Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin giá cả
Để đảm bảo lưu thông hàng hoá cũng như bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương vừa lập đường dây nóng với số điện thoại 091.579.7512, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin. Phóng viên, báo chí, người dân... nếu phát hiện chỗ nào có hiện tượng thiếu, găm hàng, đầu cơ, thổi giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm (trừ khẩu trang và trang thiết bị y tế) thì liên hệ để Vụ Thị trường trong nước để có hướng xử lý kịp thời.
Trước đó, ngày 5/2, Vụ cũng có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra, báo cáo nhanh, hàng ngày về Bộ Công Thương. Trong đó có báo cáo nhanh 13 nhóm hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, 3 nhóm hàng phục vụ công tác phòng dịch.
Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước cùng Sở Công Thương Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất việc cung ứng hàng hóa tại một số hệ thống phân phối lớn tại TP. Hà Nội như Big C, Saigon Coop, Vinmart trước mối lo dịch viêm phối cấp do virus Corona (nCoV) diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, sức mua cũng tăng hơn song lượng hàng hóa thiết yếu, nhu phẩm, lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân.
Nhiều doanh nghiệp tăng cung hàng gấp 2-3 lần
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Vụ Thị trường trong nước đã theo dõi sát sao diễn biến các mặt hàng thiết yếu, có những đề xuất kiến nghị kịp thời. Theo đó, ngay từ tuần trước, Vụ đã kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn như các hệ thống Big C, Coop Mart, MM Mega Market, Vinmart và hệ thống lớn AEON để đảm bảo cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những thực phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe, cần cho việc chống dịch như nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp vẫn giữ đơn hàng ổn định, trước, trong và sau Tết, nên lượng hàng ở các siêu thị của Hà Nội tương đối ổn định, giá cả vẫn giữ như trong dịp trước Tết. Một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị đang rẻ hơn chợ truyền thống. Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng hàng khách vào siêu thị tăng 15-20% so với cùng kỳ Tết năm 2019. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này, hầu hết các doanh nghiệp tăng lượng hàng gấp 2-3 lần, nhiều đơn vị còn chủ động khai thác lượng hàng từ khu vực phía Nam về để cung ứng cho địa bàn ở TP. Hà Nội.
"Không có hiện tượng khan hàng và sẽ xử phạt nghiêm những đơn vị nào có tình găm hàng, thổi giá, đầu cơ mặt hàng lương thực, thực phẩm trước diễn biến dịch bệnh nCoV hiện nay", bà Ngô Thị Phương Lan khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận