Trong khi, nhiều ngành tăng trưởng âm do nhiều địa phương chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp đã lập kỷ lục, như một điểm sáng trong xuất nhập nhập (XNK) năm nay.
Tính đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 43,5 tỷ USD (tăng 14%), cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD đặt ra trong năm nay.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19 tỷ USD (tăng gần 14%); Lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD (tăng 21%)…
Xuất khẩu nông sản cũng được dự báo sẽ thắng lớn trong năm nay, cùng với dự báo kim ngạch XNK cả năm sẽ thiết lập kỷ lục mới.
Đến nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 43,5 tỷ USD (tăng 14%), cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD đặt ra trong năm nay
Nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu xuất khẩu
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…
“Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp.
Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là năm 2022, khi xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới hơn 67% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, Thứ trưởng Tiến cho hay.
Một trong những ngành bứt tốc ấn tượng, thứ trưởng Tiến nhận định: Nếu tháng 12/2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 800 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản cả năm có thể đạt 8,7 tỷ USD – đây là kết quả đáng tự hào.
Bởi theo vị Thứ trưởng, suốt từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021, ngành thủy sản gần như bị “đóng băng” toàn bộ hoạt động nuôi thả, chế biến, xuất khẩu... khi dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách nhiều tháng.
Nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động bị đứt gãy, hàng loạt nhà máy chế biến phải đóng cửa, khó khăn chồng chất. Chỉ từ tháng 11/2021, với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều doanh nghiệp đã hồi phục được năng lực sản xuất từ 70-90%.
“Nhờ đó, kết quả sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm”, ông Tiến nhấn mạnh.
Xuất nhập khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, trên 600 tỷ USD
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% tăng 17,5%; Nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% .
Bộ Công Thương dự báo, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640-645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là kết quả rất lớn bởi năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, theo Bộ Công thương, các DN vẫn duy trì và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.
Từ nay đến cuối năm, DN trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15-25% trong năm nay.
Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu đang có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận