Dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A do liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thực hiện có nhiều dấu hiệu bất thường.
Đáng chú ý, dự án được kiến nghị thanh toán đất đối ứng có giá trị chênh lệch hàng chục lần và doanh nghiệp đã huy động vốn dù chưa được giao đất…
Kỳ 1: 10 năm vẫn dở dang, khái toán liên tục "nhảy múa"
Vành đai 2,5 đoạn từ sông Lừ đến QL1A ngổn ngang gạch đá, quây tôn, chưa triển khai xây dựng
Dù lãnh đạo TP Hà Nội đã kết luận dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A phải hoàn thành trước ngày 10/10/2018 và không được gia hạn thêm, song đến nay vẫn dang dở. Bên cạnh đó, số tiền khái toán dự án liên tục “nhảy múa”.
Dự án 10 năm vẫn dang dở
Dự án đường Vành đai 2,5 được TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), chỉ định chủ đầu tư.
Năm 2014, Sở GTVT Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh: Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà và doanh nghiệp thực hiện dự án do liên danh nhà đầu tư lập ra là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai.
Theo nội dung hợp đồng ký kết, các hạng mục do nhà đầu tư thực hiện gồm: Nền mặt đường, vỉa hè, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cầu, hào kỹ thuật và tổ chức giao thông. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013 - 2016.
Thế nhưng kể từ khi ký hợp đồng (năm 2013) đến nay, đoạn đường hơn 2km vẫn chưa thông tuyến. Ghi nhận của PV cho thấy, đoạn từ sông Lừ đến QL1A vẫn là bãi “chiến trường”, gạch, ngói, phế thải xây dựng từ hoạt động GPMB chất đống.
Tương tự, đoạn ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phân đoạn Đường 2,5 dài khoảng 500m đang triển khai dang dở, biến thành bãi tập kết rác, mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân xung quanh khốn khổ. Để giảm thiểu bụi vào nhà, nhiều hộ dân đã phải mua lưới làm lớp bọc bên ngoài cửa nhưng cũng không được bao lâu lại bị bám đen kịt.
Tổng vốn đầu tư “nhảy múa”
Không chỉ chậm tiến độ, theo hồ sơ mà PV có được, khái toán tổng mức đầu tư dự án này liên tục “nhảy múa”.
Theo quyết định chấp thuận qua hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phám hợp đồng dự án mà TP Hà Nội ban hành năm 2010, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A dài 2,43km, dài hơn hiện tại 0,43km, chiều rộng 40m, nhu cầu sử dụng đất 97.000m2 (9,7ha). Khái toán tổng mức đầu tư là 682,4 tỷ đồng.
Hai năm sau (tháng 7/2012), Hà Nội ban hành Quyết định 2987 phê duyệt Báo cáo khả thi dự án này. Tổng diện tích dự án thực hiện giảm từ 9,7ha xuống 6,7ha (67.125m2).
Đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A (thuộc địa giới hành chính hai quận Hoàng Mai, Thanh Xuân) có chiều dài 2,06km, rộng 40m; nhu cầu sử dụng đất ước tính 9,7ha. Mục tiêu nhằm đồng bộ đoạn tuyến theo quy hoạch, góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai kết nối liên thông theo mạng nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực, chỉnh trang quy hoạch đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án (khái toán) tăng lên 1.317 tỷ đồng (tăng hơn 635 tỷ đồng).
Số khái toán 1.317 tỷ đồng cũng được xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư do Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký.
Đến năm 2019, trong Báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2019 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước xác định, tổng mức đầu tư dự án này giảm 251 tỷ đồng.
Còn theo thông tin từ Sở KH&ĐT TP Hà Nội, sau kết quả kiểm toán, chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống 800 tỷ đồng, giảm 517 tỷ so với Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, theo quy định hiện nay (Nghị định 16/2022/NĐ/CP), khái toán sai là hành vi vi phạm, có thể bị phạt tiền theo mức độ vi phạm (80 - 100 triệu đồng). Ngoài ra còn buộc khắc phục hậu quả, phê duyệt lại dự toán để làm căn cứ điều chỉnh gói thầu.
Với trường hợp dự án BT Vành đai 2,5, nhà đầu tư đầu tư công trình xây dựng và được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng. Giá trị BT càng cao thì quỹ đất đối ứng thanh toán càng lớn. Số liệu khái toán không chính xác có thể dẫn đến những thiệt hại cho ngân sách thông qua việc thanh toán bằng quỹ đất lớn hơn giá trị BT thực.
“Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, có hay không việc cố tình làm tăng khái toán để trục lợi thông qua quỹ đất đối ứng”, luật sư Bình phân tích.
Không gia hạn thêm, vì sao chưa thu hồi?
Để có thêm thông tin về tiến độ dự án, PV Báo Giao thông đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, tại 79 Thanh Đàm, Hoàng Mai.
Tuy nhiên, khi PV đến làm việc theo lịch hẹn, giám đốc hành chính đơn vị này, bà Nguyễn Thị Thu Hường và cán bộ công ty lại từ chối làm việc, dù chúng tôi đã xuất trình thẻ nhà báo.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội cho biết: Theo kế hoạch, dự án thi công từ ngày 9/3/2014 và phải hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa thể hoàn thành do vướng GPMB. Hiện dự án đã triển khai trên tất cả các vị trí đủ điều kiền thi công với chiều dài khoảng 1.381,7m tương đương hơn 87%, còn lại khoảng 200m chưa thể thực hiện do vướng 14 hộ chưa GPMB.
Ông Đức cho biết thêm, kể từ tháng 1/2022 đến nay, dự án gần như không triển khai thi công. Cam kết của UBND quận Hoàng Mai với UBND TP là đến quý I/2023 sẽ hoàn thành GPMB nhưng đến nay vẫn chưa xong.
“Chúng tôi đang yêu cầu trong quý II/2023 phải hoàn thành GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư, phấn đấu thông xe vào dịp cuối năm 2023”, ông Đức nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của PV: Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào tới việc lưu thông của người dân và việc này thuộc trách nhiệm của ai, ông Đức nói: “Dự án chưa hoàn thành, tất nhiên việc lưu thông của người dân chưa thể thuận lợi, công tác quản lý trật tự đô thị cũng bị ảnh hưởng. Dự án chậm tiến độ, trách nhiệm chính của nhà đầu tư, ngoài ra còn có trách nhiệm của một số đơn vị liên quan phụ trách về công tác GPMB”.
PV cũng đã liên hệ với doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai về trách nhiệm thực hiện dự án theo hợp đồng, song chưa nhận được câu trả lời.
Làm việc với chính quyền sở tại, PV được Phó chủ tịch phường Định Công Đặng Xuân Chiến xác nhận: Việc GPMB đường 2,5 cơ bản hoàn thành, chỉ còn khoảng 14 hộ liên quan đến đất ở. Toàn bộ diện tích đã giải phóng, phường đã bàn giao cho chủ đầu tư quản lý. “Tiến độ triển khai dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, phường không nắm được”, ông Chiến cho hay.
Trong khi đó, đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân tiến độ chậm ngoài các yếu tố kỹ thuật, cũng còn tình trạng chậm bàn giao mặt bằng, trách nhiệm này thuộc về UBND quận Hoàng Mai.
Cũng theo vị đại diện, dự án này đang giao sở ngành của thành phố xem xét gia hạn. Nếu thu hồi, cần tổng hợp, đánh giá nhiều yếu tố: Năng lực, tiến độ... sau đó mới đưa ra đề xuất.
Vào tháng 3/2017, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Hà Nội chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng dự án xây dựng Đường 2,5 từ Đầm Hồng - QL1A đến tháng 12/2017.
Sau đó thành phố chấp thuận và yêu cầu nhà đầu tư cam kết đủ vốn để đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo hoàn thành trong năm 2017. Nhưng sau đó, dự án tiếp tục chậm.
Tại Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại cuộc họp về tổ chức thực hiện công tác đầu tư, GPMB xây dựng Đường 2,5 (tháng 3/2018) có nêu rõ: Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà phải huy động, chuẩn bị đầy đủ vốn để kịp thời ứng cho UBND các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân chi trả cho công tác GPMB; hoàn thành công trình trước ngày 10/10/2018, thành phố không gia hạn thêm. Dù vậy, dự án đến nay vẫn ngổn ngang.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận