Brasil, đại diện ưu tú của Nam Mỹ phải dừng bước ở vòng tứ kết World Cup 2018 |
Khi World Cup thành... EURO
Rạng sáng 8/7, 4 đội bóng góp mặt tại vòng bán kết World Cup 2018 đã được xác định. Theo đó, Anh, Pháp, Croatia và Bỉ sẽ cùng nhau tranh tài để tìm ra hai cái tên vào chơi trận chung kết. Đáng chú ý, đến vòng đấu này, Nam Mỹ đã không còn đại diện nào trụ lại. Tại tứ kết, Brasil - ứng viên số 1 cho ngôi vô địch bị đội tuyển Bỉ đánh bại 1-2, còn Uruguay bị Pháp vượt qua với tỉ số 2-0. Argentina, Colombia bị loại ở vòng 1/8 và Peru dừng bước ngay từ vòng bảng.
Lịch sử bóng đá thế giới ghi nhận, có cả thảy 5 lần vòng bán kết World Cup là sân chơi riêng của các đội bóng châu Âu. Đó là vào các năm 1934, 1966, 1982, 2006 và 2018.
Lịch thi đấu bán kết World Cup 2018 1h ngày 11/7: Pháp - Bỉ (trực tiếp VTV3/VTV3HD) 1h ngày 12/7: Croatia - Anh (trực tiếp VTV3/VTV3HD) |
Ở khía cạnh chi tiết hơn, bốn kỳ World Cup gần nhất, cả bốn lần người châu Âu độc chiếm ngôi vô địch, hai lần độc chiếm bốn vị trí dẫn đầu (2006, 2018). Tại World Cup 2010, Nam Mỹ đóng góp một đại diện ở bán kết là Uruguay (về thứ tư). Năm 2014, tại kỳ World Cup trên “sân nhà”, Nam Mỹ có hai đại diện (Argentina, Brasil) ở vòng 4 đội nhưng chức vô địch vẫn về tay người Đức, đó cũng là lần đầu tiên một đội bóng châu Âu đăng quang khi World Cup tổ chức bên ngoài lục địa già.
Trong khi đó, từ năm 2006 trở về năm 1932 (thời điểm World Cup được khai sinh), chưa khi nào bóng đá Nam Mỹ đói danh hiệu World Cup dài đến vậy. Tính ra, Nam Mỹ có 9 chức vô địch còn châu Âu sở hữu 8. Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, châu Âu đã tăng tốc và giành tới 4 chức vô địch để vươn lên dẫn trước số danh hiệu 12-9. Với tất cả những dữ kiện như vậy, phần nào có thể nhận định tầm ảnh hưởng của bóng đá Nam Mỹ tại đấu trường World Cup đang dần trở nên mờ nhạt.
Bóng đá Nam Mỹ thoái trào?
Từ sự dịch chuyển quyền lực vừa nêu, cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam Vũ Như Thành cho rằng, bóng đá Nam Mỹ đang rơi vào giai đoạn thoái trào. “Điều này ai cũng nhìn thấy. Nếu như trước đây cứ một kỳ hoặc cùng lắm là hai kỳ, châu Âu và Nam Mỹ thay nhau vô địch. Nhưng hiện nay châu Âu đã chắc chắn lần thứ tư liên tiếp lên ngôi. Điều này cho thấy bóng đá Nam Mỹ thực sự đang khủng hoảng. Tương lai phía trước chắc chắn còn khó khăn hơn khi những ông lớn như Brasil, Argentina, Uruguay thiếu lực lượng kế cận xuất sắc”.
Cũng theo nhà vô địch AFF Cup 2008, việc bóng đá Nam Mỹ sa sút so với đối trọng châu Âu phản ánh rõ sự phát triển môn túc cầu của hai khu vực này. “Châu Âu có hệ thống giải thi đấu vô địch các quốc gia cực kỳ chất lượng, bài bản. Những giải đấu này tạo ra cầu thủ chất lượng, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia châu Âu. Họ hoàn thiện về kỹ, chiến thuật, tư duy. Chính vì những giải đấu ở châu Âu chất lượng, thu nhập cao nên cầu thủ Nam Mỹ thường có xu hướng sang chơi bóng. Số lượng này lớn nhưng không phải tất cả. Trong khi đó, những cầu thủ ở lại chơi bóng tại Nam Mỹ thường kém hơn về mọi mặt. Như vậy, dẫn tới việc đội hình nhiều đội tuyển ở Nam Mỹ thiếu sự đồng đều, vênh nhau về tư duy chiến thuật”.
Tuy vậy, theo ông Cao Văn Chóng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, người từng có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền bóng đá tiên tiến, không thể nói bóng đá Nam Mỹ đang thoái trào. “Nam Mỹ vẫn sản sinh ra những cầu thủ chất lượng, xuất chúng, cùng lối chơi hấp dẫn. Sở dĩ Nam Mỹ không có được thành tích tốt trong những kỳ World Cup gần đây là do đi sau châu Âu, thậm chí là sau rất nhiều về ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nam Mỹ chơi bóng hồn nhiên còn châu Âu thì mọi thứ được lập trình cực kỳ bài bản. Nhờ vậy, các đội tuyển châu Âu thường có nhiều cách giải quyết trận đấu, đơn cử như tận dụng tối đa các tình huống đá phạt góc. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới thành tích”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận