Từ đầu tháng 11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tự tin tuyên bố mở cửa trở lại và sẵn sàng xây dựng cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới vì gần 86% dân số nước này đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 (tương đương Singapore), số ca nhiễm mới trong nhiều ngày ở mức dưới 100 ca. Campuchia đã làm điều này như thế nào?
Campuchia tiêm phòng cho trẻ 5 -12 tuổi bắt đầu từ tháng 11. Ảnh: The Star
Vượt mục tiêu tiêm phòng
Ngày 2/11, tờ Khmertimes dẫn thông báo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, nước này đã vượt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 ít nhất 1 mũi cho 10 triệu người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) trong vòng 9 tháng.
Ngoài 10 triệu người trưởng thành kể trên, Campuchia đã tiêm phòng ít nhất 1 mũi cho trẻ em từ độ tuổi 12-17, đạt tỉ lệ 97,89%. Tổng cộng, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 13 triệu người, tương đương 85,68% trong tổng số 16 triệu dân của nước này.
Cùng ngày 2/11, Thủ tướng Hun Sen cũng công bố chiến lược tiêm phòng cho trẻ từ 5-12 tuổi trên toàn quốc bằng vaccine Sinovac, đồng thời nhấn mạnh cần phải tiêm nhắc mũi thứ 3 cho những đối tượng khả năng miễn dịch yếu.
Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan đánh giá cao thành tựu của Phnom Penh trong hoạt động triển khai tiêm phòng và nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Campuchia đã có điều kiện tốt để chuẩn bị sống chung với dịch bệnh tốt hơn trong tương lai”.
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 118.613 ca mắc Covid-19 và 2.788 ca tử vong.
27/30 triệu liều vaccine của Campuchia là từ Trung Quốc
Campuchia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng từ tháng 2/2021, chủ yếu sử dụng một số loại vaccine của Trung Quốc như Sinovac, Sinopharm và một lượng nhỏ của AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ).
Tờ The Diplomat cho biết, ngoài được viện trợ, Chính phủ Campuchia đã kịp thời mua đủ lượng vaccine phục vụ người dân.
Theo báo cáo của Mekong Strategic Partners - công ty tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia đã mua vaccine bằng mọi cách có thể từ hỗ trợ qua cơ chế phân phối vaccine (COVAX) cho đến nhận trợ cấp song phương, mua trực tiếp từ một số nước.
Tính đến đầu tháng 9, đã có 27/30 triệu liều vaccine Campuchia nhận được là từ đất nước tỷ dân. Tỷ lệ tiêm phòng cao đã giúp Campuchia giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện, tử vong vì Covid-19 trong khi nước này cũng chịu tác động không nhỏ từ biến chủng Delta.
Cách đây ít lâu, khi có nhiều nghi ngại Campuchia đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố: “Nếu không có trợ cấp và mua vaccine từ Trung Quốc, Campuchia sẽ không có đủ vaccine cho người dân”.
Một yếu tố khác mang đến thành công cho Campuchia là chính phủ có kế hoạch phân phối rõ ràng và đơn giản, khoanh vùng dựa theo địa điểm, theo báo cáo của Công ty Mekong Strategic Partners.
Campuchia cũng bắt buộc tiêm phòng với phần lớn người dân, bao gồm quân nhân và công chức.
Hơn hết, yếu tố được coi là quan trọng nhất mà đến Mỹ - một quốc gia sản xuất ra vaccine hàng đầu không có được - chính là sự nhiệt tình, không ngần ngại tiêm phòng của người dân Campuchia. Tất cả đã góp phần tạo nên tốc độ tiêm chủng thần tốc cho Vương quốc còn khó khăn về kinh tế này.
Campuchia dành tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine
Sau khi đạt kết quả tiêm chủng tốt, Chính phủ Campuchia cũng dành tặng Chính phủ và nhân dân Việt Nam 200.000 liều vaccine Vero Cell với lễ trao tặng được tổ chức tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Rieng).
Phát biểu tại đây, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine cho biết, số vaccine này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ và nhân dân Campuchia cũng như của cá nhân Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đối với nhân dân Việt Nam anh em, theo đúng tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp và truyền thống tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn giữa hai dân tộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận