Thượng tướng Võ Trọng Việt |
Báo Giao thông có cuộc trao đổi riêng với Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) để làm rõ một số vấn đề lớn trong Dự án luật này.
Những vấn đề mấu chốt còn nhiều ý kiến khác nhau
Đại diện cơ quan thẩm tra Luật CAND sửa đổi, ông có thể khái quát một số vấn đề đáng lưu ý trong Luật được trình ra Quốc hội lần này?
Luật CAND sửa đổi lần này về mặt chức năng nhiệm vụ cơ bản như cũ, chỉ có điều thay đổi, điều chỉnh về mô hình tổ chức và một số cơ chế, chính sách cho lực lượng CAND.
Mô hình tổ chức của lực lượng CAND thu gọn lại theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7. Đây là Bộ đi đầu trong cuộc cách mạng về tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và thực hiện chủ trương “Bộ mạnh, tỉnh tinh, huyện toàn diện, xã sát cơ sở”. Đó là chủ trương phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và tình hình thực tiễn hiện nay.
Lần này cơ quan thẩm tra đang tiến hành thẩm tra bước đầu để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Về chức năng nhiệm vụ của lực lượng CAND không những giữ vững, duy trì mà có mặt phức tạp và nặng nề hơn, cho nên phải có hành lang pháp lý đảm bảo cho lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó là đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị của đất nước.
Còn mô hình tổ chức của lực lượng CAND đang đặt ra mấy vấn đề lớn.
Thứ nhất, hệ thống chức danh có trần quân hàm tướng hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất muốn giữ nguyên Luật CAND năm 2014, quy định cụ thể chức danh trần quân hàm tướng vào trong Luật. Nếu theo phương án này thì rõ ràng, minh bạch, công khai nên việc thực thi, giám sát thực hiện Luật tốt hơn. Nhưng nhược điểm là quy định cứng nên khi thay đổi mô hình tổ chức thì không linh hoạt được. Đó là vấn đề hết sức cân nhắc.
Ý kiến thứ hai như dự thảo Luật sửa đổi đang trình, tức là chỉ cho nguyên tắc cơ bản, còn Chính phủ và Thường vụ Quốc hội quy định chức danh trần quân hàm cấp tướng. Làm thế này đảm bảo linh hoạt hơn và dễ thực hiện khi mô hình tổ chức thay đổi thì không phải sửa Luật.
Cái này đang rất cần Quốc hội phân tích, đánh giá và cho ý kiến để có cơ sở khẳng định nên đi theo hướng nào.
Thứ hai là bổ sung quy định cơ quan Cục đặc biệt. Cục đặc biệt này là cần thiết vì khi mô hình tổ chức sáp nhập từ nhiều Cục thành 1 Cục, nhiều đầu mối thành 1 đầu mối khi đó, chức năng nhiệm vụ rất quan trọng và rất phức tạp nên cần xác định đó là Cục đặc biệt. Cục đặc biệt thì cần quân hàm cao hơn một bậc so với các chức danh bình thường, cái đó là phù hợp và cần thiết.
Nhưng vấn đề là Cục đặc biệt nếu để Thủ tướng bổ nhiệm thì trái với Hiến pháp và phân cấp trong Luật tổ chức Chính phủ.
Phương án khác cho rằng Cục đặc biệt phải do Thủ tướng bổ nhiệm vì đây là những Cục quan trọng, phức tạp, nắm giữ những vấn đề liên quan đến quốc gia, việc Thủ tướng bổ nhiệm một số Cục trong Cục đặc biệt là hợp lý.
Vấn đề thứ ba đáng chú ý là Giám đốc Công an cấp tỉnh có được phong tướng hay không? Hiện đang có 3 loại ý kiến.
Ý kiến thức nhất không đồng tình và cho rằng việc này phải tương đương với cơ quan quân sự cùng cấp ở địa phương.
Ý kiến thứ hai lo ngại nếu quy định như vậy sẽ làm tăng số lượng tướng.
Ý kiến thứ ba đồng ý như dự thảo và cho rằng nên phong tướng cho Giám đốc Công an ở những tỉnh loại 1, vì số lượng này không nhiều, những tỉnh này vừa là tỉnh phát triển kinh tế xã hội vừa phức tạp về an ninh quốc phòng nên cần phải phong quân hàm Giám đốc Công an ở đó.
Khi thảo luận ở Uỷ ban Quốc phòng an ninh thì còn có một số ý kiến nêu ra đề nghị phong tất cả các tỉnh thành.
Hiện nay đang còn có những ý kiến ngược chiều, chúng tôi đã tập hợp đầy đủ để trình Quốc hội thảo luận, khi Quốc hội thảo luận rồi chúng tôi sẽ tổng hợp lại và sẽ có bước thẩm tra trình TVQH cho chủ trương, lựa chọn trong mấy phương án mà cơ quan thẩm tra cho ý kiến.
Còn các vấn đề khác về cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý Nhà nước thì không có vấn đề gì lớn.
Như ông nói, nếu quy định số lượng cấp tướng và trần quân hàm cấp tướng trong luật thì công khai, minh bạch và giám sát tốt. Còn nếu không quy định trong Luật để linh hoạt hơn thì lại lo ngại sẽ có tình trạng chạy chọt để được phong tướng?
Linh hoạt ở đây có ràng buộc. Thứ nhất, Luật căn cứ vào tiêu chí cơ bản, còn quy đinh định từng chức danh thì một là Thường vụ Quốc hội quy định, hai là Thủ tướng quy định. Hai cấp ấy sẽ rà soát chứ không phải muốn tuỳ tiện, chạy ngược, chạy xuôi được. Như vậy vẫn đảm bảo được công khai, minh bạch.
Bộ Công an là đơn vị đi đầu trong tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết T.Ư |
Tinh gọn bộ máy, phải chia sẻ với anh em
Bộ Chính trị nêu rõ cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng quân hàm cấp tướng CAND ngay trong Luật; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng. Nhưng dự thảo lần này lại quy định theo hướng ngược lại. Việc này có mâu thuẫn?
Thực ra bối cảnh lịch sử xây dựng Luật CAND thời điểm năm 2014 là một bối cảnh khác, còn bây giờ là công an đã thay đổi cơ bản về mô hình tổ chức chứ không còn mô hình tổ chức như năm 2014.
Trước đây, Bộ Chính trị cho chủ trương rất rõ ràng, không lấy đặc thù địa bàn cấp tỉnh để làm tiêu chí xét cấp tướng, thế nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, quan điểm của Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã báo cáo Quốc hội và việc này phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Thứ nhất, xin ý kiến có nên đưa chức danh trần cấp tướng vào trong Luật hay chỉ để những vấn đề cơ quan rồi giao cho Chính phủ và Thường vụ Quốc hội quyết định.
Thứ hai, xác định trần Cục đặc biệt và thẩm quyền của Thủ tướng với Cục đặc biệt.
Thứ ba là có phong tướng cho Giám đốc Công an cấp tỉnh không.
Những cái này cần thảo luận kỹ, sau đó mới báo cáo cấp có thẩm quyền. Lộ trình làm rất đầy đủ và chặt chẽ theo quy định.
Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh sau khi được đưa ra TVQH bàn đã có nhiều ý kiến trái chiều. Bộ trưởng Công an tại Uỷ ban TVQH cho rằng việc này sẽ giải quyết được nhiều bất cập hiện tại. Ông nghĩ sao?
Cái này chờ ý kiến chung. Cơ quan thẩm tra mới chỉ đưa ra 3 phương án và chưa thiên về phương án nào.
Thực tế hiện có nhiều bất cập, kể cả trong quy hoạch và trong luân chuyển cán bộ. Ví dụ quy hoạch 1 ông nguồn Thứ trưởng ở cấp Cục có trần quân hàm cấp tướng, nhưng phải luân chuyển về cơ sở để có thực tiễn, mà về đó thì lại thành Đại tá.
Ở dưới mà quy hoạch phát triển lên trên, không có cấp trung gian mà từ tỉnh thẳng lên Bộ thì không bao giờ Thứ trưởng có Thượng tướng, vì Đại tá lên phải có thời gian tích luỹ, cứ 4 năm một cấp, như thế là cũng có cản trở, ách tắc.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt, mình cần mổ xẻ, phân tích để xem mặt nào là tối ưu nhất để lựa chọn, trình cấp có thẩm quyền xin ý kiến.
Đây là thảo luận lần đầu, còn kỳ thứ 2 mới thể hiện quan điểm. Giờ phải tôn trọng các ý kiến vì ngay ở cơ quan thẩm tra còn nhiều ý kiến khác nhau nên không thể kết luận nghiêng về bên nào cả. Phải chờ Quốc hội thảo luận và tổng hợp ý kiến.
Bộ Công an ra Đề án sắp xếp bộ máy, bỏ cấp trung gian. Luật có đề cập đến việc nếu thực hiện Đề án này thì sẽ bố trí những người dôi dư ở cấp Tổng cục ra sao không, thưa ông?
Theo mô hình mới phải chờ Nghị định của Chính phủ, căn cứ vào Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và tổ chức bộ máy của Bộ Công an thì Chính phủ ban hành Nghị định, lúc ấy mới xác định được số lượng Cục. Nhưng tinh thần là giảm rất mạnh mẽ, bởi phương châm là “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Việc phân bổ cán bộ dôi dư Bộ Chính trị ra chủ trương rồi, số người hết tuổi thì nghỉ hưu, người chờ nghỉ thì cho nghỉ, nếu còn tuổi công tác thì khi không còn Tổng cục phải xuống Cục thôi. Cái này phải rất chia sẻ với anh em vì họ thiệt thòi, phải hy sinh. Tổng số lượng tướng bao nhiêu cũng phải chờ Nghị định của Chính phủ.
Ông có hy vọng khi Luật này có hiệu lực sẽ giảm được tình trạng phong tướng quá nhiều như dư luận phản ánh vừa qua?
Phải ghi nhận lực lượng công an đi đầu trong cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm mạnh. Phải chia sẻ rằng họ đã chịu sự hy sinh, thiệt thòi, bởi nếu còn cấp tổng cục, có người đường đường chính chính hoành tráng là thế mà khi gộp lại không còn được thế. Bởi vậy mới nói đây là một cuộc cách mạng. Bởi tỷ lệ đầu mối và tỷ lệ tướng phải tỷ lệ thuận, đầu mối tăng thì tướng tăng, đầu mối giảm thì tướng giảm chứ không đi ngược lại được.
Tôi tin chắc, bộ luật này ra đời sẽ tạo được hành lang pháp lý cho lực lượng công an, tạo ra bước chuyển mình cả về số lượng, chất lượng đối với ngành công an, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Thưa ông, quy định lại hàm cấp tướng tức là cũng sẽ làm thay đổi chính sách tiền lương, bởi trong lực lượng CAND hiện nay thì lương đang theo quân hàm?
Cấp trung gian ở bên ngoài dân sự, người ta tính bằng hệ số lương thì dễ hơn. Còn quân đội với công an lương đi theo quân hàm, không phải lương theo chức vụ nên “khó xử”.
Nhưng bây giờ, Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa Hội nghị T.Ư thông qua sẽ giải quyết được mâu thuẫn này. Khi đó sẽ không có chuyện ông Bí thư tỉnh uỷ lương thấp hơn Chánh văn phòng, hay trong quân đội ông Tổng cục phó không thể lương tương đương như Cục trưởng hàm trung tướng. Trong quân đội, công an thì trợ lý cũng Đại tá, cán bộ phòng cũng Đại tá, cán bộ Cục cũng Đại tá, hưởng lương đồng đều nhau như vậy thì không tạo sự cạnh tranh. Tôi làm lãnh đạo, chỉ huy thì lương phải cao hơn anh em chứ.
Thí điểm chính quy công an xã ở các địa bàn trọng điểm
Một điểm khác đáng lưu ý trong Luật CAND sửa đổi là việc chính quy lực lượng công an xã. Nhưng các phương án đưa ra cho rằng nên thí điểm ở một số địa bàn trọng điểm, phức tạp. Vì sao chúng ta không thực hiện đồng bộ được, thưa ông?
Xây dựng lực luông công an chính quy đã được quy định trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Công an xã là nơi tiếp nhận đầy đủ mọi thông tin tội phạm mà không được đào tạo cơ bản, chính quy thì khó làm việc.
Công an xã hiện nay là bán chuyên trách, không bài bản nên rất khó làm việc. Mà ở dưới khó đẩy lên trên thì càng phức tạp.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rõ trước mắt nên làm ở những xã trọng điểm. Khi hoàn thiện pháp luật thì triển khai đồng bộ. Cái này phải có lộ trình.
Trước mắt, lực lượng công an cũng đã có kế hoạch đưa số thừa của tỉnh xuống huyện, của huyện, tỉnh xuống xã và thí điểm ở một số nơi trọng điểm, còn công an ở xã bố trí sang lực lượng khác cho khép kín. Tôi cho rằng như vậy là chặt chẽ rồi.
Nhưng điều chuyển công an tỉnh, huyện về xã liệu họ có tâm tư gì không?
Lực lượng vũ trang thì đã giao việc gì thì làm đấy. Chính sách của họ vẫn không ảnh hưởng gì, họ vẫn là lực lượng công an chính quy, chỉ là điều đi chỗ khác thôi. Lực lượng công an hay quân đội khác dân sự ở chỗ đã giao là thực hiện, phải chấp hành mệnh lệnh.
Xin cảm ơn Thượng tướng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận