Đồng ruộng nham nhở, lổn nhổn trạc thải
Chùa Linh Thông, xã An Thượng, huyện Hoài Đức là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng. Nhưng gần đây, không ít phật tử đến chùa bức xúc vì tình trạng trạc thải (phế thải xây dựng) bủa vây sau bức tường bao quanh.
Ngay bên tay trái cổng chùa, đầu đoạn đường chân đê vừa thảm nhựa, hàng chục mét khối đất nông nghiệp từ nơi khác chuyển đến lấp một phần rặng chuối xanh rì trước đó. Bên phải chùa, trạc thải chất cao ngang bức tường bao.
Trạc thải bủa vây đất nông nghiệp trên địa bàn xã An Thượng, Hoài Đức (lối dẫn từ đê Tả Đáy lên đại lộ Thăng Long).
Đứng trên đê (đê Tả Đáy), trước cổng chùa Linh Thông, phóng tầm mắt qua cánh đồng về phía khu dân cư An Thượng, thảm rau muống xanh đang thu hẹp dần diện tích bởi bãi trạc thải cao 1 - 2m, xâm lấn tứ phía.
Trên đó lổn nhổn đủ thứ: Gạch ngói từ phá dỡ tường, đất thải đen kịt hay những thảm nhựa đường bong tróc, rác rưởi...
Chưa kể hàng nghìn mét đất nông nghiệp ẩn khuất phía sau chùa, nằm ven con đường nhỏ dẫn từ chùa sang UBND xã An Thượng, trở thành bãi trạc từ bao giờ.
Hàng nghìn xe trạc thải đổ chồng lên nhau tầng tầng, lớp lớp vẫn còn vết, ngày càng lan rộng.
Tình trạng lấy trạc thải san lấp đất nông nghiệp không chỉ xuất hiện trên địa bàn xã An Thượng, mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác như xã Liên Hà, huyện Đan Phượng; các quận như: Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Trì, Đông Anh...
Không chỉ đất nông nghiệp, nhiều diện tích đất ven sông cũng bị trạc thải bức tử như đoạn từ phường Nhật Tân đến địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên…
Một điểm chung, những diện tích đất sau khi bị san lấp biến thành những bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng, bãi giữ xe trái phép.
Chính quyền địa phương phản ứng yếu ớt
Trước thực trạng trên, quận Tây Hồ đã ra quân, tháo dỡ 1.282m hàng rào bằng tôn và 13 cổng sắt, phá dỡ 31 công trình, thanh thải 5.831m3 đất thải, phế thải xây dựng đổ vào lòng sông; lắp dựng 4 cụm mố bê tông ngăn phương tiện đi vào bãi sông đổ trộm phế thải.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, tùy theo khối lượng sẽ bị xử phạt với mức thấp nhất 2 triệu đồng (dưới 1 tấn) đến mức cao nhất là 250 triệu đồng (trên 10 tấn).
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm đổ phế thải trộm, dựng lều lán tạm gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Tứ Liên có tới 3 điểm đổ thải được bốc, xúc.
Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cũng xử phạt một trường hợp vi phạm đổ thải 12,5 triệu đồng.
Trong khi đó, những huyện vùng ven lại tỏ ra bất lực. Chủ tịch xã An Thượng Cao Anh Tâm cho biết, xã đã phối hợp, xử lý nhưng khó triệt để bởi các đối tượng chở từ nơi khác sang đổ trộm, không phải người dân trên địa bàn.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Hạ, Phó chủ tịch UBND xã Vân Côn cho hay, có 4 - 5 trường hợp người dân xây nhà, họ đổ trạc lên chính diện tích đất nông nghiệp do họ sở hữu: “Xã đã mời những hộ dân này lên lập biên bản, ngăn chặn. Nhưng xử lý cũng khó vì họ không chấp hành”.
Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng theo quy hoạch đã được thành phố chấp thuận chủ trương.
Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ khối lượng chất thải rắn xây dựng theo phân cấp quản lý; gắn trách nhiệm với người đứng đầu các đơn vị, địa phương, các cá nhân được phân công phụ trách nếu để xảy ra tình trạng đổ chất thải không đúng nơi quy định.
Nghênh ngang phương tiện tiếp tay chở thải
Xe công nông tự chế ngang nhiên đổ thải ven đại lộ Thăng Long.
Ghi nhận của PV lúc 8h sáng ngày đầu tháng 7, tại chân đê Tả Đáy (An Thượng, Hoài Đức), công nông tự chế chở cát, gạch, trạc thải chạy ngược chạy xuôi.
PV bám theo một chiếc xe chở trạc thải, xe chạy từ giữ thôn Đào Nguyên men theo đường ven đê đổ ra khu đất trống ven đường đại lộ Thăng Long, sát cửa hàng vật liệu xây dựng Xuân Quân.
Tại đây, hàng nghìn m2 đất trồng cây bị phủ trạc thải cao 4 - 5m. Bãi trạc đang lan rộng, cao vượt quá nóc 3 ngôi nhà cấp 4.
Trong cửa hàng vật liệu xây dựng Xuân Quân, ngoài gạch đá, trạc thải đổ vung vãi hai bên đường, còn 4 - 5 chiếc công nông tự chế đang nằm chờ nổ máy.
PV trong vai khách hàng hỏi giá vật liệu và công chở trạc thải cho ngôi nhà 2 tầng, diện tích khoảng 50m2. Một nam thanh niên cho biết, giá nhận khoán khoảng 15 triệu cả phá dỡ, nếu chỉ chở vật liệu thải đi thì khoảng 8 triệu. Việc đổ thải ở đâu do bên chở tự lo.
Vẫn trong vai người tìm dịch vụ đổ thải trạc xây dựng, PV được anh N.V.L, một lái xe công nông đang chở đất tại thôn Đào Nguyên (An Thượng, Hoài Đức) cho biết, trạc thường đổ ra những khu đất trống, ven nghĩa trang. “Chỉ đổ quanh làng chứ đổ đâu được”, anh L. cho biết.
Không chỉ có An Thượng, những chiếc xe không số này nghênh ngang khắp mọi nơi từ đại lộ đến ngõ xóm như đại lộ Thăng Long, đường đê Song Phương, đường thị trấn Quốc Oai, đường tỉnh 414 Ba Vì. Thậm chí, chạy cả trong đường nội thị như đường tỉnh lộ 70, Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm...
Nhiều trong số những chiếc xe này thường tập kết tại các cửa hàng vật liệu xây dựng như cửa hàng vật liệu xây dựng Xuân Quân, thôn Đào Nguyên; Hiền Cúc, thị trấn Trạm Trôi (sau UBND huyện Hoài Đức); vật liệu xây dựng KQ (Quốc Oai); vật liệu xây dựng Gia Hữu (Xuân Phương, Nam Từ Liêm)... Mỗi cửa hàng này đều có một vài xe.
Ông Đỗ Việt Hải, Đội trưởng Đội TTGT vận tải huyện Ba Vì viện lý do, đơn vị lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên chưa bao quát được hết. Hơn nữa, những xe này cũng hoạt động chui. Thời gian qua, đơn vị chủ yếu tuyên truyền, vận động và chưa xử lý trường hợp nào.
Còn Đội TTGT vận tải huyện Hoài Đức lại đẩy trách nhiệm sang cho CSGT với lý do, quy định của Nghị định 100 chỉ cho TTGT phối hợp mà không cho xử lý xe công nông tự chế.
PV liên hệ với Công an quận Nam Từ Liêm để ghi nhận thông tin số lượng công nông nhưng đến nay đơn vị này chưa phản hồi.
Còn số liệu từ Công an huyện Quốc Oai cung cấp, số lượng xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã xử lý 11 xe (mỗi năm 3 xe). Năm 2022, tịch thu 5 xe. 6 tháng đầu năm 2023, thu 1 xe. Trên địa bàn huyện Quốc Oai xảy ra 2 vụ tai nạn xe công nông do tự lật, cả 2 vụ đều chết người do bị chính xe công nông đè lên.
Về số lượng xe công nông tự chế lưu hành trên địa bàn, đơn vị không có số liệu.
Trước phản ánh của Báo Giao thông, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị Công an TP và Thanh tra chuyên ngành xây dựng, GTVT, môi trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả thu giữ phương tiện vận chuyển...
Cả thành phố chỉ có 3 điểm đổ thải
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố có 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng.
Nhưng đến nay, toàn thành phố chỉ có 3 điểm, gồm bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh), rộng 28ha, hoạt động từ năm 2011 với công suất 360 tấn/ngày. Hiện, bãi chỉ còn 2ha, hết năm 2023 sẽ phải đóng cửa do hết chỗ.
Hai điểm còn lại là điểm trung chuyển tạm thời và tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền, đều ở quận Hoàng Mai, tổng công suất xử lý 1.200 tấn/ngày. Hết năm 2023, hai điểm này cũng hết thời gian được phép hoạt động thí điểm...
Như vậy, tổng công suất xử lý của 3 điểm nêu trên chỉ giải quyết được hơn một nửa số chất thải xây dựng phát sinh mỗi ngày (khoảng 1.560/3.000 tấn)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận