mua lại 70% Công ty viễn thông Mobicast, với nhà mạng WINtel đầu số 055 (tên gọi cũ là Reddi).
Và đầu tháng 2 vừa qua, Masan này tiếp tục công bố thương vụ mới toanh: Chi 105 triệu USD để sở hữu 25% vốn của Trust IQ Pte. Ltd, một doanh nghiệp ở Singapore trong lĩnh vực phát triển phần mềm, công nghệ và ứng dụng. Trước đó, giữa năm ngoái, tập đoàn này đã rót 65 triệu USD để nắm giữ 25,1% công ty con của Trust IQ là Trusting Social - doanh nghiệp fintech hoạt động tại Việt Nam và được biết đến nhờ công cụ chấm điểm tín dụng, đánh giá năng lực tài chính của người đi vay.
Vì sao từ một công ty bán nước tương, nước mắm, mì tôm, giờ lại là công nghệ? Masan có còn là Masan không hay Masan sẽ thành một cái gì khác?
Chia sẻ băn khoăn này, CEO của Masan thừa nhận, Masan vốn là một tập đoàn «hơi truyền thống», những gì có thể tự làm thì sẽ tự làm. Tuy nhiên, để tiếp cận công nghệ hay chuyển đổi số sẽ cần quá trình dài. Do vậy, tập đoàn quyết định “dùng M&A” để “tìm kiếm DNA của công nghệ và kết nối với DNA của Masan” và đó là chiến lược tối ưu về quy mô và thời gian.
Ở mảnh ghép công nghệ còn lại, sau hơn một năm “về tay” Masan, WINtel chưa có nhiều hoạt động nổi bật trên thị trường viễn thông. Lý giải điều này, đại diện Masan cho biết, Mobicast đang tập trung nguồn lực vào giai đoạn xây dựng nền tảng trước khi tung ra các hoạt động đột phá.
Mặc dù đã khá thành công với Winmart, Phúc Long, song theo một chuyên gia M&A, với việc mở rộng “khẩu vị” M&A sang loạt công ty công nghệ cũng vẫn là một thử thách mà thị trường đang dõi theo.
“WinMart hay Phúc Long nằm trong hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ mà Masan có thế mạnh. Song công nghệ là một “sân chơi” mới, ở đó đòi hỏi sự sáng tạo không mệt mỏi và vốn không phải sở trường của Masan. Tuy nhiên, nếu Masan có thể gắn sự chuyển động mạnh mẽ của mình vào sự phát triển của các doanh nghiệp này thì đó sẽ là một công cụ để nhà sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ này tiếp cận, phục vụ khách hàng, như thông điệp “kết nối vạn nhu cầu” của họ”, vị chuyên gia này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận