Người dân ngồi ở nhà cũng mua được vé tàu Tết. - Ảnh: Tạ Tôn |
Nhờ lượng lớn vé tàu Tết được bán suôn sẻ, nhanh chóng bằng hình thức vé tàu điện tử, các ga đường sắt không còn cảnh lộn xộn, “cò” lộng hành như trước. Hành khách cũng không phải vạ vật chờ đợi mua vé như thời điểm này của những năm trước nữa.
Hết cảnh vạ vật xếp hàng mua vé
Chia sẻ về những thuận lợi từ khi bán vé tàu Tết điện tử, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) cho biết, ngành Đường sắt chính thức triển khai bán vé tàu Tết điện tử từ ngày 1/10. Đến nay đã gần hai tháng, mọi chuyện vẫn diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Tính đến trưa 27/11/2015, đã có 244.000 vé bán thành công, trong đó có 83.000 vé các mác tàu đi trong khoảng từ 25/1 - 25/2/2016 bán tại ga, 150.000 vé mua online, thanh toán trực tuyến hoặc qua các điểm dịch vụ thu hộ. Còn theo Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, đơn vị này đã bán được khoảng 88% phương án vé cao điểm Tết, chỉ còn vé ngày không cao điểm và ghế phụ.
Ông Bình cho biết thêm, chỉ riêng trong sáng ngày mở bán tất cả vé theo phương án đưa lên hệ thống đã được giữ chỗ - “hết hàng”, sau đó rất nhanh chóng lượng vé này được thanh toán hết bằng online hoặc qua điểm thu hộ, các cửa vé. Sau hai ngày đầu, gần như “cháy” vé đi ngày cao điểm.
Liên quan đến các lỗi thường gặp của hệ thống vé tàu điện tử, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) cho biết, năm nay hệ thống đã khắc phục hết các lỗi của năm ngoái. Tình trạng trùng chỗ, mất chỗ khi chuyển đổi hình thức thanh toán… đã không còn. Hệ thống năm này còn có tính năng chặn các nguy cơ. Vì vậy, tuy vẫn xảy một số sự cố nhỏ do kết nối hệ thống trong những ngày đầu, nhưng không bị nghẽn mạng, không ảnh hưởng đến hành khách. |
Theo ghi nhận, Ga Hà Nội những ngày qua khá “bình yên” không có cảnh lộn xộn như những Tết trước. Ga Sài Gòn cũng vậy, một số hành khách vẫn phải chờ để thanh toán, in vé, mua vé nhưng không còn cảnh hàng nghìn người chen lấn, vạ vật chờ đợi.
“Đây là thành công lớn của ngành Đường sắt khi đã tạo được thuận lợi cho người dân mua vé”, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN chia sẻ, đồng thời lý giải, tình hình bán vé tàu Tết năm nay “giảm nhiệt” so với năm ngoái do người dân đã có một năm làm quen, “tập dượt” với hình thức mua vé qua mạng. Hơn nữa, trước khi chính thức bán vé tàu Tết một tháng, ngành Đường sắt đã thực hiện bán vé tàu điện tử và truyền thông rộng rãi nên người dân cũng nắm rõ thông tin, hiểu được các quy định của đường sắt nên mua vé nhanh chóng hơn.
Đặc biệt, với hình thức vé tàu điện tử “in đâu cũng được”, người dân không phải ra ga in vé như trước mà có thể tự in “Thẻ lên tàu hỏa” hoặc thanh toán, in thẻ tại các điểm thu hộ của VIB, VNPost. Năm nay, với việc tăng các hình thức thanh toán qua smartlink và tăng các điểm thu hộ của VIB, người dân cũng thuận lợi hơn khi thanh toán, nhanh chóng sở hữu tấm vé tàu. Ngoài ra, việc bán vé tàu sớm cũng giãn bớt sự tập trung của hành khách vào một số ngày mua vé nhất định, tránh nghẽn mạng, sập mạng hay quá tải tại các nhà ga.
Tiếp viên toa xe kiểm tra vé in tại nhà qua mã code trên Thẻ lên tàu hỏa. - Ảnh: Ngô Vinh |
“Cò” hết “đất diễn”
Về phản ánh của một số người dân không mua được vé tàu đường ngắn, ông Phan Quốc Anh lý giải, đây là nghiệp vụ bán vé thông thường của ngành Đường sắt. Ngành Đường sắt ưu tiên bán trước cho hành khách đi đường dài vì họ khó tìm được phương tiện an toàn, giá rẻ, trong khi đường ngắn nhiều cơ hội hơn. Việc làm này cũng đảm bảo hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của đường sắt do tăng hệ số chiếm dụng chỗ, doanh thu. Nếu đưa toàn bộ vé cắt chặng ra bán ngay từ đầu sẽ “vụn” phương án bán vé. “Hơn nữa xảy ra tình trạng trống chỗ trên tàu do nhu cầu của hành khách chỉ tập trung đi một số chặng ngắn như: Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - Đà Nẵng hoặc Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Huế, những đoạn còn lại rất ít khách”, ông Quốc Anh nói.
Tuy nhiên, ngoài lượng vé thời gian cao điểm Tết đã bán hết, ngành Đường sắt vẫn đang tiếp tục bán vé phục vụ hành khách đi vào các thời gian khác dịp Tết. Tổng công ty Đường sắt VN cũng chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát nhu cầu thực tế hàng ngày của hành khách để điều chỉnh kế hoạch cắt chặng hợp lý đối với lượng vé đường dài còn lại, đáp ứng nhu cầu của người dân. “Vì vậy, càng gần đến ngày tàu chạy, số chỗ sẽ dần được “giải phóng”. Ngoài ra, nếu đã hết vé theo kế hoạch mà nhu cầu thực tế tăng, ngành Đường sắt sẽ lập thêm tàu tăng cường, nối thêm toa xe nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân”, ông Quốc Anh cho biết thêm.
Chị Thanh Nhàn, trú tại Chùa Bộc, Hà Nội cho biết, năm nào gia đình chị cũng về quê ngoại ở Vinh ăn Tết. Vì không quen mua vé qua mạng, chị vẫn ra Ga Hà Nội mua vé. “Trong ga nói hết vé ngày cao điểm rồi. Nhưng kinh nghiệm như mọi năm, gần đến ngày đi, tôi lại ra ga lần nữa, thế nào cũng có vé của tàu chạy thêm. Không thì chuyển đi ô tô, chứ không mua qua “cò”, nhỡ mà vé giả thì mất tiền oan”, chị Nhàn nói.
Ông Quốc Anh cảnh báo: “Đã có trường hợp hành khách mua phải thẻ lên tàu giả, bị phát hiện. Vì hành khách có thể tự in Thẻ lên tàu hỏa nên ngành Đường sắt kiểm soát chặt chẽ: Không chỉ đối chiếu thông tin cá nhân hành khách trên thẻ với giấy tờ tùy thân mà còn qua sơ đồ chỗ trên toa xe (hành khách nào ở chỗ nào), đặc biệt qua thiết bị đọc mã code in trên thẻ để “nhận diện” người đi tàu. Vì vậy, nếu hành khách không có các thông tin trùng khớp trên thì thẻ đó không có giá trị đi tàu.”
Trả lời câu hỏi với những biện pháp ngành Đường sắt đang áp dụng, có triệt tiêu được “cò” vé? Ông Bình khẳng định: “Khó có thể triệt tiêu hoàn toàn, nhưng đã hạn chế được tối đa. Vì khi bắt đầu mở bán, đã có hàng chục nghìn lượt truy cập, sau đó thanh toán nhanh chóng trong hai ngày đầu. Nếu “cò” có tranh được với hàng nghìn người có nhu cầu thực sự, cũng chỉ săn được vài vé”. Sau đó, “cò” phải “sang tên đổi chủ” hợp thức hóa cho đúng hành khách có nhu cầu sau này. “Điều này là cực kỳ khó khăn vì hệ thống không có chức năng tự đổi vé. Mặt khác, ngoài quy định chỉ đổi vé tại ga và mất phí, vé đổi và vé trả phải có thông tin trùng khớp với họ tên và số giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận