Hạ tầng

Những bất tiện khiến khách ngại vào bến xe nghìn tỷ ở TP.HCM

image

Hệ thống giao thông kết nối chưa thông khiến hành khách luống cuống khi đi lại và vật vã khi vận chuyển hành lý tại bến xe miền Đông mới.

Sau khi nhận phản ánh của một số hành khách, phóng viên Báo Giao thông đã trực tiếp trải nghiệm tại bến xe miền Đông (BXMĐ) mới.

“Gần nhà xa ngõ”

Theo ghi nhận của PV lúc 14h ngày 15/11, tại sảnh mua vé của bến xe khá rộng rãi, sạch sẽ, một số hành khách ngồi trên ghế salon đợi ra xe.

Một hành khách tên Nam nói: "Bến mới thông thoáng, sạch sẽ quá! Có cả ghế salon ngồi chờ xe rất thoải mái".

img

Không gian bán vé, phòng chờ lên xe tại BXMĐ mới khá thông thoáng, sạch sẽ. Ảnh: Quang Phương.

Khi chúng tôi hỏi lối ra xe buýt miễn phí về bến xe Miền Đông cũ, một nam nhân viên trực quầy chỉ xuống tầng hầm và cho biết không cần vé nhưng phải chờ 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút mới có chuyến. Khách muốn nhanh, có thể đón tuyến xe buýt số 93 để đi nhưng tuyến này phải mua vé.

Rảo bộ theo cầu thang xuống tầng hầm, chúng tôi ra điểm đón xe buýt miễn phí. Dưới tầng vắng lặng! Chờ đợi hơn 30 phút, không thấy xe buýt nào, chúng tôi quay lên lấy xe máy để về trung tâm thành phố.

img

Hệ thống giao thông quanh xung quanh BXMĐ mới kết nối chưa thông thoáng khiến việc di chuyển của hành khách gặp nhiều lúng túng. Ảnh: CTV.

Từ BXMĐ mới, rẽ phải ra Quốc lộ 1 (theo hướng về Đồng Nai), chạy ra tới ngã ba Tân Vạn (TP.Dĩ An, Bình Dương, cách bến xe tầm 3km) mới có chỗ quay đầu xe trở lại để về hướng trung tâm TP.HCM.

Video ghi lại một phần quá trình di chuyển từ đường Hoàng Hữu Nam (phía sau BXMĐ mới) để ra Quốc lộ 1 về hướng trung tâm TP.HCM. Trong clip có 2 chốt CSGT đứng canh hai bên cầu vượt số 2. Clip: Quang Phương.

Gần 16h, chúng tôi quay lại BXMĐ mới để tìm một lối đi khác gần hơn. Theo các bảng tên chỉ dẫn đường, phải vòng ra sau bến, rẽ phải vào đường Hoàng Hữu Nam, tiếp tục rẽ phải vào đường 400, chạy hết đường tiếp tục rẽ phải vào Quốc lộ 1 (cách mặt tiền bến xe tầm 500m) rồi rẽ trái qua cầu vượt số 2 tiếp tục rẽ trái vào Quốc lộ 1 hướng tới Suối Tiên về TP.HCM. Đáng nói, tuyến đường này nhiều xe ben, xe tải, xe container chạy nên khá nguy hiểm.

Tốn tiền để thuê người vận chuyển đồ từ hầm ra trước bến

Trước đó, khoảng 10h ngày 14/11, chúng tôi đi trên xe ô tô giường nằm nhà xe Chín Nghĩa từ Bình Định đến BXMĐ mới. Để vào được BXMĐ mới, các xe khách (hướng từ Đồng Nai vào TP.HCM) phải chạy qua khỏi BXMĐ mới khoảng 1km rồi rẽ trái qua cầu vượt (gần khu Suối Tiên) mới vòng ngược lại. Xe trả khách dưới tầng hầm của BXMĐ mới.

Để vận chuyển được thùng hàng từ tầng hầm nơi trả khách, phóng viên phải thuê đội ngũ đẩy xe với gía 40.000 đồng. Clip: Quang Phương.

Tại khu vực trả khách trống vắng một cách lạ thường. Hơn 10 phút xuống xe, chúng tôi vẫn loay hoay với chiếc thùng xốp chứa đầy đồ, chưa biết cách nào để di chuyển ra phía trước đón xe về nhà. Một bảo vệ cho biết, gọi taxi, xe ô tô công nghệ vào tầng hầm đón khách phải trả phí 35.000 đồng/lượt.

35.000 đồng/lượt xe ô tô vào đón khách

Sáng 16/11, trong vai đi đón người thân tại BXMĐ mới, chúng tôi đã hỏi nhân viên bãi giữ xe về mức giá xe ô tô vào bãi để đón khách. Một nam nhân viên tại bãi giữ xe (tầng hầm) của BXMĐ nói: Xe ô tô vào bãi này để đón khách nhưng tốn phí: 35.000 đồng/lượt/4h đồng hồ. Vào rồi ra cũng 35.000 đồng.

Gọi hệ thống tổng đài taxi vinasun đặt một xe taxi 7 chỗ, nhân viên cho biết nếu vào tầng hầm đón thì khách phải trả thêm 35.000 đồng phí vào bến.

Đang ngó nghiêng tìm cách xử lý, đội ngũ bốc vác đẩy xe tới nói: “Để chúng tôi đẩy ra cổng cho, 40.000 đồng thôi!”.

Từ tầng hầm ra đến quốc lộ 1 (mặt trước bến xe) khoảng 100m nhưng phải đi lên dốc nên hành khách buộc phải sử dụng dịch vụ xe đẩy để đưa hành lý ra ngoài.

Tài xế xe công nghệ tên Tý cho biết, cứ vào bến là mất 35.000 đồng, đậu trong đó 2 - 3h đồng hồ cũng 35.000 đồng.

Anh Lê Đức Anh, một hành khách đi từ Bình Định vào BXMĐ chia sẻ, bến xe khá thông thoáng nhưng vệc trả khách dưới tầng hầm bất tiện, khách tốn thêm tiền thuê xe vào đón hoặc thuê đẩy đồ đạc ra đường.

"Vị trí trả khách thuận tiện cho nhà xe nhưng khách thì bất tiện. Thiết nghĩ bến xe nên tổ chức điểm trả khách hợp lý hơn, hoặc thiết kế tạo một lối đi cho xe vào đón khách rời bến. Nếu vẫn trả khách dưới hầm thì nên có sẵn các xe đẩy miễn phí để hành khách tự vận chuyển hàng, hoặc tính mức giá xe ô tô vào bến đón khách thấp hơn. Ô tô chỉ đón khách rồi ra mà phí đến 35.000 đồng là quá cao", anh Đức Anh góp ý.

Ngày 16/11, đại diện BXMĐ mới cho biết, bến xe mới đưa vào hoạt động giai đoạn 2 còn đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ. Về xe buýt miễn phí để trung chuyển hành khách từ bến cũ ra bến mới và ngược lại, hiện có 22 chuyến/ngày, thời gian phục vụ từ 4h30 đến 21h30. (Giờ khởi hành xe tiếp chuyển miễn phí từ BXMĐ mới đi về BXMĐ cũ được công bố là: 4h30, 6h, 8h, 9h30, 12h30, 13h30, 15h, 17h, 18h30, 20h, 21h30 - PV).

Việc bến xe không cho hành khách đậu xe trước sảnh bởi theo quy định trong bến nếu cho các xe đều được đậu sẽ chiếm diện tích, gây lộn xộn nơi xe buýt ra vào thường xuyên. Nếu khách dừng xe nhanh vài phút thì được còn đậu lâu chờ khách đều phải xuống bãi đậu xe tầng B1. Giá giữ xe đang thu theo quy định 35.000đ/4h.

“Đấu giá” gói bốc xếp hàng hóa 6 triệu đồng/tháng?

“Để được bốc xếp ở bến xe, chúng tôi đấu giá 6 triệu đồng/tháng. Họ cho có 6 xe đẩy! Ít khách, ngày có 2 người làm kiếm tầm 500.000 đồng nhưng tiền thuế bến, tiền ăn… tính ra tháng không được 2 triệu đồng/người chứ mấy. Tháng sau mà kiểu như này chắc kiếm việc khác làm", một nhân viên xe đẩy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.