Thời sự Quốc tế

Những biến động mới nhất liên quan tới khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc

06/12/2024, 16:24

Ngày 6/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã đình chỉ công tác đối với 3 chỉ huy cấp cao liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

3 trung tướng bị đình chỉ công tác

Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Trung tướng Lee Jin-woo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô; Trung tướng Kwak Jong-keun, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt thuộc Lục quân và Trung tướng Yeo In-hyun - người đứng đầu cơ quan phản gián, đã được thuyên chuyển sang các đơn vị khác.

Những biến động mới nhất liên quan tới khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc- Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Seon-ho (Ảnh: Yonhap).

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có những chỉ trích về vai trò của quân đội trong việc thực hiện lệnh thiết quân luật cũng như nhiều lo ngại, chủ yếu từ đảng đối lập về khả năng tái ban bố thiết quân luật.

Theo Yonhap, các công tố viên quân sự cũng ra lệnh cấm đi lại đối với 10 quan chức quân sự đang bị nghi ngờ tội phản quốc cũng nhiều tội danh khác liên quan tới thiết quân luật bao gồm 3 chỉ huy cấp cao kể trên.

Trước đó cùng ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho lên tiếng xin lỗi vì khiến người dân lo ngại và tuyên thệ sẽ hợp tác với các cuộc điều tra do cơ quan công tố và cảnh sát tiến hành.

Để trấn an dư luận, quyền Bộ trưởng Quốc phòng cũng khẳng định Bộ này và quân đội Hàn Quốc sẽ không tuân theo bất cứ lệnh thiết quân luật nào khác nếu được đưa ra một lần nữa.

"Những tin đồn lan truyền sáng nay về dấu hiệu sẽ có một lệnh thiết quân luật khác là không chính xác. Kể cả nếu có một lệnh thiết quân luật nữa được đưa ra, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu sẽ không bao giờ tuân thủ", quyền Bộ trưởng Kim Seon-ho nói.

Cùng ngày, khi thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu luận tội tại Quốc hội chuẩn bị diễn ra, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gặp Chủ tịch đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon.

Nhiều nguồn tin cho biết cuộc gặp tại Văn phòng Tổng thống, diễn ra theo yêu cầu của ông Yoon Suk Yeol, với sự tham dự của Chánh văn phòng tổng thống Chung Jin Suk và nhà lập pháp Joo Jin Woo thuộc đảng PPP. Cuộc gặp tập trung vào các biện pháp tiếp theo sau lệnh thiết quân luật gây tranh cãi.

Trước đó, ông Han Dong-hoon từng khẳng định sẽ nỗ lực ngăn chặn động thái luận tội nhưng đã thay đổi lập trường và kêu gọi nhanh chóng đình chỉ quyền lực của Tổng thống. Ông này tiết lộ trong lệnh thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã ra lệnh bắt giữ các chính trị gia nổi tiếng.

Việc luận tội Tổng thống Yoon đòi hỏi phải có 2/3 số phiếu thuận tại Quốc hội gồm 300 thành viên, nghĩa là cần ít nhất 8 phiếu thuận từ đảng cầm quyền vốn đang giữ 108 ghế trong cơ quan lập pháp này.

Làn sóng biểu tình mạnh mẽ

Về phía dư luận, quyết định thiết quân luật của lãnh đạo Hàn Quốc đối mặt với làn sóng biểu tình mạnh mẽ.

Rất đông người dân dự kiến xuống đường biểu tình vào cuối tuần tại quận Yeouido, phía tây thủ đô Seoul, kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức vì tình trạng hỗn loạn khi thiết quân luật.

Theo Cơ quan Cảnh sát thủ đô Seoul, một cuộc biểu tình quy mô lớn dự kiến diễn ra tại Yeouido vào ngày mai 7/12 và có thể ảnh hưởng tới khu vực Quốc hội và một số con đường trong quận sẽ bị phong tỏa.

Những biến động mới nhất liên quan tới khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc- Ảnh 2.

Người dân tập trung ở trung tâm thành phố Daejon (Ảnh: Yonhap).

Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), một trong những công đoàn lao động lớn nhất cả nước, sẽ tổ chức biểu tình tại các khu vực gần Quốc hội lúc 1h chiều 7/12, sau đó tổ chức diễu hành.

Cảnh sát thủ đô Seoul có kế hoạch triển khai hơn 230 nhân sự để điều hướng các phương tiện đi vòng quanh tuyến đường diễu hành ở trung tâm Seoul và Yeouido.

"Nếu có thể, hãy sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, nhưng trong trường hợp cần sử dụng ô tô, hãy kiểm tra thông tin tình hình giao thông", một quan chức cảnh sát cho biết.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bất ngờ ban bố thiết quân luật khẩn cấp vào tối 3/12 nhưng sau đó đã dỡ bỏ lệnh này vài giờ khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát bỏ phiếu bác bỏ.

Trong quá trình này, quân đội đã áp đặt lệnh thiết quân luật, theo đó cấm mọi hoạt động chính trị, đồng thời huy động lực lượng đặc nhiệm tiến vào khu nhà Quốc hội.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.