Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa bởi “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Từ đó, Tổng Bí thư đã định hướng nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc và thực hiện kết luận Tổng Bí thư, Báo Giao thông đã phỏng vấn PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, về vấn đề này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng”
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 nhắc tới nhiều nội dung, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng cũng xác định rõ “văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Ông nghĩ thế nào về vai trò của văn hóa trong giai đoạn hiện nay qua phát biểu nhấn mạnh của Tổng Bí thư?
Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ quan trọng để tạo ra sức mạnh mềm, cũng như các sức mạnh kinh tế, ngoại giao.
Bài học từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều quốc gia phương Tây đều cho thấy nếu tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh để từ đó thúc đẩy không chỉ công nghiệp văn hóa mà còn các lĩnh vực KT-XH khác.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.
Tôi cho rằng, vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa – dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước.
Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Phạm Thu Hà đưa khán giả sống lại với những ký ức của bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ qua ca khúc "Hoa sữa" tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2022
Công nghiệp văn hóa có chuyển biến khả quan
Chúng ta đã thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp cách đây 5 năm. Là người soạn thảo chiến lược, ông nhận định thế nào về năm vừa qua, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2?
1 năm vừa qua, việc tập trung phát triển công nghiệp văn hóa của chúng ta có những chuyển biến khá tích cực. Dấu ấn đầu tiên có thể thấy được là luật Điện ảnh được xây dựng theo tinh thần của công nghiệp văn hóa, hướng tới công nghiệp điện ảnh.
Trong đó, điện ảnh được xem xét trên cơ sở khai thác tài năng sáng tạo, vốn văn hóa của đất nước, công nghệ, kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm dịch vụ điện ảnh. Chúng ta cũng kỳ vọng tinh thần này sẽ tạo những cú hích điện ảnh, cũng như văn hóa kinh tế.
Điều này giống như bộ phim Hàn Quốc "Trò chơi con mực" đã không chỉ đạt doanh thu điện ảnh mà còn phục hồi nghề làm loại kẹo truyền thống trong phim, hay bài hát của Thái Lan khiến cả thế giới đổ xô đi tìm món xôi xoài của họ.
Bên cạnh đó, còn có nhiều tín hiệu công nghiệp văn hóa tích cực từ ngành khác, đặc biệt đến từ chủ trương của các địa phương. Sau khi tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO vào 2019 thì năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về Công nghiệp văn hóa thủ đô đến 2025, tầm nhìn 2030, định hướng 2045.
Chúng ta cũng thấy tín hiệu vui khác là sự tham gia đời sống sáng tạo của các tổ chức quốc tế như UNESCO, các tổ chức đại học quốc tế như RMIT, hay các tổ chức khác… tại khắp cả nước. Nó cho thấy tinh thần sáng tạo trong 2022 đã rất phổ biến, đi đến từng ngõ ngách của nhiều thành phố, từng người dân, từng góc phố con đường...
Thời trang, tổ chức sự kiện, du lịch văn hóa đều thấy có tín hiệu tích cực khi hướng tới chuyên nghiệp hơn. Các dấu hiệu đó có sức mạnh hơn khi được hưởng ứng của cả xã hội sau 1 năm kể từ ngày 24/11/2021.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa… Ông đánh giá, thông điệp này đã được hiện thực hóa và đi vào đời sống thế nào trong một năm qua?
Những thông điệp quan trọng về văn hóa trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự có tác động tích cực đến nỗ lực của lãnh đạo các cấp trong phát triển văn hóa. Sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các cấp rất có ý nghĩa để chúng ta thực hiện các hành động cụ thể.
Những nỗ lực đó đã được hiện thực hóa thành các hội nghị, hội thảo, nghị quyết, kết luận, trong đó, các đề án, dự án, tăng đầu tư ngân sách, hay các chính sách tạo thuận lợi khác ở cả Trung ương và đặc biệt là địa phương đã cho thấy những chuyển biến thực chất trên thực tế.
Đời sống văn hóa nghệ thuật rất sôi động thời gian qua, nhất là ở các đô thị lớn với các lễ hội thiết kế sáng tạo, tuần lễ thiết kế Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh với lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô...
Thậm chí, nhiều tỉnh, thành khác cũng tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật rất có bản sắc của mình, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển văn hóa đất nước. Chắc hẳn có nhiều lý do nhưng tôi nghĩ nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là bắt nguồn từ cảm hứng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, sự chuyển biến về luật pháp, chính sách lớn đối với văn hóa như khai thông nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng cho văn hóa, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển văn hóa
Cần thực hiện tốt quan điểm Chính phủ kiến tạo trong lĩnh vực văn hóa
Vậy còn những chính sách bất cập và những thách thức, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
Công nghiệp văn hóa đang gặp cản trở như chính sách ưu đãi cho phát triển chưa có, từ ưu đãi thuế đến ưu đãi đất đai hay hỗ trợ địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo. Khi chưa có được ưu đãi chính sách như vậy, rất khó để tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và ngoài nước cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Bên cạnh đó, chúng ta thấy hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hóa cũng còn vấn đề. Chúng ta chưa có bảo tàng quốc gia nào xứng tầm thời đại, nơi có thể tự hào giới thiệu với thế giới về những giá trị vật chất, tinh thần đã được hình thành. Các thiết chế nhà hát, thư viện, triển lãm cũng như vậy. Không có những thiết chế phù hợp, khó tổ chức được các sự kiện liên quan đến công nghiệp văn hóa.
Chúng ta cũng cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo điều kiện quyền văn hóa của người dân nhằm tạo ra sự năng động của văn hóa, nghệ thuật. Khi người dân được tạo điều kiện để hưởng thụ, sáng tạo và tôn trọng tự do biểu đạt văn hoá nghệ thuật thì sẽ là môi trường tốt để phát triển văn hóa.
Để làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện tốt quan điểm Chính phủ kiến tạo trong lĩnh vực văn hóa. Khi đó, Nhà nước tập trung nhiều hơn đến việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa.
Rõ ràng, xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những phức tạp riêng, do đó cần có một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa.
Chúng ta đang sống ở một xã hội chịu các tác động từ nền kinh tế thị trường, cả tích cực và tiêu cực, được cộng hưởng bởi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Sự nhộn nhịp, rất nhanh của xã hội khiến con người dễ bị lạc lối, mất phương hướng vì thiên về hành động theo cảm xúc mà thiếu đi sự kiểm soát.
Trong khi đó, tất cả những vấn đề trong xã hội đều liên quan đến văn hóa nên nhiều bất cập xảy ra đối với văn hóa, kể cả hiện tượng xuống cấp đạo đức trong xã hội, nhiều khi lại xuất phát từ những nguyên nhân khác như kinh tế, chính trị… Đó chính là thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông, những hành động đó cần được xây dựng, thực hiện dựa trên hệ giá trị tư tưởng nào?
Theo tôi, để giúp văn hóa phát triển và xây dựng con người toàn diện, cần hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Qua đó, để điều tiết con người từ trong chính mỗi cá nhân, đến gia đình và xã hội.
Những hệ giá trị này giúp con người hiểu những gì nên và không nên làm, làm cơ sở như hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ giá trị tích cực của xã hội. Bên cạnh vai trò là nền tảng tinh thần, văn hóa có một tác dụng rất lớn, đó là hệ điều tiết cho sự phát triển mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận