Hàng nghìn bài báo đã đưa thông tin về vụ án Năm Cam |
Không chỉ đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đề cao tính chiến đấu, dũng cảm đấu tranh trực diện với tiêu cực, tham nhũng, báo chí đã góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, vào quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Không phải đến bây giờ, mà ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, nhiều bài báo chống tham nhũng đã gây chấn động dư luận, khiến nhiều quan chức cấp cao “ngã ngựa”.
Phát súng mở màn rúng động
Năm 1987, trên báo Quân đội Nhân dân xuất hiện bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí T.D” đã gây chấn động dư luận. Ông T.D lúc đó là Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, hàm ngang Bộ trưởng. Theo bài báo nêu thì ông T.D với cương vị là Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, đã lạm dụng chức quyền và ảnh hưởng của mình để chiếm dụng quá tiêu chuẩn diện tích nhà ở, gây tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng ở cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước.
Tuy nhiên, ở thời kỳ đó, việc báo chí động đến một vị lãnh đạo hàm Bộ trưởng được xem là chuyện động trời.
Theo đánh giá của dư luận lúc đó, bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí T.D” là một sự kiện chưa từng có của báo Quân đội Nhân dân. Bài báo sau đó đã được Hội Nhà báo xếp giải A, trao phần thưởng và bằng khen về tác phẩm chống tiêu cực đạt hiệu quả cao. Người viết bài báo trên là nhà báo, Thượng tá Trần Đình Bá, PV Báo Quân đội Nhân dân từ 1976 - 2002. Bài báo gây rúng động dư luận khi đó và được ví như một phát súng mở màn cho những trận đánh chống tham nhũng của báo chí trong công cuộc đổi mới.
Vào thời điểm bài báo xuất hiện trước công luận, ông T.D còn là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khoá VIII. Theo nhà báo Trần Đình Bá, sau đó, Ban Nội chính T.Ư và Ủy ban kiểm tra T.Ư được triệu tập để báo cáo với Ban Bí thư về kết quả kiểm tra đơn thư tố cáo ông T.D. Các báo cáo này đều khẳng định việc ông T.D sử dụng quá nhiều diện tích nhà ở và quỹ công sai tiêu chuẩn là có thật. Ngay sau đó, ông T.D được gợi ý rút ra khỏi danh sách ứng cử viên Quốc hội khoá VIII. Hội đồng bầu cử Quốc hội số 5 của tỉnh Hải Hưng (nơi ông T.D ứng cử) nhận được thông báo quyết định xoá tên ông T.D khỏi danh sách ứng cử viên.
Cách chức Bí thư Tỉnh ủy vì mắc nhiều sai phạm
Cũng trong năm 1987, báo Tuần Tin Tức liên tục đưa lên mặt báo nhiều vụ việc liên quan nhiều nhân vật, nhiều ngành và địa phương. Báo Tuần Tin Tức không ít lần phải tiếp Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch đến “trình bày hoàn cảnh”, tiếp thu phê bình. Vụ việc kéo dài và phức tạp nhất trong số các vụ mà báo Tuần Tin Tức nêu lên là vụ ông Hà Trọng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Nhà báo Vũ Tâm (sau trở thành Tổng biên tập báo - PV) với bút danh Thơ Linh Cơ đã hoàn thành xuất sắc loạt bài “Lan “lừa” là ai”.
Nhà báo Đỗ Phượng, khi đó là Tổng giám đốc TTXVN kể, sau khi báo đăng ông đã gặp và đưa tờ báo cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc. “Chúng tôi đã đăng bài báo này và chúng tôi biết chắc chắn ngày mai sẽ có chuyện. Hoặc TTXVN, hoặc ông Hà Trọng Hòa sẽ bị kỷ luật”. Tuy nhiên sau đó, Tổng Bí thư nghe báo cáo xong đã đồng ý để Tuần Tin Tức tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình. Kết quả, sau loạt bài điều tra của báo Tuần Tin Tức, ông Hà Trọng Hòa bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Trong bản thông báo của Bộ Chính trị vào tháng 7/1988, sau khi thành lập đoàn kiểm tra một số vấn đề tại Thanh Hóa, Bộ Chính trị kết luận ông Hà Trọng Hòa đã phạm sai lầm về công tác cán bộ, về chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thái độ phê bình và tự phê bình, phạm sai lầm trong việc giải quyết một số công việc mà báo chí đã nêu. Trong cuộc sống cá nhân, ông Hà Trọng Hòa cũng có nhiều khuyết điểm riêng. Bộ Chính trị đã quyết định cách chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa của ông Hà Trọng Hòa.
Hàng loạt quan chức nhúng chàm vì tiếp tay cho xã hội đen
Năm 1995, Bộ Công an đã đánh giá vụ án Năm Cam và đồng bọn là một vụ án hình sự nghiêm trọng đặc biệt, Năm Cam và đồng bọn đã có những hành vi cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và tầng lớp dân cư trong đời sống xã hội. Bộ Công an đã bắt giam, tập trung cải tạo tội phạm nguy hiểm Năm Cam nhằm mục đích củng cố hồ sơ truy tố Năm Cam. Với các thủ đoạn mua chuộc bằng tiền, quan hệ với các quan chức cơ quan công an, kiểm sát cùng các thủ đoạn khác, Năm Cam lại được thả trước thời hạn. Sau khi được trả tự do, Năm Cam hoạt động mạnh hơn, trắng trợn hơn rất nhiều so với trước năm 1995.
Nhận xét về việc thời gian gần đây, dường như có quá ít nhà báo dấn thân chống tham nhũng một cách quyết liệt, dũng cảm, nhà báo Trần Đình Bá cho rằng, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, gần như chưa có một hành lang pháp lý nào để bảo vệ người chống tiêu cực nói chung và nhà báo chống tiêu cực nói riêng. Rõ ràng, nhiều vụ trả thù nhà báo nhưng cơ quan pháp luật còn xử lý thiếu kiên quyết khiến cho các nhà báo nản lòng. Không ít nhà báo tham gia chống tham nhũng bị vô hiệu hóa ngay tại cơ quan mình, thậm chí bị vô hiệu hóa từ cơ quan pháp luật. Thứ hai, thời buổi cơ chế thị trường, nhà báo cũng bị tác động nhiều. Nhà báo Trần Đình Bá cho rằng, ông biết không ít nhà báo bị vô hiệu hóa bằng tiền và đó là một thực tế rất đau lòng cho nghề báo. |
Tháng 5/2001, để điều tra quá trình hình thành và hoạt động tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” của Năm Cam và đồng phạm, Bộ Công an đã thành lập một chuyên án mới gọi là Chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”. Tháng 12/2001, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án Năm Cam và đồng bọn. Tháng 10/2002, cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra, và chuyển hồ sơ sang Viện KSND để đưa ra xét xử 155 bị can với 24 tội danh khác nhau.
Trong số các bị cáo đưa ra xét xử vào năm 2003, đáng chú ý có Bùi Quốc Huy (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an), Phạm Sỹ Chiến (nguyên Viện phó VKSND Tối cao), Trần Mai Hạnh (nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam); Nguyễn Mạnh Trung (nguyên Phó phòng CSĐT Công an TP HCM; Dương Minh Ngọc (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP HCM).
Suốt trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn, đời sống báo chí cả nước luôn sôi sục. Ước tính đã có hàng nghìn tin, bài liên quan đến vụ án và dường như độc giả chỉ quan tâm đến thông tin vụ án khi mua báo. Thời gian này cũng được xem là thời hoàng kim của các phóng viên theo dõi mảng nội chính.
Trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2002, ông Mai Thúc Lân, lúc đó là Phó chủ tịch Quốc hội, trong bài viết nhan đề “Báo chí với việc phát hiện đường dây chạy án trong vụ Năm Cam”, có nhận định: “Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc phanh phui những tiêu cực “động trời” trong đường dây chạy án này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận