Văn hóa - Giải Trí

Nhức nhối quy hoạch tượng đài

31/10/2017, 07:54

Sau một thời gian dài, việc quản lý quy hoạch tượng đài vẫn chưa hết những bất cập...

24

Tượng Đinh Tiên Hoàng Đế ở Ninh Bình bị bỏ hoang do bất đồng ý kiến giữa đơn vị thi công và tác giả thiết kế

Chưa bao quát khái niệm

Năm 2013, Nghị định 113 được ban hành cùng với Thông tư 18 để quản lý hoạt động mỹ thuật. Tuy nhiên, sau 4 năm áp dụng, vẫn còn đó những bất cập, đặc biệt là trong vấn đề tượng đài. Vừa qua, một hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ VH,TT&DL, Cục Mỹ thuật và nhiều đơn vị khác nhằm bóc tách vấn đề này.

Theo Thông tư 18/2013, tượng đài được giải thích là bao gồm cả tượng tôn giáo xây dựng ngoài trời, nơi công cộng. Song, khi áp dụng vào địa phương, cách hiểu này gây khó khăn cho nhà quản lý. Điển hình như thắc mắc của đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Bến Tre: Nhóm tượng trong khuôn viên trường học, quán cà phê liệu có tính là tượng ngoài trời, nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghị định không? “Có những quán cà phê mua tượng chiến binh La Mã về đặt trang trí ở các hàng rào. Huyện đặt câu hỏi cho Sở VH,TT&DL rằng nên xử lý thế nào, có cần phải xin phép? Nhưng Sở chưa biết xử lý làm sao”, đại diện này chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo bà Lương Thuý Nga, đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Nai, việc quản lý cả tượng tôn giáo như trong thông tư nêu là không dễ dàng: “Tỉnh Đồng Nai có rất đông người theo Công giáo, Phật giáo. Cơ sở tôn giáo chiếm đa số, nhiều tượng đài được xây dựng trong khuôn viên nhà thờ, chùa… rất khó quản lý theo nghị định”. Theo bà Nga, Bộ VH,TT&DL nên tham khảo thêm Luật Tín ngưỡng tôn giáo vừa ban hành trong quá trình xây dựng quy chế quản lý với tượng tôn giáo.

Kiểm soát chất lượng tượng

Một thực trạng khác đang ở mức báo động, đó là tình trạng làm tượng đài nhưng lỏng lẻo ở khâu kiểm duyệt chất lượng. Điều 23 của Nghị định 113 đã nêu rõ yêu cầu thành lập Hội đồng nghệ thuật ngay khi triển khai dự án làm tượng đài. Tuy nhiên, theo ông Định Quang An, Công ty Mỹ thuật Trung ương phía Nam: “Dù nghị định quy định rõ Hội đồng nghệ thuật phải có 2/3 thành viên là nhà điêu khắc, họa sĩ, còn lại là nhà đầu tư, nhưng trên thực tế các địa phương không thực hiện được. Đa số vẫn là họa sĩ và nhà đầu tư, nhà quản lý”.

Cũng theo đó, việc thiếu vắng vai trò của nhà điêu khắc, họa sĩ khiến các công ty trúng thầu hầu như nắm toàn quyền thi công trên thực tế. Các tác giả không có quyền hạn gì với đứa con tinh thần của mình. Từ đó, dẫn tới thực trạng mà cả PGS. TS. Nguyễn Xuân Tiên và Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành phải thừa nhận: Nhiều tác giả không ký tên thừa nhận công trình do mình thiết kế. “Có những điêu khắc gia làm bảng đồng ghi tên dưới tượng đài rất to. Nhưng cũng có người từ chối nhận mình là tác giả của tượng”, ông Vi Kiến Thành cho biết, đồng thời đưa ra một ví dụ: Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình, tác giả công trình là điêu khắc gia Đào Châu Hải, nhưng vì đơn vị thi công không thực hiện đúng ý đồ nghệ thuật của tác phẩm nên ông Hải từ chối nhận là tác giả. Hệ quả là thành “tượng hoang” do bị bỏ bê không nghiệm thu dù đã 8 năm trôi qua.

Quy hoạch hay hạn chế?

Vấn đề mấu chốt là việc đối diện với áp lực quy hoạch. Dù Nghị định 113 đã yêu cầu các tỉnh phải xây dựng quy hoạch tượng đài từ năm 2014-2020, song hiện nay rất ít địa phương thực hiện. Bà Lương Thuý Nga cho biết, tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long đang ngập trong không biết bao nhiêu đơn từ phía các đơn vị, tập thể… đề nghị dựng tượng đài. Nhà quản lý đang rất lúng túng. Tỉnh Bình Dương gần đây chi 3 tỉ đồng để xây dựng quy hoạch tượng đài cho tỉnh nhưng đã thất bại bởi cùng lý do”.

Theo đó, ông Vi Kiến Thành thừa nhận thực tế nhu cầu làm tượng đài ở các tỉnh là rất lớn. Cục trưởng Cục Mỹ thuật cho hay, thực tế địa phương nào cũng muốn có công trình tượng đài. Trước đây, có 58 địa phương đề nghị làm tượng đài Bác Hồ nhưng Cục Mỹ thuật chỉ trình 6 công trình. “Làm quy hoạch phải hạn chế công trình, vấn đề là chọn công trình nào xứng đáng để làm, chọn những công trình cần thiết, ý nghĩa, đúng với lịch sử địa phương”, ông Vi Kiến Thành kết luận. Hiện tại, việc xây dựng quy hoạch tượng đài vẫn đang là bài toán hóc búa. Khả thi nhất hiện nay là thực hiện theo nhóm đối tượng cụ thể. Nhóm tượng đài Bác Hồ đã được Bộ VH,TT&DL hoàn thành quy hoạch đến năm 2030. Mục tiêu tiếp theo sẽ là xây dựng quy hoạch tượng đài anh hùng, danh nhân lịch sử...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.