Thời điểm rủi ro khi “đổ” tiền vào vàng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (3/1), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng nhưng biên độ đã chậm lại. Tính đến 11h cùng ngày, các doanh nghiệp vàng đều điều chỉnh mức độ tăng 500.000 đồng/lượng.
Biên độ mức giá mua – bán vàng miếng phổ biến quanh mức 73 – 76 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc bỏ vai trò độc quyền của thương hiệu vàng miếng SJC. Thay vào đó, nên đưa thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, hoặc cho dập vàng miếng để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Tiến cho rằng, không thể phủ nhận trong bối cảnh lạm phát cao, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn, vàng trở thành sự lựa chọn số một. Tuy nhiên, rủi ro đối với người dân và các nhà đầu tư cũng không hề nhỏ.
Khi giá biến động một cách khó hiểu, lại xuất hiện tình trạng người dân đổ xô xếp hàng đi mua - bán vàng. Điều này đã gây hiện tượng tranh mua, tạo ra cơ hội cho những kẻ đầu cơ trục lợi, gây thiệt hại và rủi ro cho người mua và Nhà nước.
“Sẽ thật mạo hiểm nếu nhà đầu tư bạo dạn dám vác sổ đỏ căn nhà đang ở, hoặc vay nợ để đổ vào vàng. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu cơ không bằng nguồn vốn tự có sẽ là con đường ngắn nhất đưa con nợ đến chỗ phải vay nợ mới để nuôi nợ cũ. Khoản vay càng lớn thì hệ quả đổ vỡ dây chuyền càng lớn.
Với mức giá biến động vàng như thời gian qua, ngay cả việc kinh doanh huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại cũng không mấy an toàn và có thể gây ra đổ vỡ trong toàn hệ thống. Vì thế, bẫy nợ trong kinh doanh vàng là rủi ro mà nhà đầu tư vàng không thể không cân nhắc”, bà Tiến phân tích.
Đề xuất sửa Nghị định 24
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 3/1, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, Nghị định 24 ra đời cách đây 11 năm và giờ đây đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện tại. Đáng lẽ nghị định này cần được sửa đổi, bổ sung sớm hơn.
Ông Tú cho biết việc sửa Nghị định 24 theo hướng hủy bỏ vai trò độc quyền của vàng miếng SJC hay bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia vào thị trường vàng miếng thì mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để thị trường vàng miếng không ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
Thời gian gần đây, NHNN cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng đã đến lúc loại bỏ vàng miếng SJC làm vàng thương hiệu quốc gia, cần bổ sung thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Đối với việc chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng độc quyền quốc gia, NHNN cũng đã đánh giá, phân tích để xem vàng miếng SJC liệu còn phát huy tính hiệu quả không trong việc thực hiện sứ mệnh của nó nữa hay không.
"Tôi khẳng định một lần nữa, Nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng miếng và cũng không bảo hộ cho giá cả của vàng miếng", ông Đào Minh Tú nói và cho biết, ngược lại, NHNN cũng không chấp nhận việc chênh lệch quá lớn giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lên tới mức gần 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng không chấp nhận chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC với các loại vàng nhẫn 9999 lên đến trên 10 triệu đồng/lượng.
“Những vấn đề bất cập này sẽ được xử lý trong Nghị định 24 sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường vàng. NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng ngay trong tháng 1 này. Điều đó cũng thể hiện quan điểm dứt khoát và quyết liệt của NHNN trong việc điều hành thị trường vàng miếng", Phó thống cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận