Thời sự

Những "bóng hồng" trên công trường giao thông

20/10/2014, 06:50

Trên các công trình giao thông hiện đại đang được xây dựng khắp mọi miền đất nước, có không ít "bóng hồng" của ngành GTVT.

bóng hồng

Chị Phạm Thị Thanh Hà Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 512 tặng quà cho công nhân trên công trường

Đứng đầu doanh nghiệp xây lắp lớn

Đóng quân tại vùng nắng gió miền Trung, hơn chục năm nay đảm nhiệm vị trí nữ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Xây dựng công trình 512, chị Phạm Thị Thanh Hà khiến nhiều người nể phục. Đầu năm 2001, Công ty 512 chính thức trở thành CTCP hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Điểm mốc này đã mở ra một chặng đường phát triển mới đối với công ty nhưng cũng xuất hiện những khó khăn và thách thức. Đó là: Lao động dôi dư về lượng nhưng lại thiếu về chất, công nghệ thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, nguồn vốn hạn hẹp, ngành Xây xựng cạnh tranh quyết liệt...

Để vượt qua những khó khăn, thách thức nói trên, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Phạm Thị Thanh Hà cùng tập thể ban lãnh đạo Công ty 512 đã huy động các nguồn lực trong đơn vị, thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn bằng uy tín của mình, bằng các kế hoạch phát triển và lộ trình trả nợ có tính thực tế được xây dựng vững chắc.

Song hành với các giải pháp về tài chính, chị Hà khẳng định tuyệt đối không hợp tác với những đối tác năng lực yếu, từ chối không nhận các công trình không có vốn rõ ràng. Từ những giải pháp và quyết sách này, công ty đã vượt qua khó khăn, trở thành một thương hiệu có uy tín trên thương trường. Đến thời điểm này, công ty không nợ lương, bảo hiểm người lao động và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với Nhà nước.

“Đã nhận trách nhiệm đứng đầu một doanh nghiệp, phải lo sao cho đủ công ăn việc làm, đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình để giữ uy tín với chủ đầu tư, các nghĩa vụ với Nhà nước. Nếu không vượt qua được, sẽ bị thị trường đào thải, chứ đâu có nghĩ mình là nam hay nữ”, chị Hà tâm sự.

8X chủ nhiệm dự án nhiều công trình cầu lớn

Chị Vũ Thị Ngọc Anh (SN 1983) đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm dự án nhiều công trình cầu lớn tại CTCP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm, một trong những công ty tư vấn hàng đầu của Bộ GTVT. Vai trò chủ nhiệm dự án đòi hỏi một kỹ sư tư vấn phải có kinh nghiệm khoảng 10 năm công tác, có năng lực chuyên môn cao, khả năng quán xuyến nhiều nội dung công việc. Ngay nam giới cũng không có nhiều người đủ khả năng đảm nhiệm được vị trí này.

Chị
Chị Vũ Thị Ngọc Anh, Chủ nhiệm dự án nhiều công trình cầu lớn tại CTCP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm

Phụ nữ theo đuổi nghề tư vấn thiết kế công trình giao thông không nhiều. Ngay tại công ty của chị Ngọc Anh, trong số hơn 100 kỹ sư thiết kế, chỉ có gần chục nữ kỹ sư. “Em vừa ra trường là lấy chồng, sinh cháu đầu lòng, rồi vừa đi làm vừa học tiếp lên cao học. Năm cuối cao học lại chuẩn bị sinh cháu thứ hai. “Công việc lúc đầu chưa được lãnh đạo tin tưởng giao cho ngay đâu, vì thấy mình ít tuổi, là nữ, lại con mọn. Tâm lý lãnh đạo với các công việc đòi hỏi gấp gáp cả tiến độ và chất lượng, nên nhiều khi ngại giao cho phụ nữ”, Ngọc Anh tâm sự.

Biết được điều này nên Ngọc Anh luôn cố gắng việc gì được giao đều làm thật nhanh, thật chính xác, cẩn thận. “Các anh nam giới có thể ngồi ở cơ quan làm đến 22-23h. Tôi chỉ ngồi được đến 19-20h thôi vì còn phải lo cho gia đình, con cái. Những việc gì cần phải có máy móc thiết bị thì tôi làm tại văn phòng, còn đâu mang về nhà. Lo cho con ăn, ngủ xong, 11-12h đêm lại mang tài liệu ra làm, có khi đến 2-3h sáng. Mỗi lần đi công trường lại phải thu xếp việc nhà từ vài ngày trước, khá vất vả nhưng cũng quen dần”, Ngọc Anh nói.

Làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, chắc chuyên môn, thông thạo tiếng Anh, từ năm 2007 đến nay Ngọc Anh đã tham gia thiết kế trên 20 công trình cầu lớn, đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm dự án nhiều công trình như: Chủ trì thiết kế cầu Lệ Uyên (tỉnh Phú Yên) thuộc dự án tín dụng ngành GTVT cải tạo mạng lưới đường quốc gia, Chủ trì tính toán Hạng mục cầu vượt nút giao Vũng Tàu - Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai, Chủ trì thiết kế Dự án Đầu tư xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức (TP HCM), Kỹ sư thiết kế cầu Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện (Hợp phần cầu và đường)...

Nữ “Phó cảnh sát trưởng”

Vai trò nhiều thách thức này được Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho chị Lã Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, từ tháng 6 vừa qua. Chị Hạnh là một phụ nữ mảnh dẻ, có đôi mắt sáng, trông trẻ hơn tuổi ngoài 40. Gặp chị vào một buổi chiều muộn tại văn phòng Cục, lúc đã kết thúc ngày làm việc, chị nói rất vui: “Chị còn một ca làm việc bốn tiếng nữa. Gần hai tháng nay chưa được nghỉ ngày cuối tuần. Cuối tuần là đi công trường. Lãnh đạo Bộ đi mình cũng phải đi. Ngoài ra, do công tác yêu cầu phải phối hợp với các Cục chuyên ngành, mình phải tự tổ chức đi trong tuần để giải quyết công việc”.

Chị
Chị Lã Hồng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT

Chị Hạnh chọn nghề theo truyền thống của gia đình. Cha chị là TS. Lã Nội, Phó Tổng giám đốc TEDI trước đây, vốn là kỹ sư tư vấn công trình đường thủy có tiếng của ngành. Chị theo nghề cha, học Đại học Xây dựng. Ra trường, 12 năm công tác tại TEDI, chị là một trong số ít phụ nữ ở đây đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm đồ án, Chủ nhiệm tổng thể hàng chục công trình đường thủy có tính chất kỹ thuật phức tạp.

Nữ “Phó cảnh sát trưởng” tâm sự: “Nhiệm vụ đòi hỏi mình phải rất mạnh mẽ. Đi công trường thường xuyên mình cũng phải đi được. Khi phát biểu dù không ăn to nói lớn được như nam giới nhưng cũng phải thể hiện được sự quyết liệt trong lời nói và hành động”.

Phương Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.