Bình luận

Những "cái phao" ở V-League và hệ lụy khôn lường

01/12/2020, 13:00

V-League vốn tồn tại chuyện “ném phao” để cứu trợ lẫn nhau nhưng để giải quyết việc này lại không dễ.

img
Kebe được Hà Nội FC tăng cường cho Quảng Nam

Trong buổi gặp báo chí mới đây, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF nhận được câu hỏi khá gai góc của phóng viên với nội dung như sau: “V-League vốn tồn tại chuyện các đội bóng chuyển nhượng cầu thủ để giải cứu lẫn sau, điều này làm xấu hình ảnh giải. Vậy VPF có biện pháp gì để ngăn chặn điều này?”.

Ông Tú cho hay, chuyển nhượng giữa các CLB là hoạt động bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. Các đội bóng chuyển nhượng đúng thời điểm, hợp pháp thì không thể cấm họ. Bản thân các CLB cần phải tự ý thức về việc giữ gìn hình ảnh chứ cái này VPF khó can thiệp.

Không khó để đoán định, câu hỏi của phóng viên nọ nhắm vào trường hợp CLB Than Quảng Ninh cho CLB Hải Phòng mượn 2 trụ cột ở giai đoạn 2 V-League 2020. Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú sau đó góp công lớn giúp đội bóng đất Cảng trụ hạng.

Hay như Hà Nội FC từng tăng cường Hoàng Vũ Samson, Kebe cho Quảng Nam để đua trụ hạng. Mùa trước, Samson đã làm rất tốt, giúp đội bóng xứ Quảng ở lại V-League. Tuy nhiên, mùa này Kebe không thể “cứu” Quảng Nam.

Về góc độ pháp lý, Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, Hải Phòng hay Quảng Nam không hề sai. Nhưng động thái của họ vô tình làm ảnh hưởng tới cục diện giải đấu, thiếu công bằng với một số đội bóng khác.

Như ông Tú nói, VPF không thể can thiệp mà bản thân các CLB cần giữ gìn hình ảnh của mình. CLB Than Quảng Ninh đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của CĐV sau khi đẩy Hồng Quân, Xuân Tú sang Hải Phòng.

Cũng cần nhấn mạnh, tại sao các CLB V-League lại không đặt việc xây dựng hình ảnh lên hàng đầu. Đơn giản, hình ảnh chưa giúp họ thu lại nhiều lợi ích trước mắt.

Còn việc giúp đỡ lẫn nhau thì khác, nay ta giúp bạn, mai bạn giúp ta, không ai nắm tay được cả ngày. Chính tâm lý này khiến bóng đá Việt Nam trở nên rối ren, đôi khi còn tạo cho người xem cảm giác không thật.

V-League đã tiến lên chuyên nghiệp được 20 năm nhưng thứ bóng đá tình cảm vẫn tồn tại, chi phối. Thật khó để nắm bắt được hiện nay ở giải đấu số 1 Việt Nam có bao nhiêu liên minh bởi các mối quan hệ chằng chịt, đan xen lẫn nhau.

Nói vậy không có nghĩa các đội bóng nước ngoài mạnh ai nấy lo. Họ vẫn có mối quan hệ với các đội bóng khác nhưng họ biết tách bạch tình cảm và chuyên môn. Quan trọng hơn, hình ảnh của họ đáng giá triệu đô.

Nhưng các CLB V-League cũng chẳng thể vin vào việc này để bao biện cho hành động “ném phao” của mình. Bởi lẽ, nếu cứ giữ nếp làm việc như vậy, chúng ta còn lâu mới thực sự chuyên nghiệp. Mà không chuyên nghiệp thì rất khó để kiếm tiền từ bóng đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.