Ấn Độ mở cửa chính sách để hút nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án đường bộ theo hình thức BOT |
Xu hướng kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao) đã và đang nở rộ trên thế giới và đặc biệt là khu vực châu Á. Trong đó, Ấn Độ và Malaysia... là hai trong số các nước được cho là khá thành công trong thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Mở cửa chính sách
Chính phủ Ấn Độ xác định cần 1 nghìn tỉ USD để phát triển toàn bộ hạ tầng bao gồm đường bộ trong 10 năm tính từ mốc năm 2016. Giá trị hạ tầng đường bộ và cầu tại Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 17,4% và đạt 19,2 tỉ USD tính đến hết năm 2017.
Nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì có lẽ Ấn Độ khó có thể đạt được mục tiêu và hưởng giá trị mà hạ tầng đem lại. Do đó, Chính phủ nước này đã kêu gọi và tận dụng nguồn vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông. Để hấp dẫn các nhà đầu tư, Chính phủ Ấn Độ đã mở cửa chính sách, tạo thuận lợi và sự an tâm cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, là việc tuyên bố ngành xây dựng đường bộ là một ngành công nghiệp. Theo đó, các nhà đầu tư có thể hưởng 100% các loại miễn trừ thuế liên tiếp trong 10 - 20 năm, nhập khẩu một số thiết bị xây dựng mà không cần phải nộp thuế hải quan, cho phép thời gian chuyển nhượng lên tới 30 năm. Một số chính sách khác như:
Cho phép thời hạn miễn thuế 10 năm đối với các dự án cao tốc; hỗ trợ tài chính một lần đối với các dự án đường bộ bị trì hoãn (nếu đủ điều kiện); cho phép các nhà phát triển bán 100% cổ phần các dự án đường cao tốc hai năm sau khi hoàn thành.
Hơn nữa, để giảm bớt gánh nặng về giải phóng mặt bằng cũng như hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, Chính phủ Ấn Độ cũng thành lập các đơn vị Giải phóng mặt bằng (LA) trên khắp cả nước để giải quyết các tranh chấp liên quan. Đồng thời, Chính phủ có chính sách bồi thường cho các nhà phát triển trong trường hợp dự án xây dựng đường bị trì hoãn hay đổ bể vì vấn đề giải phóng mặt bằng.
Công ty Đầu tư Aurum Equity Partners LLP có trụ sở tại Ấn Độ đánh giá, những động thái tích cực từ Chính phủ cầm quyền tại Ấn Độ đã thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư cũng như các quỹ lương hưu trên toàn cầu dù những tổ chức này ban đầu còn lưỡng lự.
Thực tế, các quỹ lương trên toàn cầu và quỹ lợi ích quốc gia dự kiến sẽ đầu tư khoảng 50 tỉ USD vào lĩnh vực hạ tầng Ấn Độ trong 5 năm tới. Điển hình, quỹ lương Canada đã giành được quyền sở hữu 4 đường thu phí với tổng chiều dài lên tới 710km.
Minh bạch, sát sao từng dự án
Còn tại Malaysia, theo một phân tích do Tạp chí Quốc tế về kinh doanh và xã hội thực hiện, Bộ Giao thông Malaysia từng khẳng định, các dự án sử dụng hình thức BOT có đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của Malaysia.
Bằng chứng là rất nhiều dự án như đường cao tốc thu phí, cầu, đường sắt đã được hoàn thành, tạo thuận lợi cho các hoạt động đi lại, vận tải hàng hóa, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển nhờ sử dụng hình thức BOT.
Một số dự án vận dụng mô hình BOT vào xây dựng hạ tầng giao thông thành công của Malaysia như: Dự án đường cao tốc Projek Lebuhraya Utara Selatan (PLUS) đã hoàn thành trước thời hạn 15 tháng, dài 848km giúp cắt giảm thời gian hành trình từ 15 tiếng xuống 8 tiếng.
Hay, dự án đường cao tốc Shah Alam dài 34,5km giúp giảm tải lượng phương tiện, giảm tắc nghẽn giao thông trên tuyến từ Kuala Lumpur tới Shah Alam, liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín về chất lượng.
Phân tích thành công của nhiều dự án hạ tầng giao thông BOT, Tạp chí Quốc tế về kinh doanh và xã hội nhận thấy những dự án thành công này là nhờ có chung một số đặc điểm. Đầu tiên đó là chính sách minh bạch, khung quy định, chế tài rõ ràng.
Ví dụ, trong dự án BOT xây đường PLUS, việc đầu tiên Chính phủ thực hiện là sửa đổi bổ sung Luật Tiếp nhận đường bộ để đảm bảo khung pháp lý và cho phép chuyển nhượng đường cao tốc…
Thứ hai, đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ. Do các dự án hạ tầng giao thông rất dễ phát sinh những vấn đề, rủi ro như chính trị, lưu lượng xe… và các vấn đề đó phải do Nhà nước và nhà đầu tư cùng giải quyết.
Thứ ba, đó là đưa ra công thức tiêu chuẩn dự án và cung cấp tài liệu rõ ràng, minh bạch. Malaysia không có một tiêu chuẩn chung cho tất cả các dự án. Xác định mỗi dự án đều có những yếu tố, vấn đề khác nhau nên Malaysia có đơn vị Quan hệ Hợp tác công - tư thuộc Văn phòng Thủ tướng phụ trách việc chuẩn bị các Thỏa thuận chuyển nhượng của từng dự án; giám sát đề xuất của từng dự án cụ thể.
Mỗi giai đoạn trong tiến trình thực hiện dự án BOT đều được thực hiện một cách minh bạch. Việc chọn lựa người được nhượng quyền phải thực hiện theo hình thức đấu thầu mở. Bên cạnh đó, việc định giá và đánh giá dự án đều được công khai, minh bạch với tất cả các bên, kể cả với người sử dụng dịch vụ trên các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư qua hình thức BOT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận