- 1. Ngày Tết Quê Em
- 2. Lắng nghe mùa xuân về
- 3. Ngày xuân long phụng xum vầy
- 4. Đón xuân
- 5. Mùa xuân ơi
- 6. Tết là Tết
- 7. Khúc giao mùa
- 8. Xuân này con không về
- 9. Con bướm Xuân
- 10. Mùa Xuân đầu tiên
- 11. Tết này con sẽ về
- 12. Phút giao thừa lặng lẽ
- 13. Thì thầm mùa xuân
- 14. Đoản Xuân Ca
- 15. Mùa chim én bay
- 16. Mùa xuân làng lúa làng hoa
- 17. Một năm mới bình an
- 18. Em ơi mùa xuân đến rồi đó
- 19. Hoa cỏ mùa xuân
- 20. Tết đong đầy
1. Ngày Tết quê em
Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, những giai điệu nhộn nhịp, vui tươi của ca khúc Ngày Tết quê em: "Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi!..." đều vang lên trong đầu của người Việt. Có lẽ tất cả người nghe giai điệu này đều cảm thấy bồi hồi và rạo rực như Tết đang đến rất gần.
Bài hát không chỉ mang giai điệu vui tươi, rộn rã mà lời bài hát gần như gói gọn hết những nét đặc trưng, những phong tục và ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết cổ truyền đối với người Việt.
Được nhạc sĩ Từ Huy sáng tác vào năm 1994, "Ngày Tết quê em" là một trong những ca khúc nổi bật mỗi dịp tết Nguyên đán ở Việt Nam.
2. Lắng nghe mùa xuân về
Lắng nghe mùa xuân về được nhạc sĩ Dương Thụ viết ở Sài Gòn vào năm 1998, khi ông đã xa Hà Nội ngót nghét 20 năm. Thế nhưng khi giai điệu và tiếng ghi ta vang lên, người nghe vẫn thấy thấm đẫm hình ảnh của Hà Nội thoắt ẩn thoắt hiện thuở nào. Ở đó là cánh đào hé nở, là giọt mưa xuân tí tách bên thềm nhà, ở đó là chút gì thật tĩnh lặng của thời khắc Giao thừa mà tác giả đang nghe lòng mình nao nao, bay bổng.
"Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng. Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn. Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang".
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, người đầu tiên thể hiện ca khúc này là Trang Kim Yến - ca sĩ thành danh từ trước năm 1975 ở Sài Gòn. Tuy nhiên, phải đến khi Hồng Nhung đem ca khúc này lên chương trình "Làn sóng xanh", khán giả mới biết nhiều đến nó.
3. Ngày xuân long phụng sum vầy
Ngày xuân long phụng sum vầy là một bài hát rất ý nghĩa của nhạc sĩ Quang Huy từ năm 2012 mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là một ca khúc nhạc Tết vui nhộn nói về không khí ngày Tết rộn ràng với mong ước mọi sự tốt lành, nhiều phúc lộc và sức khỏe cho mọi người, mọi nhà.
Mừng Tết đến và lộc đến nhà nhà. Cánh mai vàng, cánh đào hồng thắm tươi. Chúc cụ già được sống lâu sống thọ. Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang."
Đây bài hát không còn quá xa lạ với những người yêu nhạc Việt. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bài hát lại rộn rã khắp mọi nẻo đường.
4. Đón xuân
Được sáng tác vào mùa xuân năm 1952, ca khúc Đón xuân vừa ra đời đã trở nên nổi tiếng bởi giai điệu bắt tai cùng các dùng từ mới lạ.
Cảm nhận về mùa xuân của Phạm Đình Chương vô cùng đặc sắc, ông không chỉ cảm nhận mùa xuân về bằng thị giác, bằng xúc giác, mà còn có cả thính giác nữa.
Bằng những ca từ vui vẻ, yêu đời, nhạc sĩ đã truyền tải đến người nghe những thông điệp tích cực trong cuộc sống, không chỉ có mùa Xuân con người mới có niềm vui, mà niềm vui sẽ đến một lúc chỉ cần chúng ta lạc quan.
"Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi nơi. Đem trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối. Ánh xuân đem vui với đời".
5. Mùa xuân ơi
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ca khúc "Mùa xuân ơi" của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện lại vang lên khiến mỗi người con xa quê lại náo nức, bồi hồi khi nhớ về quê hương, về cha mẹ... Mùa xuân ơi viết năm 1995, lấy cảm hứng từ âm thanh của tiếng pháo. Bài hát này được nhóm Tam ca áo trắng thể hiện rất thành công.
Ca khúc với tiết tấu rộn rã, vui tươi, ngợi ca về một mùa xuân bình yên, tươi đẹp. "Xuân xuân ơi xuân đã về. Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến. Xuân xuân ơi xuân đã về. Tiếng chúc Giao thừa chào đón mùa xuân".
6. Tết là Tết
Là một sáng tác của nhạc sĩ Quốc Trung, một bài hát ngắn mà có đến 22 từ Tết được lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính điều đó khiến người nghe cảm thấy vui mừng và càng thêm rộn ràng trước không khí xuân sang.
"Tết tết tết là tết là tết tết vừa đến đây dưới máy hiên nhà. Tết tết tết là tết là tết tết vừa ghé qua trong nhà dưới phố. Tết tết tết là tết là tết cho người ở xa về đây sum vầy. Tết tết tết là tết là tết con cháu ông bà quây quần bên nhau.
Cho bầy trẻ thơ cùng khoe áo mới cho những người lớn lì xì trẻ con, tất cả mọi người hân hoan chúc nhau chúc nhau một năm an lành yên vui. Cho bầy trẻ thơ cùng khoe áo mới cho những người lớn lì xì trẻ con, tất cả mọi người hân hoan chúc nhau chúc nhau một năm an lành yên vui.
7. Khúc giao mùa
Khúc giao mùa là một sáng tác của nhạc sĩ Huy Tuấn gắn liền với giọng hát của hai ca sĩ Mỹ Linh và Minh Quân. Bài hát này nằm trong album Vẫn mãi mong chờ của Mỹ Linh năm 2002. Trong suốt cả thập kỉ qua, mỗi khi tết đến xuân về, tiếng hát của họ lại vang lên trên làn sóng phát thanh, truyền hình.
Bên li rượu mừng năm mới, đôi bạn trẻ đã cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Và, không gì hơn là mong ước tình cảm mãi bền đẹp, cho dù hoa kia có phôi phai, cho dù qua bao tháng năm dài. Lời chúc của các đôi lứa yêu nhau trong phút Giao thừa hay cũng chính là mong ước, là lời thề nguyện thủy chung, son sắt cùng nhau đi hết cuộc đời.
"Bên em bên em anh say trong hạnh phúc. Ðôi môi em anh ngỡ cánh đào. Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát. Những giai điệu tình yêu".
8. Xuân này con không về
Xuân này con không về được bộ ba nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân sáng tác trong khoảng thập niên 60. Ca khúc thường được phát vào dịp đầu xuân, diễn tả tâm trạng của một người xa nhà nhân dịp Xuân về.
Bài hát diễn tả tâm trạng một người xa nhà không được về đón xuân cùng gia đình vào dịp Tết đến. Mở đầu bài hát là một dòng suy tưởng của một người xa nhà: "Con biết xuân này mẹ chờ tin con, Khi thấy mai đào nở vàng bên nương."
Nhìn cảnh mùa xuân đang đến gần ở nơi xa, người xa nhà chạnh lòng nghĩ về mẹ già ở quê nhà, nhớ không khí Tết gia đình lúc còn thanh bình với bánh chưng xanh, hoa mai vàng, tiếng pháo nổ, với bầy trẻ thơ ngây, tuy nghèo mà đầm ấm và nhớ tới lời hẹn ước sẽ trở về ngày đầu xuân.
9. Con bướm xuân
Con bướm xuân nguyên bản là một ca khúc nhạc Hoa mang tên China cha cha cha (Cha cha cha Trung Hoa). Ca khúc ra đời vào thập niên 1960, do nhạc sĩ Dật Danh của Đài Loan sáng tác.
Có thể nói nam ca sĩ Hồ Quang Hiếu là người mở màn cho sự quay trở lại của "Con bướm xuân" khi anh remix lại ca khúc trên nền nhạc sôi động vào thời điểm cuối năm 2013. Từ các ngõ ngách làng quê đến những nơi thành thị xa hoa như bar, shop, club… giai điệu Con bướm xuân đều vang lên. Lời bát hát vui vẻ, cộng với giai điệu "xập xình" sôi động đã khiến cho bầu không khí dịp cuối năm trở nên tươi vui, mới mẻ hơn.
"Con bướm xinh, con bướm xinh, con bướm đa tình. Đùa vui với lũ hoa bó hoa mai lan đang hòa mình. Con én bay, con én bay, con én la đà. Tựa bầy tiên nữ trong khúc nhạc tình cha cha cha".
10. Mùa xuân đầu tiên
Một trong những bài hát về mùa xuân được hát nhiều nhất suốt những năm qua chính là ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" sáng tác vào dịp giáp tết Bính Thìn năm 1976 của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là mùa xuân đầu tiên nước nhà thống nhất.
Niềm vui hòa bình, đoàn tụ đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ gạo cội viết lên những lời ca tràn đầy cảm xúc với giai điệu du dương, sâu lắng: "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng cho bao tâm hồn…".
11. Tết này con sẽ về
Với "Tết này con sẽ về", nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ Bùi Công Nam muốn lan tỏa một thông điệp ý nghĩa: "Tết chỉ đến khi những người thân yêu trở về bên nhau. Một cái Tết trọn vẹn với ba mẹ, chính là cái Tết được nhìn thấy con cái quây quần trong gia đình".
Thông thường, mỗi mùa Tết đến thường đi kèm gánh nặng tiền bạc, sắm sửa quần áo, quà cáp, tuy vậy, ở bối cảnh đặc biệt của năm 2021, những điều đó không còn quan trọng. Chỉ cần trở về nhà, gặp lại người thân đã là cái Tết đủ đầy!
"Tết này con sẽ về, dẫu ở đâu con cũng sẽ về. Về đem hết chuyện kể ba nghe. Đêm giao thừa vô bếp với mẹ. Tết này con sẽ về, mẹ đừng lo và chờ con nhé. Bởi con hiểu Tết của mẹ là, chỉ khi thấy con được quay trở về."
12. Phút giao thừa lặng lẽ
Bài hát "Phút giao thừa lặng lẽ" là ca khúc do nhạc sĩ Dương Thụ viết lời và phần âm nhạc do nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn thực hiện vào mùa đông năm 1998.
Đầu thập niên 2000, Mỹ Linh, Anh Quân, Trung Kiên, Bằng Kiều, Ngọc Anh 3A và tứ ca Sao Mai đã mang lại một Phút giao thừa lặng lẽ đúng như tinh thần của bài hát - sâu lắng, trữ tình và dịu dàng như những cánh hoa xuân.
Sau đó, Phút giao thừa lặng lẽ được bốn giọng ca trẻ Anna Trương, Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn và Đinh Mạnh Ninh thể hiện lại theo phong cách R&B trẻ trung, sôi nổi hơn.
Phút giao thừa lặng lẽ là bản tự sự sâu lắng, trữ tình trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong những giờ phút cuối cùng của năm cũ, tâm trạng mỗi người sẽ không tránh khỏi những ưu tư, chiêm nghiệm về những điều đã trải qua, nhưng rồi mọi nuối tiếc, trăn trở nhanh chóng được thay thế bởi tâm trạng tươi vui, náo nức.
"Mùa xuân, một nhành lá xanh tươi lộc xuân. Một nhành lá non, một tình yêu chưa biết đến. Mùa xuân để ta hát lên trao tặng nhau. Làm tình yêu mãi xanh rờn. Sống trong ta mãi muôn đời. Kìa mùa xuân về, giao thừa đã qua".
13. Thì thầm mùa xuân
Ca khúc "Thì thầm mùa xuân" có thể nói là mốc son đáng nhớ trong cuộc đời làm nhạc của Ngọc Châu. "Thì thầm mùa xuân" vẫn vang lên mỗi dịp Tết đến xuân về, làm rung động trái tim của bao người. Ít người biết, "Thì thầm mùa xuân" là ca khúc ca sĩ Ngọc Châu viết riêng để tặng cho mối tình đầu của mình.
Tại Liên hoan các ban nhạc nhẹ tại Đà Nẵng (1993), ban nhạc Hoa Sữa đã thể hiện thành công ca khúc "Thì thầm mùa xuân" qua sự trình bày của ca sĩ Mỹ Linh. Ca khúc cũng giúp cá nhân Ngọc Châu lọt vào top 10 nghệ sĩ được bình chọn của Làn sóng xanh năm 1998.
Sau khi ra đời, ca khúc mang sắc thái vui tươi và trẻ trung đã nhanh chóng được khán giả yêu mến. Lời thì thầm mùa xuân vẫn vang lên mỗi dịp Tết đến xuân về, làm rung động trái tim của bao người.
"Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên. Và em đã biết thương nhớ, biết giận hờn. Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn. Và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh. Để rồi đắm say. Để rồi ngất ngây".
14. Đoản xuân ca
"Đoản xuân ca" cũng là nhạc phẩm không thể thiếu của mọi nhà vào mỗi dịp Tết. Ca khúc do nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác có tiết tấu nhanh, giai điệu rộn ràng, ca từ mang nhiều ý nghĩa rất phù hợp với sự mong chờ đón chào một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và thành công.
Mỗi khi giai điệu của ca khúc được bật lên, khán giả ở mọi lứa tuổi đều có thể ngân nga theo lời ca: "Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan, tiếng pháo vui vang đó đây nghe rộn ràng". Khi nghe ca khúc này, khán giả luôn có được sự háo hức, nhịp tim vang theo từng nhịp của tiếng trống chiêng rộn ràng ngày Tết.
15. Mùa chim én bay
Mùa chim én bay là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Diệp Minh Tuyền. Hoàng Hiệp sáng tác bài hát này trên phố biển Nha Trang vào đầu những năm 1980.
Lúc đó, có đoàn nhạc sĩ ra Nha Trang "lập trại sáng tác" theo đơn đặt hàng của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên, Khánh Hòa hiện nay) với đề tài gợi ý là chim én, vì biểu tượng của Nha Trang chính là chim yến (én).
Mỗi độ xuân về người ta không khỏi xao xuyến bồi hồi khi nhớ tới những câu thơ "Khi gió đồng ngát thơm rợp trời chim én lượn. Cây nẩy đầy chồi xanh mây trắng bay yên lành. Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ. Và lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man".
16. Mùa xuân làng lúa làng hoa
Có một ca khúc Việt, mỗi khi Tết đến Xuân về lại được vang lên, khiến lòng người xôn xao, náo nức. Đó là bài hát "Mùa xuân làng lúa làng hoa": "Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê. Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa. Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng".
Mùa xuân làng lúa làng hoa là một ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Ngọc Khuê sáng tác năm 1981. Ca sĩ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Với giọng hát thiên phú, ca sĩ trẻ Thanh Hoa khi đó đã thể hiện một cách đằm thắm và vui tươi, làm rung động lòng người qua làn sóng phát thanh thời bấy giờ.
Trong một lần đi thăm nhà người bạn ở làng hoa Nghi Tàm, khi qua làng Xuân La, Xuân Đỉnh, nhạc sĩ Ngọc Khuê cảm nhận được hương lúa ngào ngạt, một cái nhìn khác về mùa xuân Hà Nội. Trước khung cảnh đẹp, thanh bình đó, một Hà Nội đầy đủ hương vị đã thôi thúc nhạc sĩ Ngọc Khuê nảy ra những ca từ đầu tiên của bài hát.
17. Một năm mới bình an
Ca khúc "Một năm mới bình an" của Sơn Tùng MTP sáng tác vào năm 2016, thời điểm mà nam ca sĩ đang làm mưa làm gió trên thị trường nhạc Việt. Bên cạnh những hình ảnh đẹp về ngày Tết truyền thống với gia đình sum vầy, tình người ấm áp, ca khúc này còn khiến nhiều người xúc động bởi ca từ ý nghĩa được đông đảo bạn trẻ yêu thích và lắng nghe mỗi dịp Tết đến xuân về.
"Đàn em thơ khoe áo mới xuân tới phơi phới. Những bao lì xì ngay ngắn may mắn tươi tắn. Bánh chưng thơm lừng ngất ngây xuân về ngập tràn lộc muôn nơi. Nắng ban mai hé môi cười dịu dàng xuân đến".
18. Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Năm 1976, nhạc sĩ Trần Chung đi công tác ở các tỉnh phía Nam và có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ là thanh niên xung phong. Tiếp xúc với đối tượng ấy, Trần Chung cảm thấy ở họ một sức sống sôi nổi và mãnh liệt, hồn nhiên, yêu đời. Họ rất thích ca hát. Những bài hát hay viết về họ mà họ ưa thích chưa nhiều.
Trần Chung nghĩ ngay đến một bài hát không hẳn viết riêng cho các bạn thanh niên xung phong mà là viết về sức sống, tuổi trẻ của họ. Anh mong muốn bài ca ấy sẽ được họ yêu thích. Và ca khúc "Em ơi mùa xuân đến rồi đó" chính thức được ra đời.
Mùa xuân 1978, tác giả giới thiệu bài hát trên làn sóng phát thanh. Bài hát Mùa xuân đến rồi đó đã nhanh chóng đến với quần chúng. Rạo rực, sôi nổi, không ồn ào, không lên gân. Ngắn gọn, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, dễ hát mà đường nét giai điệu lại mới mẻ.
"Em ơi mùa xuân đến rồi đó. Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời. Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời. Xuân ước vọng ngàn năm lại tới. Nghe lòng vui phơi phới. Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi".
19. Hoa cỏ mùa xuân
Ra đời vào thập niên 1990, "Hoa cỏ mùa xuân" của nhạc sỹ Bảo Chấn đã góp thêm vào vườn nhạc xuân một bông hoa riêng, lung linh sắc màu. Giai điệu nhanh, vui tươi và lời ca dung dị, nhạc sỹ Bảo Chấn đã thổi một làn gió mát vào "hơi thở mùa Xuân".
Mùa xuân là lúc cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, là mùa của những sự bắt đầu, có thể là một tình yêu mới, một tâm hồn mới hay một cuộc sống mới. Đó cũng là ý nghĩa được thể hiện trong ca từ của Hoa cỏ mùa xuân
"Này là cỏ non rất mềm, này là mùa xuân rất hiền, này là hoa rất thơm. Này là giọt sương trĩu nặng, hạt ngọc trên lá cỏ, trên bông tầm xuân trước hiên nhà."
20. Tết đong đầy
Bài hát Tết đong đầy của Kay Trần, Duck V và Nguyễn Khoa sáng tác năm 2020 vô cùng ý nghĩa. Mỗi câu chữ trong Tết đong đầy lyric đều khiến người nghe gợi nhớ đến không khí của ngày Tết cổ truyền.
Hình ảnh bánh Chưng xanh, hoa mai, hoa đào, vv đều là những thứ rất đặc trưng của Tết cổ truyền. Đặc biệt với những người con xa xứ thì ca khúc Tết đong đầy có thể khiến họ xao xuyến nhớ về cái Tết quê hương.
"Mẹ nấu bánh chưng xanh, làn gió khẽ lay đưa. Cùng tiếng múa lân vang tùng cheng tùng cheng thích mê chưa. Đàn cháu chúc ông bà nhiều sức khỏe vui tươi, nồng ấm cứ đong đầy. Cùng nhau chào xuân đến bên ta. Tết đong đầy".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận