Nhân viên ghép nối toa xe ga Giáp Bát Đào Văn Thuận thao tác tháo các thiết bị đầu toa xe trước khi thực hiện cắt toa xe |
Lúc nào cũng có nhân viên trưởng dồn đu trên đầu máy để chỉ huy cho lái tàu, còn hai nhân viên ghép nối đu trên toa xe đang chạy để quan sát hai phía, làm tín hiệu an toàn...
“Chó chạy vào, người chạy ra”
Đến ga Giáp Bát (Hà Nội) đúng ngày mưa rét thấu xương giữa mùa đông một chiều trung tuần tháng 12/2018, Trưởng ga Hoàng Văn Triệu chỉ cho tôi từng nhân viên dồn, ghép nối toa xe đang cặm cụi làm việc. Đứng co ro dưới mái hiên nhà kho ga nhìn ra, tôi thấy bóng 3 nhân viên mặc áo mưa, đầu đội mũ cối đu bám trên các toa tàu đang dịch chuyển trên các đường ga. Chân để trên bậc toa xe, một tay bám cửa toa, một tay cầm cờ, miệng thổi còi để làm tín hiệu cho nhau và cho tài xế lái máy. Thỉnh thoảng họ lại nhảy xuống đất, quan sát xung quanh xem có chướng ngại không hoặc kiểm tra, thao tác tháo, nối các thiết bị đầu toa xe trước khi ghép nối hoặc cắt móc.
“Một ban làm việc 12 tiếng, ban sáng từ 6h, ban đêm từ 18h. Nhưng anh em phải có mặt trước nửa tiếng để giao ban, đội trưởng phổ biến tình hình, phân công công việc; và ở lại 30 phút sau hết ca để bàn giao công việc cho ban sau. 12 tiếng đó làm phải làm việc suốt, trừ lúc ăn ca. Mà ăn cũng phải tranh thủ vì phải làm cho kịp tiến độ kế hoạch”, ông Triệu thông tin.
"Chừng nào lái tàu, trưởng tàu chưa nhận được tín hiệu an toàn của trực ban chạy tàu, tàu chưa thể xuất phát. Một ban 12 giờ đồng hồ, ban ngày khoảng 14-16 chuyến tàu, ban đêm cao điểm đến 24 chuyến tàu, nghĩa là từng ấy thao tác được lặp đi, lặp lại nhưng phải thật chuẩn xác theo đúng quy trình, quy phạm của ngành Đường sắt và quy tắc kĩ thuật riêng của ga." Trực ban chạy tàu Phan Duy Cương (ga Nam Định) |
Chúng tôi quay về phòng Trực ban chạy tàu cũng là lúc anh em thực hiện xong một kế hoạch dồn. Mấy nhân viên dồn lục đục vào phòng trong tiếng xuýt xoa vì rét. Khuôn mặt ai nấy tím tái, tay tê cóng vì găng tay bảo hộ lao động bằng vải ngấm nước mưa ướt sũng.
Anh Nguyễn Văn Toán, Đội phó Đội Chạy tàu 3 vui vẻ kể: “Trời mưa rét, rất dễ xảy ra sự cố vì đường trơn, tầm nhìn hạn chế. Vất vả lắm, nhưng dù mưa rét cắt da, cắt thịt hay nắng như đổ lửa, khi có việc, có kế hoạch chạy tàu, anh em vẫn phải ra đường, bất kể ngày đêm. Thế mới có câu đúc kết về nghề của các thế hệ đi trước là “chó chạy vào, người chạy ra”.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh Toán giải thích: Trung bình một ban phải thực hiện trên 200 cú dồn, đó là lúc hàng về, hàng đi không cao điểm. Vào đợt cao điểm còn tăng nữa vì buộc phải thực hiện sao cho tàu về dỡ hàng đúng kế hoạch của chủ hàng, tàu đi phải đúng giờ.
Anh Lê Đình Liệu, Đội phó Đội Chạy tàu 1 ga Hà Nội chia sẻ, về cơ bản, tính chất công việc của các chức danh lên ban trong một đội hình sản xuất của ga hàng và ga khách hạng 1 đều như nhau. Tuy nhiên, từng ga lại có những quy định, quy tắc, quy trình riêng cho các chức danh khi lên ban sao cho phù hợp với đặc điểm kĩ thuật của ga để đảm bảo an toàn.
Như tại ga Hà Nội, là ga lập tàu khách, giờ tàu chạy cố định nên việc dồn dịch ghép nối các toa xe để lập tàu phải thực hiện rất sớm và phải hoàn thành ít nhất một giờ trước khi tàu chạy để thử hãm đoàn xe. Còn nhân viên trực ban đường phải thường xuyên có mặt tại các đường ga để quan sát, bao quát xem có nguy cơ mất an toàn nào không, đặc biệt khi dồn dịch.
“Nhiều khi vừa tác nghiệp dồn, vừa tác nghiệp đón tiễn khách nên nguy cơ mất an toàn cao vì nhiều hành khách không theo chỉ dẫn, cứ qua lại khu vực hai đầu tàu là khu vực đang tác nghiệp dồn. Vì vậy, trực ban đường phải tập trung, quan sát thật tốt, ra tín hiệu cho đoàn dồn, lái máy”, anh Liệu cho biết.
Nhân viên trực ban kế hoạch và nhân viên trực máy ga Giáp Bát phải thường trực tại chỗ khi lên ban để tác nghiệp |
Lương thấp phải tranh thủ chạy xe ôm, Grab
Câu chuyện giữa tôi và anh em chạy tàu lên ban hôm đó ở ga Giáp Bát thường xuyên bị đứt quãng vì các anh liên tục phải thực hiện tác nghiệp. Anh Toán lúc ra đường số 1 đội mưa đón tàu, lúc ra đường số 4, số 5 quan sát. Còn nhân viên trực ban kế hoạch và nhân viên trực ban máy thì chúng tôi không thể tiếp cận vì các anh không lúc nào ngơi.
Trực ban kế hoạch lúc nhận điện thoại báo kế hoạch tàu, lúc lại báo tàu sắp qua cho gác chắn đường ngang. Nhân viên trực ban máy mắt dán vào màn hình máy tính quan sát tình hình đường ga thanh thoát hay đang có tàu, có toa xe chiếm dụng, tàu dồn, tàu thoi sẽ vào đường số mấy… và trao đổi thông tin qua bộ đàm với gác ghi ngoài hiện trường để thao tác nhấn nút mở, đóng ghi chuyển đường cho tàu qua. Anh Toán bảo: “Không yêu nghề, không tập trung, không có tính trách nhiệm không làm được đâu. Lơ là, sơ sẩy một tích tắc thôi là nguy cơ sự cố, tai nạn ngay. Vất vả, áp lực thế nhưng lương lại thấp”.
Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019 (Thời gian tính theo dấu bưu điện) Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội Email: cuocthigtvt@baogiaothong.vn. Điện thoại đường dây nóng: 0914799709 Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham dự Cuộc thi Báo chí viết về giao thông vận tải” và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc. |
Anh Đào Văn Thuận, nhân viên ghép nối toa xe ga Giáp Bát chia sẻ, anh làm nhân viên dồn dịch tại ga đã 7 năm nhưng lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng thực lĩnh nếu làm đủ công. Quê Hà Nam, phải thuê nhà nên để trang trải cuộc sống, những ngày xuống ban, anh tranh thủ bốc vác hàng cho các chủ hàng ngay tại ga để có thêm thu nhập.
“Đó là không rượu bia, thuốc lá, lại chưa có gia đình. Nhiều anh em có gia đình, hai vợ chồng cùng làm đường sắt phải làm thêm xe ôm, Grab”, anh Thuận nói chưa dứt lời thì một anh nhân viên ghép nối khác chuẩn bị lên ban ban đêm đưa tôi chiếc điện thoại như để chứng minh: “Đây, sáng nay tôi vừa chạy Grab, cũng được vài trăm nghìn. Không thế, vợ làm gác chắn lương hơn 3 triệu đồng, nuôi 2 con nhỏ, lại đi thuê nhà thì tiền đâu mà trang trải cuộc sống”.
Phó trưởng ga Hà Nội Nguyễn Văn Sơn tâm sự, anh em phải đi làm thêm ngoài giờ khá phổ biến vì lương quá thấp so với mức sống. Nhưng dù thế nào, khi lên ban, anh em phải đảm bảo sức khỏe, tỉnh táo để tập trung vì an toàn phải đặt lên hàng đầu. “Thu nhập thấp, nhưng chỉ cần vi phạm quy định, quy trình tác nghiệp, chưa cần xảy ra sự cố, tai nạn là đã bị phạt rất nặng, “đánh” thẳng vào thu nhập. Biết như vậy là áp lực cho anh em, nhưng không vậy không được vì đặc thù nghề chạy tàu là vậy, buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt mới đảm bảo an toàn”, ông Sơn nói và cho biết, anh Toán, anh Liệu đã thâm niên hơn 20 năm trong nghề.
“Cũng chỉ mong ngành Đường sắt phát triển để thu nhập anh em được tăng thêm, đỡ vất vả trong cuộc sống. Còn công việc đặc thù là vậy, tính an toàn rất cao nên lương cao, lương thấp chúng tôi cũng không thể chủ quan, lơ là”, anh Thuận nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận