Liệu đây có phải là hướng đi đúng đắn và các đội bóng trong khu vực nên kiên trì theo đuổi?
HLV Shin Tae-yong (đội mũ) đang ghi dấu ấn ở đội tuyển Indonesia
Dấu ấn Đông Á
AFF Cup 2020 đang diễn ra đầy hấp dẫn và kịch tính, chất lượng chuyên môn khá cao, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một điểm đáng chú ý, trong số 4 đội giành vé vào vòng bán kết, có tới 3 đội sử dụng HLV tới từ khu vực Đông Á.
Cụ thể, đội tuyển Việt Nam dùng HLV Park Hang-seo tới từ Hàn Quốc. Tương tự, HLV Shin Tae-yong của đội tuyển Indonesia cũng tới từ xứ kim chi.
Trong khi đó, Singapore đặt niềm tin vào HLV người Nhật Bản Tatsuma Yoshida. Thái Lan là cái tên duy nhất dùng HLV Brazil nhưng nên nhớ, nền tảng đội tuyển Thái Lan hiện tại do HLV Akira Nishino (Nhật Bản) gây dựng.
Mở rộng hơn, đội tuyển Campuchia dưới sự chèo lái của HLV Keisuke Honda (Nhật Bản) cũng đang tiến bộ. Dù chưa thể sánh ngang các ông lớn như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia nhưng ít nhất đội bóng xứ chùa tháp đã bứt lên so với phần còn lại.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin khẳng định, Malaysia sau thất bại ở AFF Cup 2020 (bị loại từ vòng bảng) sẽ tìm kiếm một nhà cầm quân đến từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Thực tế, bóng đá Đông Nam Á từng có thời gian dài đặt niềm tin vào các nhà cầm quân tới từ châu Âu. Việt Nam, Singapore, Indonesia cũng chẳng ngoại lệ.
Tuy vậy, việc không có được thành công hoặc chí ít là những tín hiệu tích cực khiến nhiều nền bóng đá trong khu vực phải suy nghĩ lại.
Tính ra, Việt Nam là đội bóng chơi ấn tượng nhất khu vực trong 4 năm trở lại đây và vai trò của HLV Park Hang-seo là không thể phủ nhận.
Ông thày tới từ xứ kim chi đã nâng tầm lối chơi, nhân sự, biến Việt Nam từ tập thể rệu rã thành đoàn quân bản lĩnh, sắc sảo.
Indonesia trước khi ông Shin tới nắm quyền cũng là mớ hỗn độn. Từng bước, nhà cầm quân này đã vực dậy đội bóng, thổi vào lối chơi chặt chẽ, kỷ luật và bước đầu đang cho thấy thành công.
HLV Yoshida cũng hướng Singapore thành đội bóng mạnh về chiến thuật, phát huy được tối đa khả năng của từng cầu thủ.
“Những kết quả vừa qua đã thay cho lời khẳng định sự ảnh hưởng, vai trò của các HLV Đông Á tại Đông Nam Á. Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, các đội bóng trong khu vực nên kiên trì theo đuổi nếu muốn vươn tầm”, cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn nhận định.
Chung quan điểm, HLV Phạm Minh Đức cũng cho rằng, bóng đá Đông Nam Á nên tiếp tục đặt niềm tin vào các nhà cầm quân Nhật Bản hoặc Hàn Quốc: “Chúng ta ở vùng trũng, kém phát triển thì phải học hỏi từ bên ngoài. Rõ ràng trong những năm gần đây, HLV Nhật Bản, Hàn Quốc đã giúp bóng đá Đông Nam Á thay đổi nhiều theo hướng tích cực”.
Nhờ đâu HLV Đông Á thành công?
HLV Keisuke Honda (Nhật Bản) dẫn dắt đội tuyển Campuchia
Trở lại với bán kết AFF Cup 2020, dù kết quả ra sao, ít nhất sẽ có một vị thuyền trưởng Đông Á góp mặt tại chung kết.
Kịch bản hấp dẫn hơn là hai trận đấu cuối cùng trở thành màn “nội chiến” của HLV tới từ khu vực trên.
Vậy, đâu là những yếu tố quyết định tới sự thành công của các chiến lược gia Nhật Bản hay Hàn Quốc khi làm việc tại Đông Nam Á?
Theo HLV Phạm Minh Đức, trước hết phải khẳng định Hàn Quốc cũng như Nhật Bản là hai nền bóng đá hàng đầu châu lục, có sự phát triển vượt bậc so với Đông Nam Á.
Tư duy làm việc của những HLV tới từ hai quốc gia trên đương nhiên cũng ưu việt hơn mặt bằng bóng đá Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, ông Đức nhấn mạnh, quan trọng hơn, HLV Đông Á có sự gần gũi về mặt văn hóa, lối sống với cầu thủ Đông Nam Á nên dễ thấu hiểu và đưa ra giáo án hợp lý. HLV châu Âu khác biệt quá lớn về văn hóa nên rất khó thành công.
Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đông Nam Á đều chung nền văn hóa Á Đông, tương đồng về thể chất, suy nghĩ nên dễ làm việc.
“Thái Lan là đội duy nhất vào bán kết không dùng HLV Đông Á nhưng nên nhớ ông Polking đã làm việc tại Thái Lan rất lâu và ông ấy rất hiểu đặc tính cầu thủ nơi đây”, ông Đức dẫn chứng.
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, sự gần gũi về mặt văn hóa là nguyên nhân chính giúp HLV Nhật Bản hay Hàn Quốc đã và đang tạo dấu ấn tại Đông Nam Á: “Nền văn hóa Đông Nam Á hay Đông Á có rất nhiều cái chung, điểm nhấn lớn nhất là sự khéo léo. HLV châu Âu thường làm việc quá nguyên tắc mà như vậy sẽ khó phù hợp với lãnh đạo các Liên đoàn hoặc cộng sự, từ đó nảy sinh mâu thuẫn. Nội bộ không yên thì rất khó nói chuyện thúc đẩy chuyên môn”.
Ngoài ra, theo Quả bóng vàng Việt Nam 1998, thể chất con người Đông Nam Á không thể chạy theo phương pháp huấn luyện của HLV châu Âu vốn quá đề cao sức mạnh, thể lực.
“Điểm mạnh của cầu thủ Đông Nam Á là sự khéo léo, nhanh nhẹn nên nếu gò vào cuộc chạy đua thể lực họ sẽ không theo kịp. HLV Nhật Bản, Hàn Quốc đương nhiên nhìn ra điều này và họ đang làm rất tốt công việc của mình”, ông Sơn chốt lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận