Đường sắt

Nhức nhối 4.211 đường ngang dân sinh, tiền đâu xóa?

15/06/2017, 07:50

Đường sắt cần đến hàng nghìn tỷ đồng để làm hàng rào, đường gom mới đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu.

8

Một lối đi hình thành do người dân phường Long Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tự ý bắc ván leo qua rào bảo vệ đường sắt - Ảnh: Ngọc An (Zing)

Dự án dở dang, dân ngang nhiên tái lấn chiếm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại địa bàn xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý và xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, chỉ khoảng 2km đường sắt Thống Nhất chạy qua địa bàn đã có hàng chục điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Dọc hai bên đường ray, hàng đống phế thải chất ngất, đá hộc, đá xẻ, vật liệu làm non bộ… để ngổn ngang. Đáng nói, mỗi lối đi vào cửa hàng, bãi phế liệu lại có một lối đi qua đường sắt ra QL21 bằng đủ loại vật liệu như như rải đá, đặt tấm đan bê tông, sắt, gỗ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn này chia sẻ, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Đơn vị nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa, nhưng cứ giải tỏa xong một thời gian lại đâu vào đấy, dân lại tái vi phạm.

Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đới Sỹ Hưng, hiện toàn quốc có 452 đường ngang biển báo cần được nâng cấp. Đường sắt đã kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để tiếp tục thực hiện lộ trình nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang có biển báo còn lại thành đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động (439 đường ngang) và đường ngang có người gác (13 đường ngang, chủ yếu là các vị trí đặc biệt trong ga), giai đoạn từ năm 2017-2020. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 816 tỷ đồng. Ngành Đường sắt đã có lộ trình từ nay đến năm 2020 chỉ còn 2 loại đường ngang: đường ngang có nhân viên gác và đường ngang cảnh báo tự động nhưng có cần chắn. Hiện, đường sắt đang triển khai việc lắp đặt cần chắn tự động cho hơn 100 đường ngang cảnh báo tự động với mục tiêu đến hết năm 2017, xóa bỏ 100% đường ngang cảnh báo tự động chưa có cần chắn.

“Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là làm hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi dân sinh theo Quyết định 1856 lại thực hiện dở dang do thiếu vốn. Vì thế, công trình xuống cấp, dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm”, ông Dũng nói và chỉ cho PV xem các trụ cột hàng rào ngăn cách khu dân cư và đường sắt đang xây dở giữa những bãi phế liệu hoang tàn.

Điều này không chỉ diễn ra ở Hà Nam mà xảy ra phổ biến ở các địa phương khác. Đơn cử tại xã Quỳnh Thiện (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đây là địa bàn “nóng” về lối đi dân sinh tràn lan qua đường sắt. Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa Nguyễn Thanh Tâm cho biết, có đến 9 điểm đã được đưa vào Tiểu dự án 2 theo Quyết định 1856 nhưng cũng thực hiện dở dang do thiếu vốn và địa phương chậm GPMB.

Lý giải về thực trạng trên, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1856, trong đó các hạng mục công trình xây dựng hệ thống đường gom, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang ATGT đường sắt nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt. Đến tháng 6/2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 994 thay thế Quyết định 1856. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình, dự án đang thực hiện phải dừng lại.

Ông Tùng dẫn ví dụ, Tiểu dự án 2 với quy mô xây dựng 85 đường ngang, 3 hầm chui dân sinh, 3 cầu vượt, 94km đường gom, 307 km hàng rào bảo vệ hành lang, công tác giải tỏa hành lang ATGT đường sắt các tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng đã dừng lại từ tháng 9/2011. Công trình khẩn cấp theo Quyết định 1856 giai đoạn 2 đã dừng lại từ 31/3/2014 với khối lượng đang thực hiện dở dang gồm 23 đường ngang 27,96km đường gom và 17,3km hàng rào cách ly. Công trình nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang” gồm 291 đường ngang, mới thực hiện được 133 đường ngang.

Ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách

Theo số liệu của Cục Đường sắt VN, đến tháng 3/2017, toàn mạng lưới đường sắt VN có 1.515 đường ngang hợp pháp; Tồn tại 4.211 vị trí đường dân sinh, lối đi dân sinh, chiếm tỉ lệ 73,5% tổng số giao cắt. Vì vậy, ngoài những công trình, dự án đã hoàn thành, góp phần hiệu quả đảm bảo ATGT đường sắt, còn cần hàng nghìn tỷ đồng để làm hàng rào, đường gom và nâng cấp đường ngang.

Ông Vũ Tá Tùng cho biết, hiện một số dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: Xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) theo Quyết định 1856, giai đoạn 3 với mục tiêu cơ bản đóng các lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt; quy mô xây dựng 393km hàng rào, đường gom, 39 đường ngang, 25 hầm chui, tổng mức đầu tư 3.300 tỷ đồng. Dự án xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia gồm 80 cầu vượt...

“Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách vẫn rất hạn hẹp, Tổng công ty Đường sắt VN đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, hạng mục quan trọng để có thể nhanh chóng xử lý các điểm nóng về ATGT đường sắt”, ông Tùng nói và cho biết, đường sắt kiến nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng, đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt theo Quyết định 994 giai đoạn 2014 - 2020.

Trong đó, đường sắt tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo 127 đường ngang đã được phê duyệt của công trình nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang với tổng nguồn kinh phí được phê duyệt là 340 tỷ đồng. Đối với việc hoàn thành công trình thuộc giai đoạn 2, Kế hoạch 1856 đang thi công dở dang gồm 23 đường ngang, 27,96km đường gom và 17,3km hàng rào cách ly, kinh phí dự kiến hơn 195 tỷ đồng. Dự án xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) theo Quyết định 1856, giai đoạn 3 bố trí vốn để thực hiện trước 72km đường gom, hàng rào, đóng 854 đường dân sinh, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.