Nông dân lặn ngụp móc ngó sen trên đồng. Ảnh: Hải Đường |
Chặng đường từ cánh đồng sen đến chợ, rồi đến nhà hàng không quá xa xôi, vậy mà thân phận của ngó sen thay đổi hẳn. Ngó sen thoát ra khỏi bùn lầy để trở thành món ăn sang trọng. Ít ai biết rằng, những người nông dân móc ngó sen phải dầm mình vất vả trong bùn lầy để có được những khoản tiền khiêm tốn.
“Thân cò” lặn ngụp chốn đồng sâu
Phải nhiều lần hò hẹn, tôi mới có một ngày theo chân vợ chồng anh Nguyễn Văn Được, Phạm Thị Đẩm đi móc ngó sen ở Đồng Tháp Mười. Khi gà gáy canh tư (khoảng 5h sáng), cũng là lúc vợ chồng anh Được thức dậy để chuẩn bị hành trang cho một ngày mới.
Theo chân họ, tôi lang thang qua những cánh đồng sen rộng lớn, cảm thấy lâng lâng, ngây ngất trước hàng vạn bông sen thơm ngát, lắc lư theo cơn gió sớm mai. Hương thơm của sen pha lẫn một chút mùi tanh của bùn non khiến trong lòng trào dâng nhiều cảm xúc…Nhưng đối với họ, cánh đồng sen bùn lầy là nơi đổ mồ hôi nước mắt, vất vả mưu sinh, cực nhọc…
Theo lời anh Được, vợ chồng anh đã theo nghề này hơn chục năm qua. Nghề móc ngó sen Đồng Tháp Mười chẳng thú vị gì, nhưng vì phải mưu sinh nên vợ chồng anh Được, chị Đẩm đành phải đeo bám. Hôm nay vợ chồng anh móc ngó sen tại đầm sen của ông Lê Hải thuộc ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa (Long An). Do ông Hải lớn tuổi, không còn làm nổi công việc nặng nhọc nữa nên phải thuê người móc ngó sen rồi ăn chia theo tỷ lệ khi thì 3/7 khi thì 4/6 (chủ đầm được chia nhiều hơn).
Đến nơi, anh Được móc trong giỏ ra những thứ “đồ nghề” cần thiết như: Thau đựng ngó sen, dây thun để buộc, “móng tay” cắt ngó sen (móng bằng sắt để gắn vào đầu ngón tay cái). Trong cái lạnh sáng mai, anh Được cố gồng mình rồi nhảy ùm xuống nước. Sau một hồi lặn ngụp, anh Được than: “Năm nay lũ hổng về, sen bị thối dây, thối ngó quá trời, không thu hoạch được bao nhiêu mà lại tốn công. Nếu kéo dài chuyện này, thì có lẽ các chủ đầm sen sẽ bị thất thu rồi nhiều người sẽ chuyển sang trồng lúa…”.
Vừa mò mẫm dò tìm ngó sen, anh Được vừa kể chuyện: Những năm lũ lớn, nhiều người mới vào nghề chưa quen, cứ hụp lặn mãi mấy lượt mới móc được 1-2 ngó, hai con mắt gặp nước bùn bẩn đỏ hoe. Khổ nhất là mấy chị em phụ nữ, mỗi lần đi móc ngó sen tóc phải quấn chặt trên đầu, áo, quần bó sát nếu không cẩn thận lũ đỉa mén chui vào hút máu. Chị Đẩm nói xen vào: “Không chỉ có vậy, tụi tôi còn bị muỗi, dĩn cắn ngứa ngáy khắp người. Ngâm mình trong nước bùn dơ dễ “dính” bệnh ghẻ lở ngoài da, bệnh phụ nữ…”.
Vũ khúc buồn trên đồng vắng
Với kinh nghiệm hơn chục năm hành nghề móc ngó sen, vợ chồng anh Được chia sẻ: Cái nghề này thấy có vẻ đơn giản, chỉ cần vài động tác “khom xuống, móc lên” nhưng không phải ai cũng làm được. Người móc ngó sen phải tinh mắt, mới biết được ngó sen non hay ngó già và phải biết nhẹ nhàng, khéo tay, nếu không ngó bị dập thì chẳng ai thèm mua. Khi mùa lũ lớn, nhìn lá sen nào nở búp chuyển sang màu hồng là ngó sen non, khi lũ cạn nhìn thấy lá sen nhoi lên hình ngòi viết là ngó non. Nếu móc phải ngó già, bán không được cao giá vì loại này chỉ để làm dưa chua...
Theo chân vợ chồng anh Được suốt hơn 4 giờ liền, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, chúng tôi nhẩm tính 50 cọng được 1kg; 20kg là 1.000 cọng, tức vợ chồng anh Được có hàng nghìn lần hụp xuống nhoi lên dưới nước sình, bùn nhão. Nhìn cảnh hai vợ chồng anh Được ngụp lặn giữa đầm sen, mắt quan sát dò tìm ngó sen, một người bạn đi cùng tôi buột miệng: Đây là vũ khúc buồn biểu diễn giữa đầm sen đẹp mà chưa ai biết!
Gần trưa, hai vợ chồng anh Được lục tục lên bờ, mặt buồn buồn: “Từ 5h sáng đến giờ hơn 4 tiếng đồng hồ, hai vợ chồng tôi ngâm mình suốt dưới nước bùn chỉ móc được khoảng 20kg ngó sen”. Rồi anh Được tính toán, mỗi ký bán được 17-18 nghìn đồng, ông chủ đầm lấy 70%, còn lại là của vợ chồng anh Được. Như vậy, vợ chồng anh chỉ thu được khoảng 70 - 80 nghìn đồng.
“Lột xác” thành đặc sản
Một ngày thu hoạch ngó sen của vợ chồng anh Được chỉ được khoảng 20kg |
Trong lúc anh Được tranh thủ về nấu ăn thì chị Đẩm ra bờ kênh ngóng chờ thương lái đến mua ngó sen. Ở đây đường sá bùn lầy nên thương lái đi xuồng tới mua là đầu ra duy nhất cho món hàng nông sản này. Đến xế bóng, chiếc xuồng ba lá gắn máy đuôi tôm chạy tành tạch tới lấy ngó sen. Tôi xin đi theo chiếc xuồng thu mua ngó sen của anh Nguyễn Văn Giang, người có ba đời làm nghề thu mua ngó sen ở huyện Thạnh Hóa. Con xuồng chạy dọc bờ kinh ấp 2, 3, 4 xã Thạnh An rồi ra đến lộ. Tại đầu lộ có dăm cái quán nhỏ căng sơ sài vài tấm nhựa, đó là các điểm tập kết ngó sen.
Anh Giang cho biết: Hầu hết ngó sen khai thác ở Đồng Tháp Mười được vận chuyển lên TP. HCM, Đồng Nai tiêu thụ. Với 8.000đồng/kg ngó sen vừa mới mua trong dân, anh Giang hưởng giá chênh lệch 2.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, công cán anh Giang lãi cả triệu đồng mỗi ngày. Đêm tối, xe tải chở hàng bốc ngó sen đưa lên TP HCM. Khoảng 5h sáng, các mối đến lấy hàng, giá rao hàng tại chợ Cầu Muối là 25.000-27.000 đồng/kg.
Dạo quanh các chợ bán lẻ của TP HCM tôi mới biết giá bán lẻ một kg ngó sen từ 30.000-35.000 đồng và có nơi đến 50.000đồng/kg. Khi vào các quán ăn, nhà hàng tại TP HCM, giá ngó sen rất “khủng”: Từ 180.000-200.000 đồng/một đĩa gỏi ngó sen. Trong đĩa chỉ có chừng 3 lạng ngó sen, vài lát thịt...
Tự hỏi: Chỉ có hơn 100 km mà thay đổi lớn thế sao? Quãng đường từ người sản xuất đến người tiêu dùng đâu có quá xa xôi nhưng người nông dân chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong chuỗi giá trị ấy?!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận