6 tập thể và cá nhân xuất sắc ngành GTVT vừa được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XI do Tổng Liên đoàn LĐVN và Ban thi đua khen thưởng T.Ư tổ chức. Vượt khó - thành công chính là hình ảnh của ngành GTVT trong nỗ lực chung của cả nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao Kỷ niệm chương cho ông Lại Văn Quán |
Những doanh nghiệp vượt khó
Chủ đề “Đột phá - thành công” năm nay của chương trình “Vinh quang Việt Nam” càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều cá nhân và tập thể đã dám nghĩ, dám làm, chấp nhận khó khăn vươn lên, lao động, cống hiến.
Đặc biệt, trong lĩnh vực GD&ĐT, chỉ chọn một tập thể và vinh dự đó thuộc về ngành GTVT với Trường Đại học GTVT được vinh danh. 5 năm qua, nhà trường chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tính liên thông giữa các ngành, các bậc đào tạo. Trường đã biên soạn lại khung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các học phần, rút ngắn thời gian đào tạo đại học xuống còn từ 4 - 4,5 năm và đào tạo thạc sỹ còn 1,5 năm.
PGS.TS. Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, quan trọng nhất là quyết tâm đột phá để đổi mới, đổi mới là nhu cầu tự thân, để vươn lên hội nhập. Không đổi mới vươn lên có nghĩa là thụt lùi. Điều này có thể thấy rõ qua hàng trăm nghiên cứu khoa học và chất lượng tốt của sinh viên được đào tạo.
Ở lĩnh vực công nghiệp nặng, trong bối cảnh ảm đạm của vận tải biển và cơ khí đóng tàu, chúng ta lại được chứng kiến CT CP Đóng tàu Sông Cấm liên tục vươn lên với danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” khẳng định được với khách hàng truyền thống Damen (Hà Lan) từ năm 2002 đến nay. Mỗi năm Công ty hoàn thành đóng mới từ 25 đến 30 tàu đặc chủng là tàu kéo, tàu đẩy, tàu công trình có giá trị kinh tế, kỹ thuật cao để xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Cuối năm 2013, CT CP Đóng tàu Sông Cấm đã tiếp nhận thêm toàn bộ cơ sở vật chất và người lao động của Công ty Công nghiệp tàu thủy Bến Kiền, nâng tổng số lao động lên 1.500 người. Sau khi sáp nhập, Sông Cấm tiếp tục đưa Bến Kiền từ chỗ thu nhập của người lao động bấp bênh, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng bỏ không, máy móc hư hỏng, tài chính mất cân đối… trở thành một chi nhánh năng động.
Theo ông Phạm Mạnh Hà - Tổng Giám đốc CTCP Đóng tàu Sông Cấm, từ khi chuyển sang mô hình cổ phần, liên doanh với đối tác Hà Lan - Damen, Sông Cấm phát triển ngày càng vững vàng. Năm 2010, giá trị sản lượng của Sông Cấm chỉ hơn 814 tỷ đồng, nhưng sang năm 2011, con số này đã là 1.004 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị sản lượng của công ty đạt là 1.550 tỷ đồng, tăng 32,3%. Hai năm 2014 - 2015, công ty cũng dự kiến đạt giá trị sản lượng tương ứng 1.900 và 2.180 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, ngành GTVT được chứng kiến Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đơn vị tư vấn thiết kế lâu năm nhất, lớn nhất toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn của thị trường tư vấn XDCB, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong ứng dụng KHCN. TEDI cũng vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động.
Công nghệ thiết kế xây dựng cầu lớn của TEDI đã đạt đến trình độ tiên tiến với cầu dây văng Rạch Miễu khẩu độ nhịp lớn 270m, cầu Hàm Luông có nhịp đúc hẫng tới 150m, cầu Pá Uôn có trụ cao tới gần 100m, cầu Vĩnh Tuy với chuỗi nhịp dầm hộp liên tục đúc hẫng dài 990m. Các công nghệ thiết kế và thi công hầm tiên tiến theo phương pháp NATM của Áo đã được áp dụng cho hầm Hải Vân, hầm Đèo Ngang, hầm đường bộ tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, các hệ thống tuynel kỹ thuật, hầm đi bộ trong các công trình giao thông đô thị. Thiết kế đường bộ đã được tự động hóa với nhiều phần mềm hiện đại và ứng dụng thành công các công nghệ mới như: Thiết kế xử lý nền đất yếu, thiết kế thi công mặt đường bê tông nhựa và bê tông xi măng, bê tông tạo nhám để làm các đường cấp cao.
Liên tục những năm gần đây, TEDI có giá trị sản lượng tăng bình quân 16%, doanh thu tăng 22%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 22%/năm, tổng giá trị tài sản tăng bình quân 19%/năm.
Và những cá nhân anh hùng
Cũng tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam”, nhiều gương lao động giỏi, đại diện cho người lao động ngành GTVT vượt qua khó khăn, phấn đấu đi lên đã được vinh danh.
Ông Thái Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm bảo dưỡng thiết bị Hà Nội - Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay - đã có nhiều sáng kiến chế tạo các thiết bị phục vụ kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị máy bay, giúp tiến hành bảo dưỡng tại chỗ, tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí mua sắm và sửa chữa ở nước ngoài.
Ngành GTVT năm nay có tới 3 tập thể và 3 cá nhân trên tổng số 11 tập thể và 19 cá nhân của cả nước được Tổng Liên đoàn LĐVN và Ban thi đua khen thưởng T.Ư lựa chọn là những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, vinh danh trong chương trình “Vinh quang VN” lần thứ XI”. Ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT VN |
Ông Sơn chia sẻ, hàng không là một ngành đòi hỏi tính khắt khe cao nhưng rất thú vị. An toàn bay là điều kiện tối thượng cần đảm bảo 100%, các nhà sản xuất cung cấp thiết bị cũng luôn có những ràng buộc khiến mình phải phụ thuộc vào họ, song với những người ham tìm tòi, vẫn còn rất nhiều đất cho mình “diễn”.
Một gương sáng trong lĩnh vực hàng hải là anh Nguyễn Đình Khang, người có tới 37 năm gắn bó với công việc tại cảng Hải Phòng cũng là một điển hình tiên tiến của ngành GTVT. Số sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất mà anh Khang được Hội đồng sáng kiến cảng Hải Phòng công nhận, đưa vào áp dụng (như chế tạo bộ đệm lót cẩu ống thép quá khổ quá tải; Hoán cải phễu đóng gói hàng bao 50kg sang đóng gói bịch 1 tấn…) cũng tương ứng với số năm công tác của anh. Ở vị trí trực ban trưởng chỉ đạo sản xuất trực tiếp trong dây chuyền xếp dỡ cảng Hải Phòng, anh Khang tâm sự rất giản dị: “Không có gì to tát trong những sáng kiến đó cả. Tôi chỉ bám sát sản xuất, có khó khăn thì mình tìm tòi cải tiến để giải quyết cho công việc trôi chảy”.
Một cá nhân tiêu biểu nữa của ngành GTVT không thể không nhắc đến là ông Lại Văn Quán - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình 6, Tổng công ty Đường sắt VN. Là người đứng đầu một doanh nghiệp khá lớn và lâu năm của ngành Đường sắt trong lúc cạnh tranh gay gắt, thị trường liên tục suy yếu, ông Quán tâm niệm: “Toàn bộ tâm sức của tôi đơn giản chỉ là cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình là lo đời sống việc làm cho công nhân, lo giữ được truyền thống đơn vị”.
Giản dị như vậy, song mấy năm qua ông Quán không những đưa Công ty Công trình 6 phát triển mạnh mẽ, đời sống việc làm CBCNV được đảm bảo ở mức cao nhất, nhì ngành Đường sắt, mà còn “gánh” thêm những đơn vị yếu kém trong ngành như: Sáp nhập và vực dậy CTCP Đá Phủ Lý, tổ chức lại đơn vị này, đưa lợi nhuận tăng gấp 3 lần, thu nhập người lao động tăng gấp 4 lần trước đó; Đảm nhiệm kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ khí đường sắt, giúp công ty này ổn định nội bộ, tập trung phát triển sản xuất...
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận