|
||
Q.10 khẳng định: Giày Sài Gòn đang cho thuê đất
Mới đây, UBND Phường 2, Q.10 đã có văn bản số 712/QLĐT ngày 9/10 và văn bản báo cáo số 819/TNMT –TN ngày 16/10 trong đó xác nhận: hiện nay Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (Giày Sài Gòn) vẫn đang cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê đất để kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Như vậy, sau khi bị xử phạt 720 triệu đồng vì cho thuê đất trái phép vào năm 2017, Giày Sài Gòn không chấm dứt tình trạng này mà vẫn tiếp tục cho thuê.
Cụ thể, tháng 3/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng đất. Trong kết luận thanh tra ngày 17/3/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận: Giày Sài Gòn vi phạm trong quản lý và sử dụng đất tại 419 Lê Hồng Phong, Phường 2, Q.10 khi đã "tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê đất hằng năm". Việc đơn vị này hủy bỏ hợp đồng cho thuê nhà xưởng, văn phòng rồi chuyển thành hợp đồng hợp tác kinh doanh với Thành Bưởi thanh toán phần lợi nhuận mỗi tháng không khác so với cho thuê nhà xưởng, văn phòng.
Việc Giày Sài Gòn tự ý cho thuê “đất vàng” là không đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm được quy định tại điều 175 luật Đất đai 2013; vi phạm điều 19 Nghị định 102/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: “Tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất hằng năm”. Vi phạm khoản 1 điều 170 luật Đất đai 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất. Giày Sài Gòn sau đó bị xử phạt và thu hồi hơn 720 triệu đồng.
Ngay sau đó 6/2017 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cũng đã ký văn bản yêu cầu công ty Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi cho Công ty T.B thuê làm bến bãi, bởi việc này vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất của Nhà nước. Văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng nêu rõ, nếu Giày Sài Gòn tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất sẽ bị thu hồi theo quy định của luật Đất đai. Mặc dù đã bị xử phạt nặng, tuy nhiên Giày Sài Gòn tiếp tục tái diễn sai phạm này.
Không chỉ dừng lại ở đó, đơn vị thuê lại đất của Giày Sài Gòn là Công ty Thành Bưởi cũng đã từng lập bến xe “lậu”, bị Thanh Tra Sở GTVT xử phạt.
Điều đáng nói, mặc dù được nhà nước “ưu ái” cho thuê lại trên miếng đất 13.000 m2 với ba mặt tiền đường lớn tại trung tâm với giá chỉ 100 ngàn đồng/m2 nhưng 3 năm nay Giày Sài Gòn dường như lại không sản xuất kinh doanh gì. Toàn bộ gần 650 công nhân đang làm việc tại Giày Sài Gòn đã bị cho nghỉ việc từ cuối năm 2015. Cũng trong suốt 3 năm nay, Sài Sài Gòn lại liên tục có đề xuất lên TP xin được chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ.
Vậy phải chăng mục đích cuối cùng của việc cổ phần của nhà nước tại Giày Sài Gòn năm 2015…thực chất là một thương vụ thâu tóm khu đất vàng? Với nhiều sai phạm như vậy, tại sao đến nay khu “đất vàng” này vẫn chưa bị thu hồi? Vậy bao giờ cơ quan chức năng mới vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này?
Đất làm thương mại chưa đấu giá… đang phải thu hồi
Cũng là một khu đất khác của nhà nước, hiện TP.HCM đang tiến hành các bước buộc phải thu hồi đang được dư luận hết sức quan tâm.
Cụ thể là khu đất 5.000 m² tại số 8-12 Lê Duẩn do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý. Khu đất gần 5.000 m² tại số 8-12 Lê Duẩn do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý nắm 50 % cổ phần. Công ty này tiếp tục cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở: Công ty Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Kim khí Thành phố, Công ty Hóa chất vật liệu điện thành phố và công ty Vận tải xăng dầu thuê làm trụ sở. 4 công ty thuê lại mỗi công ty nắm 12,5% cổ phần. Theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư, năm 2010, UBND TP.HCM đã đồng ý về phương án thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án xây dựng khách sạn tiêu chuẩn năm sao và một phần trung tâm thương mại.
Tuy nhiên ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời 200 tỷ đồng. Thương vụ này cũng giúp các công ty tư nhân chiếm 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5.000 m2. Việc thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại các bước như cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư đều được bỏ qua.
Thay vào đó là là việc chuyển nhượng cổ phần và thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12,5%), còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà.
Với những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thu hồi khu đất, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm tại UBND TP HCM (nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài), các sở ngành và doanh nghiệp liên quan. Số tiền 200 tỷ đồng của các công ty này kiếm được từ thương vụ sang tay cũng bị đề nghị thu hồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận