Danh sách 4 Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội |
Phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại hội trường sáng 16/11
Từ hôm nay (16/11) đến 18/11, Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau khi xin ý kiến các ĐBQH, Quốc hội đã quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn gồm: Công tác quản lý thuế; Việc điều hành chính sách tiền tệ; Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Sáng 16/11, sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đàn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời nhóm vấn đề về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sang buổi chiều, tới lượt Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đăng đàn với phần trả lời chất vấn kéo dài từ 15h chiều 16/11, và đến10h20 sáng 17/11.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời về “Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tiếp nối, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn có hơn 1 giờ đăng đàn trong phần sau buổi làm việc sáng và thêm gần trọn buổi chiều 17/11 để trả lời chất vấn của ĐBQH.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ trả lời về “Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các: Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình sẽ đăng đàn, trả lời về “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sau phần đăng đàn của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng sẽ có 2,5 giờ (từ 14h-16h45) để trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đây được đánh giá là thời lượng nhiều hơn hẳn so với quỹ thời gian 40 phút dự kiến dành cho Thủ tướng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 mới diễn ra. Vì đa số trong các phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ, quỹ thời gian bố trí ít trong khi danh sách các ĐBQH muốn chất vấn Thủ tướng còn nhiều nhưng hầu hết không có cơ hội chất vấn trực tiếp, phải thực hiện qua hình thức gửi văn bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận