Showbiz

Nhóm phản đối hoa hậu Ý Nhi hơn 650.000 thành viên "gặp biến"

19/08/2023, 19:16

Nhóm antifan hoa hậu Ý Nhi có hơn 650.000 thành viên bất ngờ có "biến" sau nhiều lần đổi tên.

Nhóm anti hoa hậu Ý Nhi liên tục bị đổi tên

Sau những phát ngôn gây tranh cãi của Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi trước truyền thông, những nhóm anti (phản đối) người đẹp quê Bình Định "mọc lên như nấm".

img

Nhóm anti hoa hậu Ý Nhi có hơn 650.000 thành viên liên tục đổi tên từ khi được tạo lập từ ngày 28/7/2023.

Trong đó, nhóm "Hội anti hoa hậu Ý Nhi" thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng, có thời điểm đạt số lượng thành viên lên đến 650.000 tài khoản tham gia.

Theo ghi nhận, sau khi thành lập vào ngày 28/7/2023 với tên "FC hoa hậu”, nhóm này đã đổi tên thành “Hội anti hoa hậu Ý Nhi” vào cùng ngày.

Tiếp đó, nhóm liên tục đổi tên thành “Hội anti Ý Nhi”, “Hội anti Miss Trưởng thành”, “Hội anti HH YN – Miss Trưởng thành”, “Hội anti Ý Nhi Offcial” và lại trở về tên cũ “FC hoa hậu” vào ngày 17/8, sau đó là “FC hoa hậu Việt Nam”.

Giữa lúc nhóm liên tục bị đổi tên, số lượng thành viên cũng sụt giảm nhanh chóng, mất hơn 80.000 thành viên. Hiện, nhóm này bất ngờ ngừng hoạt động.

img

Một số hội, nhóm liên tục đổi tên thành nhóm anti hoa hậu Ý Nhi.

Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tiếp tục xuất hiện thêm hàng loạt những hội nhóm anti fan khác của Ý Nhi.

Hiện, vẫn chưa rõ mục đích của việc đổi tên này, tuy nhiên có thể thấy, điểm chung của các nhóm này là giảm tần suất đăng bài công kích hoa hậu gốc Bình Định, xuất hiện những video bán hàng livestream, tuyển dụng.

Lập nhóm để công kích người nổi tiếng có vi phạm pháp luật?

Trước đó, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói với Báo Giao thông, việc lập ra các hội nhóm anti người nổi tiếng, nghệ sĩ để đưa ra những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

img

Ý Nhi đăng quang Miss World Vietnam 2023.

Luật sư Tiền phân tích, căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, trường hợp người đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có dấu hiệu hình sự và gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hành vi.

Trong đó, nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 1-3 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự).

Theo đó, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo đó, những người có hành vi trên có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.