Xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng ấn tượng
Bộ Công thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023.
Theo đó, tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD.
Có được kết quả này là nhờ tăng trưởng xuất khẩu tháng 10 khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kết quả xuất khẩu vẫn âm, trị giá ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có tới 5/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm này đều giảm, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); Dệt may giảm 12,5% (đạt 27,8 tỷ USD); Giày dép các loại giảm 20,2% (đạt 16,05 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD)…
Trong khi đó, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều…
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.
Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 700 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,8% trong tháng 10 nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái/ Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, tăng 17% và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công thương đánh giá kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).
"Các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu", Bộ Công thương lý giải.
Thận trọng những tháng cuối năm
Trong 10 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,65 tỷ USD (giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%.
Đánh giá về các thị trường lớn khác, Bộ Công thương cho biết xuất khẩu vẫn còn tăng trưởng âm: EU giảm 8,9% (ước đạt 36,2 tỷ USD); ASEAN giảm 6,2%, Hàn Quốc giảm 3,6%, Nhật Bản giảm 4,1%...
Trong hai tháng cuối năm, Bộ Công thương nhận định sẽ khởi sắc hơn do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước. Song, cũng cần thận trọng khi hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm.
Cụ thể, Liên minh châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng 3% (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3%, (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023); Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức 2,1% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023).
Với độ mở đã lên tới 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Bộ Công thương dự báo sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, trong thời gian tới, tình hình sẽ phụ thuộc vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn; các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận