Tối 28/5, thông tin từ Bộ Công an, Vụ 3 thuộc Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) và 13 người khác trong vụ vi phạm quy định đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Trong các bị can, bà Nhàn cùng 3 người khác đã bỏ trốn gồm: Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Đăng Tấn (Trưởng đại diện AIC tại TP.HCM) và Đỗ Vân Trường (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha).
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định, VKS yêu cầu 4 bị can nêu trên đến cơ quan công an hoặc VKS nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
"Nếu tiếp tục bỏ trốn, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao coi đó là từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật", Bộ Công an dẫn cáo trạng.
Cũng theo cơ quan tố tụng, trước khi bỏ trốn, bà Nhàn đăng ký thường trú và có nơi ở tại căn hộ trong chung cư Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nữ bị can này không có chồng và có 2 con.
Đây là vụ án thứ 3 mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cơ quan tố tụng truy tố để đưa ra xét xử. Năm 2023, bà Nhàn bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 30 năm tù do liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Đầu năm 2024, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án thông thầu tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và tuyên phạt Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn thêm 10 năm tù.
Cuối tháng 12/2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố do vi phạm quy định về đấu thầu trong vụ án vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, VKS cáo buộc, năm 2014, biết trung tâm này được duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với tổng trị giá 425 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp cận, làm quen và đề nghị ông Dương Hoa Xô (giám đốc trung tâm) tạo điều kiện cho doanh nghiệp này dự thầu và trúng thầu.
Sau khi ông Xô "gật đầu", Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với bị can Xô cho AIC xây dựng lại danh mục thiết bị, đảm bảo sao cho lợi nhuận của công ty này ở mức 40% giá trị mỗi gói thầu trong khi giá thực tế của thiết bị khoảng 60% giá trị gói thầu.
Quá trình thực hiện, các bị can thông đồng với Công ty Tư vấn Hồng Hà và công ty khác do AIC chỉ định, lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho Công ty AIC. Nhờ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) đã trúng 6 gói thầu, còn các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.
Như vậy, các bị can đã có hành vi thông thầu, nâng giá trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 33 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận