Nhà xe Anh Khoa chống lệnh điều chuyển tới BX Giáp Bát, vô tư chạy “dù” đón khách tại địa chỉ số 20 Nguyễn Hoàng, gần BX Mỹ Đình(Ảnh chụp chiều 15/3). Ảnh: Lê Tươi
Thực trạng này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, phí, phá vỡ trật tự vận tải hành khách mà còn gây mất trật tự ATGT; gây ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Điều đáng nói là việc xử lý của cơ quan chức năng dường như còn rất lúng túng, dù các quy định của pháp luật không hề thiếu.
Xe dù, bến cóc hoạt động công khai quanh bến xe
Chiều 15/3, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Trong vai hành khách, PV liên tục được các xe ôm cho địa chỉ cụ thể nhà xe về các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… Đáng nói, đây đều là những xe được phân tuyến phải đón trả khách ở khu vực bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm.
Trong vai hành khách có nhu cầu về Thanh Hóa, chúng tôi được một xe ôm dẫn tới địa chỉ số nhà 20 Nguyễn Hoàng và chỉ vào quán cà phê Anh Khoa để mua vé. Theo quan sát, ở tầng 1 căn nhà này có biển hiệu “quán cà phê Anh Khoa”. Tuy nhiên, ngay trên tầng 2 biển lại ghi dòng chữ: “Anh Khoa Travel nhận chuyển phát hàng hóa. Hotline: 0971316368”.
Sắp đến giờ xe chạy, quán càng lúc càng đông. Ước tính khoảng 15 - 20 người chật kín cả quán. Khoảng 17h15, xe khách BKS 29B-061.05 xuất hiện, trên xe không hề có tên nhà xe hay lộ trình chạy (theo quy định xe tuyến cố định hoặc hợp đồng phải có phù hiệu, tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải).
Để qua mặt lực lượng chức năng, nhà xe này đã lựa chọn đi đường tắt, chạy vòng từ phố Nguyễn Hoàng ra đường Dương Khuê, khu tập thể Đại học Thương mại, Hồ Tùng Mậu và chạy thẳng lên đường vành đai 3 trên cao. Rất nhanh chóng, xe này đã có thể ra khỏi khu vực bến xe Mỹ Đình, qua mặt các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường.
Sáng 16/3, PV tiếp tục có mặt tại ngõ 62, ngách 62/2 (đường Trần Bình, Cầu Giấy). Theo quan sát, tại đây có 2 ki-ốt chừng 40m2 một bên mở quán ăn và một bên chất đầy hàng hóa, có 4 - 5 hành khách mang vác theo đồ lỉnh kỉnh ngồi chờ về quê.
Một lát sau, chiếc xe BKS 29B -163.44, trên xe ghi “xe hợp đồng Vip Hoàng Đông Travel” xuất hiện. Trước thắc mắc của PV có 4 - 5 hành khách rồi sao không cho xe chạy để tránh chờ đợi lâu. Nhân viên nhà xe cho biết, còn phải xếp đủ lượng khách xe mới chạy.
Cạnh đó, PV ghi nhận rất nhiều văn phòng của các nhà xe công khai treo biển, ghi rõ lộ trình tuyến đi/đến, chủ yếu các tỉnh phía Bắc.
Bên ngoài đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, tại những vị trí gần bến Mỹ Đình, nhan nhản nhà xe tuyến cố định, xe hợp đồng ung dung dừng đỗ trên đường chờ đợi, đón khách gây mất ATGT.
Tình trạng này tương tự ở khu vực bến xe Giáp Bát, cụ thể là phố Kim Đồng, 789 đường Giải Phóng, điểm giao cắt giữa phố Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân... Các nhà xe cũng có văn phòng đại diện gần khu vực bến xe hoặc đỗ ở bến cóc thuận lợi.
Xe khách đua nhau bỏ bến
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, tại bến xe Nước Ngầm, đã có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, tình trạng xe bỏ bến đã lác đác xảy ra từ năm 2017 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Hiện, phần lớn các xe đã không đăng ký khai thác vận tải khách năm 2019 và có giấy xin ngừng hoạt động. Đây chủ yếu là các xe thuộc tuyến Nước Ngầm đi các tỉnh: Nam Định, Thái Bình… và được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về từ năm 2017.
Theo ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, tác hại lớn nhất của việc xe khách bỏ bến chạy dù là xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Những nhà xe ở trong bến thì phải đóng thuế và mất phí bến bãi, trong khi xe dù trốn được những khoản này. Trong khi đó, hành khách cũng sẽ thiệt thòi khi bị “chặt chém”, chất lượng dịch vụ không được đảm bảo nhưng không biết kêu ai.
“Hiện nay đã có Thông tư 12, Nghị định 10 quy định rất cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải, vấn đề là lực lượng chức năng có xử lý nghiêm hay không mà thôi”, ông Chín nói và đề xuất, ngoài việc tăng cường tuần tra xử lý, cơ quan chức năng cần xem xét quy hoạch bến bãi, hạn chế xe khách cố định vào trung tâm, kiểm soát chặt để tránh xe hợp đồng trá hình, núp bóng xe du lịch.
Phía bến xe Giáp Bát, Giám đốc Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện tại bến có khoảng gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 10-30%.
Đơn cử như tuyến Ninh Bình, Vụ Bản, Trực Ninh (Nam Định) còn không có xe hoạt động. Trước đây mỗi ngày bến có khoảng 800 lượt xe xuất bến, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 300 - 400 lượt.
Với bến xe Mỹ Đình, bình thường bến có 900 lượt xe xuất bến/ngày, nhưng kể từ cuối năm 2020 đến nay chỉ khoảng có 400 - 500 lượt (giảm khoảng 50%).
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, từ nhiều tháng nay tại bến xe Mỹ Đình xuất hiện hàng chục nhà xe bỏ bến. Chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 200km đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái…
“Các nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn. Tuy nhiên, thực tế, không ít nhà xe bỏ bến lén lút ra ngoài đón trả khách”, ông Sơn cho hay.
Tại TP HCM, ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, tại bến trước kia bình quân một ngày có khoảng 1.500 lượt xe hoạt động nhưng đến nay chỉ còn dưới 1.000 xe. Một số nhà xe bỏ bến chạy ngoài như: Long Vân, HTX 2/9, Hoài An, 9 Lan, Hoàng Kim… Còn tại bến mới, từ khi chuyển về thì có HTX Thiên Phúc không vào bến hoạt động.
“Chỉ tính riêng tuyến TP HCM - Đà Lạt trước đây có khoảng 50 - 70 chuyến/ngày, đến nay chỉ còn khoảng trên 20 chuyến đăng ký, còn thực tế xe chạy trong bến chỉ khoảng 10 - 13 chuyến. Trong khi ở bên ngoài bến có hãng xe chạy tới cả 100 chuyến/ngày. Bến xe thu phí quản lý dịch vụ tuyến là 5.600 đồng/ghế/chuyến. Một xe 45 chỗ tương ứng số tiền phải nộp là 252.000 đồng. Một ngày bến bị thiệt hại riêng tuyến này khoảng 12,6 triệu đồng”, ông Chín nói.
Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây cũng cho biết, hiện có rất nhiều hãng xe lợi dụng hình thức chạy xe hợp đồng để chở khách bên ngoài mà không vào bến.
Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay mà chưa được xử lý. Điển hình với các tuyến miền Tây có xe Kim Hoàng, Thanh Thủy (Trà Vinh), Huệ Nghĩa (An Giang)… Những xe này tổ chức đón trả khách ngay tại các văn phòng ở các quận trung tâm như Q.11, 5, 6 mà không vào bến.
Lực lượng chức năng ở đâu, đã làm gì?
Nhan nhản nhà xe không vào bến, vô tư chờ khách quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Lê Tươi
Theo ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, sau khi Nghị định 10 có hiệu lực, lực lượng Thanh tra Sở đã tăng cường kiểm tra xử lý mạnh tay với xe hợp đồng trá hình hơn. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn gặp khó khăn, bởi khi vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ là các nhà xe lại cố tình vi phạm.
“Tại một số bến xe, dù đã lắp đặt hệ thống camera, song nếu xe khách cố tình chạy chậm để bắt khách, lực lượng TTGT cũng khó xử lý”, ông Hiệp nói và cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các quy định, khắc phục các tồn tại, hạn chế việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm các quy định trong hoạt động vận tải.
Tại TP HCM, đại diện TTGT thành phố cho biết, trong năm 2020, đã phát hiện và lập biên bản 2.234 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt gần 3,5 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã phát hiện và lập biên bản 449 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt gần 600 triệu đồng. “Hướng xử lý thời gian tới, cần xác định lại nguyên nhân vì sao xe bỏ bến, như mức phí, dịch vụ, tâm lý hành khách… từ đó mới có giải pháp để xử lý dứt điểm”, vị này nói.
Liên quan đến việc xử lý của CSGT, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội (quản lý địa bàn có bến xe Mỹ Đình) cho biết, đội có riêng một kế hoạch xuyên suốt tăng cường kiểm tra xử lý đối với những ô tô khách đỗ dừng đón, trả khách sai quy định, mở cửa khi xe đang chạy, chạy “rùa bò” để vợt khách.
Ngoài việc tuần tra công khai, CSGT còn hóa trang, dùng camera được cấp để ghi lại hình ảnh vi phạm phục vụ việc xử lý. Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội đã xử lý 20 trường hợp xe khách chạy dưới tốc độ tối thiểu.
“Tuy nhiên, việc xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn, do lượng phương tiện đông, các nhà xe giở rất nhiều chiêu trò để đối phó, chẳng hạn như thông báo cho nhau để trốn tránh CSGT”, Thiếu tá Chiến nói.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội (quản lý địa bàn có bến xe Giáp Bát) cũng cho biết, từ ngày 1/1/2021 đến nay, đội đã lập biên bản xử lý 113 trường hợp ô tô khách vi phạm các lỗi như đỗ dừng sai quy định, mở cửa khi xe đang chạy… Tuy vậy, do lực lượng mỏng và còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nên không phải lúc nào các vi phạm cũng được phát hiện và xử lý kịp thời.
Tăng cường TTKS, gắn trách nhiệm lãnh đạo
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với TTGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm phương tiện vận tải khách vi phạm; chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường phối hợp với lực lượng TTGT và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để hình thành tụ điểm “bến cóc” trên địa bàn quản lý.
Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải; yêu cầu TTGT xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm theo các khu vực, tuyến đường, địa điểm đã rà soát; gắn trách nhiệm của lãnh đạo Thanh tra Sở và Đội trưởng Đội TTGT có liên quan trong quá trình thực thi công vụ.
Nhiều bến xe ở Hà Tĩnh rơi vào thảm cảnh
Khung cảnh vắng lặng, đìu hiu tại bến xe Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Ngày 15/3, PV Báo Giao thông có mặt tại bến xe Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Đập vào mắt PV là khung cảnh đìu hiu, vắng lặng. Cả bến xe rộng hơn 10.000m2 không một chiếc xe, không một bóng người, chỉ có cỏ dại là mọc um tùm. Nhà điều hành cũng đã xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, chỉ duy nhất 1 nữ nhân viên điều hành bến kiêm vệ sinh và bảo vệ.
Nhân viên đó chính là bà Hồ Thị Lành (46 tuổi), bà Lành cười chua xót: “Bến xe được đầu tư xây dựng vào năm 2010 với số vốn 8 tỉ đồng trên khu đất rộng 15.000m2 tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh. Mục tiêu sẽ đón hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày, vì nằm ở vị trí khá đắc địa”.
Thời gian đầu có hơn 30 đầu xe đăng ký hoạt động tại bến. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, nhiều xe ngừng hoạt động. Sau đó, bến xe Hà Tĩnh (ở TP Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, một số nhà xe chuyển vào bến trung tâm. Rồi xe buýt hoạt động, phủ kín khắp vùng và sang tận cả Nghệ An nên thêm nhiều xe nội tỉnh và ngoại tỉnh ngừng hoạt động, đến nay chỉ còn 7 đầu xe.
Cũng theo bà Lành, dù gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19, 7 xe hoạt động đều vào bến đóng dấu, chưa phát hiện xe bỏ bến chạy dù. Tuy nhiên, cả 7 xe này chủ yếu đóng ở địa bàn Nghi Xuân và Hồng Lĩnh nên bình thường các xe đều về nhà, đến giờ mới vào bến đóng lệnh. “Thật ra, 7 xe vào bến Hồng Lĩnh chỉ nộp phí trên dưới 300 nghìn đồng nên không xe nào bỏ bến. Tuy nhiên, tôi được biết, ở các bến lớn, phí cao thì có tình trạng xe bỏ bến chạy dù”, bà Lành nói.
Bến xe Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng chung cảnh đìu hiu, vắng lặng dù vị trí cũng đắc địa không kém - mặt tiền QL8A. Ông Trần Hoàng Hải, Trưởng bến xe Đức Thọ cho biết, hiện bến cũng chỉ có 7 đầu xe đăng ký hoạt động và chưa ghi nhận xe nào bỏ bến. “Các xe chủ yếu đóng trên địa bàn nên bình thường họ để xe ở nhà, chỉ đến giờ mới vào bến làm thủ tục xuất bến”, ông Hải nói.
Được đầu tư với tổng mức trên 110 tỷ đồng, trên diện tích 20.000m2 ở vị trí đắc địa của TP Hà Tĩnh, song những năm gần đây, bến xe Hà Tĩnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, một phần là do xe khách bỏ bến chạy dù.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc bến xe Hà Tĩnh cho biết, riêng tuyến nội tỉnh có hơn 40 nhà xe đăng ký thì hiện chỉ lác đác một vài xe vào bến. Với xe ngoại tỉnh cũng có hơn 10 nhà xe bỏ bến chạy dù, chủ yếu là tuyến Sài Gòn và Hà Nội.
Theo ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh, xe bỏ bến chạy dù là vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề để có thể đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải khách.
“Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải phải dừng hoạt động, giải thể. Những doanh nghiệp còn lại thì hoạt động cầm chừng, thoi thóp bên bờ vực thẳm. Trong điều kiện như vậy, nhưng các bến xe vẫn thu phí như trước đây. Nếu xe chạy có khách thì doanh nghiệp còn dễ xoay xở, nếu không thì họ rất khó khăn”, ông Toản nói.
Sỹ Hòa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận