Ảnh minh họa |
Cuối tuần, Kính cận đưa vợ đi Văn Miếu xin chữ. Cả nhà có lệ đầu năm đi chùa, đi lễ thì việc xin cho con sức khỏe, ngoan ngoãn, hiếu học luôn được ưu tiên hàng đầu. Mới 9h sáng, thắp hương xong xuôi, thấy vợ nói phải ngồi chờ cả tiếng để xin chữ, Kính cận bèn lẻn ra ngoài tranh thủ uống chén trà nóng, vô tình gia nhập câu lạc bộ các ông bố ngay trên vỉa hè. Câu chuyện lập tức rôm rả:
- Năm nay Văn Miếu đông từ mùng 1 Tết, thời buổi này, bố mẹ nào cũng lo việc ăn học của con đến thắt ruột, thắt gan các anh nhỉ?.
- Cháu nhà tôi năm nay thi vào lớp 10, thấy cháu bị tâm lý nên vợ chồng tôi thống nhất cao: Thi đỗ trường nào cũng được, không nhất thiết phải trường chuyên, trường điểm, khéo lo quá ốm ra đấy thì nguy.
- Quan trọng là học kiến thức để làm người, để ra đời biết đúng sai mà hành xử. Tôi không quan trọng lắm chuyện con phải học trường chuyên, trường điểm, chỉ cần trường nào thày cô rèn con nên người là mừng.
- Anh nói thế tôi lại lo, hôm qua xem ti vi thấy ông Giám đốc Công an TP Hà Nội nói xe chở hiệu trưởng một trường tiểu học bị tố gây tai nạn ngay trong sân trường khiến một học sinh gãy chân mà hiệu trưởng lại có thủ đoạn che giấu. Thậm chí, còn bày trò làm khảo sát học sinh toàn trường để nói không có vụ va chạm nào xảy ra. Thày cô mà không trung thực, không dám nhận lỗi thì dạy học sinh sao được?
- Mấy hôm nay có chuyện “nóng” hơn. Ở một trường cấp 3 có tiếng cũng ở Hà Nội, một học sinh bị bỏng nặng trong giờ thí nghiệm do sơ suất của các bạn cùng lớp. Sau gần 1 tháng, học sinh này lên mạng xã hội kể khổ thì mọi người mới biết. Nhà trường lúc ấy mới gửi báo cáo đi khắp nơi, thậm chí còn đề nghị các cơ quan báo chí không đăng tải để “ổn định công tác dạy và học”.
- Tôi đọc đoạn cô bé viết trên mạng xã hội mà thắt hết cả lòng, nhất là đoạn cô bé nói chỉ muốn chết quách khi thày cô và bạn bè mình nói dối che đậy sự thật.
- Các anh lạ nhỉ, thày cô với học sinh xảy ra chuyện gì thì cũng là chuyện trong trường, xử lý nội bộ. Chẳng nhẽ các anh muốn thày cô của con mình bị kỷ luật, bạn học của nó bị đình chỉ, rồi còn danh tiếng của nhà trường, tâm lý của bao học sinh khác. Sao cái gì cũng phải bày ra hết trên báo chí?
Thấy mọi người ớ ra trước lý lẽ của một người đàn ông trông khá trí thức, Kính cận mới ôn tồn xen vào:
- Đúng là không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng” nhưng giá trị của trường học không thể chỉ là danh tiếng. Đó là nơi tôi và anh đều muốn con mình được đối xử công bằng, nơi sự trung thực được tôn trọng, nơi giá trị của mỗi cá nhân được đánh giá bằng thực lực, nếu sai thì dũng cảm nhận lỗi và được tạo cơ hội để vượt qua. Nếu trong trường học có những sự thật bị che giấu, sự trung thực bị vùi dập và coi thường chỉ vì danh tiếng của ngôi trường, của thày cô giáo thì con anh và con tôi sẽ học được gì ở đó? Dứt khoát thày cô phải là tấm gương sáng cho học sinh, nếu họ không làm được, xin hãy làm nghề nào đó chứ đừng làm nghề giáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận