Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa hoàn thành cưỡng chế phá dỡ căn nhà 130m2 cùng một số hạng mục xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ tại đồi Dõng Chum, xã Minh Phú.
Việc cưỡng chế đợt 1 đối với một số công trình sai phạm đất rừng trên địa bàn được triển khai từ ngày 28/8. Các công trình, homestay vi phạm này lộ diện sau vụ sạt lở vùi lấp ô tô vào ngày 4/8.
Nếu không xảy ra vụ sạt lở trên, có lẽ các vi phạm trật tự xây dựng ở khu vực này cũng chẳng được biết đến, để rồi cuối cùng chính quyền buộc phải vào cuộc. Và giả sử báo chí, dư luận không lên tiếng, những công trình sai phạm đó rất có thể sẽ mặc nhiên tồn tại.
Còn tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), theo dự kiến, từ ngày 21/8 sẽ cưỡng chế tháo dỡ thêm 8 căn biệt thự tại khu 79 căn biệt thự xây trái phép thuộc Bãi Trường, xã Dương Tơ. Tuy nhiên, do cận ngày lễ Quốc khánh 2/9 nên không thể thực hiện được như dự kiến.
Trong số 79 căn biệt thự trái phép này, dù phát hiện từ tháng 9/2022, song từ đó tới nay mới có 2 căn bị cưỡng chế (vào tháng 11/2022). Đến đầu tháng 3/2023, người dân tự nguyện tháo dỡ thêm 7 căn…
Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng khoảng 19ha, là đất được tỉnh Kiên Giang thu hồi giao cho xã Dương Tơ trực tiếp quản lý.
Khoảng năm 2017-2018, một số người dân địa phương đã tiến hành bán đất bằng giấy tay cho nhiều người từ các tỉnh/thành khác vào mua. Những chủ nhân mới này đã tự chia lô có diện tích từ 200 - 350m2/lô, làm đường bê tông nội bộ, đặt đường ống cấp thoát nước, kéo điện. Sau đó họ bán lại cho nhiều người khác xây dựng, và đã mọc lên tổng số 79 căn nhà dạng biệt thự kiên cố.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vì sao quá trình xây dựng hàng chục căn nhà trên một khu đất rộng suốt thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương không hay biết? Hay có biết nhưng làm ngơ? Và chỉ đến khi tỉnh Kiên Giang thành lập tổ công tác đặc biệt, các sai phạm mới bị phát hiện.
Theo tính toán, mỗi căn biệt thự có giá trị đất và xây cất công trình ít nhất cũng từ 8 - 10 tỷ đồng. Với 79 căn, số tiền rơi vào khoảng gần 800 tỷ đồng.
Dù sai phạm thì phải cưỡng chế, song hậu quả có thể thấy được là sự lãng phí tiền của rất lớn. Chưa kể nếu chủ nhân các biệt thự không tự tháo dỡ, ngân sách còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ, huy động nhiều ban ngành, mất nhiều thời gian để cưỡng chế.
Đáng ra, chuyện này có thể ngăn chặn ngay từ đầu. Nhưng không. Và giờ đây, chính quyền phải đi giải quyết hậu quả.
Tại Cà Mau, câu chuyện xử lý lâu đài hoành tráng, được cho là đẹp nhất tỉnh cũng khiến dư luận ồn ào. Khi toà nhà này đã gần hoàn tất việc xây dựng, người ta mới phát hiện ra sai phạm. Suốt từ năm 2022 đến nay, việc có cưỡng chế hay không cưỡng chế cũng chưa đi đến hồi kết, khi chính các cơ quan chức năng tại địa phương còn chưa thống nhất trong quan điểm xử lý.
Còn nhiều, rất nhiều các trường hợp khác tương tự, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tất cả các sự việc đều có điểm chung là để vi phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng không bị hoặc không được xử lý kịp thời. Hậu quả là kỷ cương phép nước bị coi thường, niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền địa phương bị ảnh hưởng rất lớn.
Vậy nhưng việc xử lý trách nhiệm ở không ít nơi xem ra còn quá nhẹ. Chẳng hạn như ở Phú Quốc, vi phạm diễn ra thời gian dài, ngang nhiên như vậy, song một số cá nhân có trách nhiệm chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách.
Chừng nào các hành vi sai phạm không bị xử lý nghiêm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được xem xét và xử lý thích đáng, chừng đó sẽ còn nhiều những biệt thự, lâu đài hoành tráng trái phép, sai phép mọc lên. Để rồi lại tái diễn việc loay hoay xử lý, tốn tiền ngân sách, lãng phí tiền của xã hội, xói mòn thêm niềm tin của người dân vào những người thực thi công vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận