Chuyện dọc đường

Nhìn từ quy định giấy đi đường

08/09/2021, 06:27

Mấy ngày qua, câu chuyện giấy đi đường tại Hà Nội lại thu hút sự quan tâm của dư luận và xuất hiện những ý kiến trái chiều.

Điều đáng nói, đây đã là lần thứ hai, cách lần trước chưa lâu, khi Hà Nội yêu cầu người dân khi ra đường phải được cấp giấy.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đưa ra các biện pháp kiểm soát là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, biện pháp đó đã khoa học hay chưa, có đảm bảo hiệu quả hay không, cách làm, thời điểm thực hiện ra sao... lại là điều đáng bàn.

img

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra giấy đi đường tại chốt trên đường Cầu Diễn. Ảnh: Tạ Hải

Và ngay sau khi quyết định áp dụng giấy đi đường mới được đưa ra, lãnh đạo thành phố đã lại phải thông báo rằng, chưa xử phạt ngay mà sẽ lùi thời hạn thêm 2 ngày nữa.

Khi mà người dân doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo suốt 2 ngày để xin giấy, thì đến tối 7/9, lãnh đạo thành phố lại thông báo tiếp: cả giấy đi đường mới và giấy cũ đều được chấp nhận!

Rõ ràng, ở đây việc cân nhắc về thời điểm thực hiện dường như chưa được tính toán cụ thể, hợp lý (quyết định được đưa ra vào ngày nghỉ, trong khi thời điểm này người dân, doanh nghiệp không thể đến trụ sở cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xin giấy).

Chúng ta có thể thấy được hình ảnh dòng người, xe ùn ứ tại một số chốt kiểm soát vào “vùng đỏ” (khu vực nội thành) của Hà Nội vào sáng 6/9. Nếu chẳng may trong dòng người đó có một ca F0, mọi chuyện sẽ thế nào?

Và ngay cả khi cấp giấy đi đường mới, có ai dám đảm bảo người ra đường sẽ không giảm bớt so với những ngày trước đó?

Theo tôi, hiện nay quan trọng nhất chính là các chốt kiểm soát người ra/vào ở các khu dân cư. Chỉ cần làm tốt ở khâu này thì việc kiểm tra trên đường sẽ không tốn nhiều công sức nữa.

Vì sao Singapore chưa bao giờ dừng hoạt động giao thông công cộng, không cấp giấy đi đường, kể cả là giấy đi đường điện tử? Vì họ xác định lây nhiễm Covid-19 không xảy ra khi người dân di chuyển trên đường, mà xảy ra ở nơi có giao tiếp không an toàn giữa người với người.

Đó là những nơi làm việc, mua sắm, ăn uống, giải trí, sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, tang lễ, ở nhà dân khi tiếp khách và bất kỳ đâu có giao tiếp giữa người với người.

Nói cách khác, họ không cấm di chuyển, chỉ cấm di chuyển không an toàn. Trên xe buýt, tàu điện ngầm, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang, không được nói chuyện với nhau, không được gọi/nghe điện thoại, ai vi phạm bị phạt nặng ngay lập tức.

Họ không hạn chế quyền đi lại của người dân, chỉ kiểm soát các điểm đến, để hạn chế lây nhiễm. Nơi nào xuất hiện ca nhiễm thì hệ thống truy vết bằng công nghệ được kích hoạt ngay lập tức, gửi cảnh báo đến tất cả những ai có thể đã tiếp xúc gần với người mắc.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần phải nhanh chóng chuyển từ kiểm soát trên đường (nơi không lây nhiễm) sang kiểm soát các điểm đến (nơi dễ xảy ra lây nhiễm).

Và khi đó các rào chắn, bốt gác tầng tầng lớp lớp có thể được tháo dỡ, giấy đi đường lúc đó chắc chắn sẽ không còn cần thiết nữa.

Lưu Bình Nhưỡng
Phó ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.